Hành trình của con người đến với con người
Mỗi bài viết của Đại tá, nhà báo, nhà văn Phạm Thanh Khương đều ghi dấu một chuyến đi. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm. Mỗi kỷ niệm là một dấu mốc vượt núi, trèo đèo, lội suối, thậm chí uống nước suối tự nhiên. Mỗi lần trèo đèo, lội suối là bị vắt cắn hay ruồi vàng, bọ chó đốt, chuột rút.
Một trong những câu chuyện đáng nhớ trong vô vàn những chuyến đi ấy của nhà báo Phạm Thanh Khương là hành trình của con người tìm đến với con người khi anh cùng 16 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu làm nhiệm vụ “mở đất”, dựng nhà cho các hộ dân tộc người La Hủ ở bản Là Xi (xã Thu Lũm, huyện Mường Tè) vào năm 2009. Hành trình phải vượt qua con suối dữ dằn mùa lũ, leo 5 con dốc, 4 đỉnh núi cao trên dưới 2000m, mất 12 giờ đồng hồ (đi từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều).
Tộc người La Hủ Tây Bắc sống rải rác trên các triền núi cao thuộc 4 xã biên giới Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Ka Lăng và Thu Lũm (huyện Mường Tè). Họ sống ở nơi ngửa mặt thấy núi, cúi mặt thấy vực sâu, tứ bề là rừng hoang tịch. Với tập quán du canh, du cư, người dân chỉ dựng lều lợp bằng lá cây ở tạm. Khi nào lá xanh trên mái lều úa vàng và rụng xuống thì bà con lại bồng bế, dắt díu nhau đến một quả núi khác làm nhà ở. Ở một thời gian, lá vàng lại đi. Vì vậy, người La Hủ còn được gọi là người Lá Vàng.
Nhà báo Phạm Thanh Khương kể: “Núi ở Mường Tè liền vào nhau như những chiếc bát úp, với các đỉnh Pu Tả Tòng cao 2.109m, Pu Đen Đinh cao 1.886m, Pu Si Lung cao 3.076m. Cũng do núi cao nên ở Mường Tè, nhất là khu vực Thu Lũm, trời chỉ cần mưa rào khoảng 2 giờ là toàn bộ vùng đất này sẽ như một ốc đảo, hoàn toàn bị cô lập bởi lũ, sạt lở đường.
Có lần vào mùa lũ, Đại tá Hoàng Công Tiễn - Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Lai Châu đi kiểm tra các đồn trên địa bàn Mường Tè. Khi vào đến Thu Lũm, thấy trời đổ mưa ông vội vàng rút quân. Khi xe ra đến Ka Lăng, cách Thu Lũm khoảng 45km thì nước suối đã dâng cao cả chục mét, lũ cuồn cuộn. Chiếc cầu bắc qua suối cũng đã bị lũ cuốn trôi. Không còn con đường nào khác, ông phải đưa xe vào gửi trong đồn, đi bộ, cắt rừng về huyện, còn xe đợi đến mùa khô, tháng 10, tháng 11 mới vào để đưa về được”.
Bảo tồn một tộc người
Người La Hủ và người Hà Nhì có chung một ngôn ngữ, chỉ khác nhau một vài từ. Có thuyết cho rằng người La Hủ và người Hà Nhì có chung nguồn gốc, tuy văn hóa của hai tộc người này lại khác nhau. Theo truyền thuyết, tộc người La Hủ có nguồn gốc từ phương Bắc, biết làm lúa nước và dệt vải. Để tránh xung đột do tranh giành đất đai, người La Hủ cứ đi mãi, đi mãi và một bộ phận lưu lạc xuống vùng đất của người Đại Việt. Vì nỗi sợ chiến tranh, người La Hủ không sinh sống ở các vùng đất thấp mà sống lang thang trên các triền núi cao, ít giao tiếp với các cộng đồng tộc người xung quanh.
Người La Hủ di cư liên tục. Họ đi quanh năm suốt tháng, qua mùa mưa đến mùa khô, từ triền núi này sang triền núi khác, khi tìm được vạt đất, họ dựng lều rồi phát nương, tra hạt. Tra hạt xong lại đi để tìm một chỗ đất canh tác tiếp theo. Vì vậy, người La Hủ có thể tự đảm bảo được lương thực trong hai tháng, còn 10 tháng phải nhờ vào hái lượm hoa trái, săn bắt, đánh bẫy con thú trong rừng. Sống tách biệt hoàn toàn với xã hội, người La Hủ Mường Tè không được chăm sóc sức khỏe, một số phong tục, tập quán dần bị mai một. Tỷ lệ sinh, tử trong tộc người La Hủ là 1/1,1. Nghĩa là, cứ có 10 người được sinh ra thì có 11 người chết đi. Với tỷ lệ này, dân số của tộc người này đang từ từ giảm tự nhiên.
Ở xã Thu Lũm, tộc người La Hủ chỉ có 41 hộ, 212 khẩu sống rải rác trên một diện tích đất rừng, núi đá rộng tới 11.417ha. Các hộ người La Hủ hầu như sống tách biệt, mỗi gia đình ở một núi. Họ ít sống tập trung thành từng bản. Là Xi có 5 hộ dân. Không chỉ xóa đói, giảm nghèo cho bà con mà đoàn công tác của 16 cán bộ chiến sĩ BĐBP Lai Châu có nhiệm vụ tìm đất, dựng nhà cho tộc người La Hủ ở Thu Lũm, đưa tộc người La Hủ nơi đây về với cộng đồng - một hành trình bảo tồn một tộc người đang rơi vào báo động đỏ. Khởi thủy cho một cuộc sống mới của tộc người La Hủ bắt đầu.
Sau chuyến đi “mở đất” đó, anh đã viết phóng sự 4 kỳ “Hành trình tìm lại tộc người La Hủ ở Tây Bắc Mường Tè, Lai Châu”, đạt cả Giải Báo chí quốc gia lẫn Giải Văn học nghệ thuật. Còn từ tháng 6 - 11/2009, BĐBP Lai Châu đã làm xong 41 căn nhà cho đồng bào tộc người La Hủ ở Thu Lũm. Người dân nơi đây đã có nhà mới và cuộc sống mới.
Nhà báo Phạm Thanh Khương trên đường đi tác nghiệp ở biên giới. |
Gặp những “Tác-dăng” thời hiện đại
Đại tá Phạm Thanh Khương nhớ lại: “Năm 2010, nghe anh em Biên Phòng nói tìm được tộc người Đan Lai ở giữa vùng lõi Rừng Quốc gia Pù Mát, phía Tây Nghệ An, đã ở thời đại “nhấp chuột” mà tộc người này vẫn săn bắt hái lượm, ăn lông ở lỗ, sống như “Tác-dăng”. Vậy là tôi vội vã vác ba lô, ngược 47 thác nước lên thượng nguồn sông Giăng tìm đến nơi sinh sống của tộc người này”.
Người Đan Lai có quá trình tiến hóa ... ngược với lịch sử tiến hóa của con người. Họ nguyên gốc là người Kinh. Do chạy trốn lệnh vua bắt làng nộp thuế một trăm cây nứa vàng và con thuyền liền chèo, dân làng - thủy tổ của người Đan Lai ngày nay - đã đến tận đầu nguồn sông Giăng định cư lập làng mới. Phương tiện canh tác không có, cả làng chỉ biết vào rừng săn bắt, hái lượm để tồn tại. Cứ thế, trải qua mấy trăm năm sống tách biệt hoàn toàn với thế giới con người, dân làng quên dần tiếng nói, quên dần chữ viết, quên dần cách canh tác, quên tất cả các nét văn hóa và trở thành tộc người Đan Lai, trở lại cuộc sống thời hồng hoang nguyên sơ của tổ tiên loài người.
Khi đến vùng đất của người “Tác-dăng” Nghệ An, Phạm Thanh Khương biết được nhiều điều thú vị về văn hóa tộc người. Ví dụ: Người Đan Lai không có bản sắc riêng. “Đan Lai” nghĩa là đan xen và lai tạp. Cả tộc người Đan Lai có hai dòng họ chính là Lê và La. Họ La cũng chính là do sự biến âm của từ Lê mà thành. Tiếng nói của người Đan Lai chính là sự pha tạp ngôn ngữ của người Thái, người Lào cộng thêm chút từ ngữ của người Kinh khi xưa còn lại. Người Đan Lai không có chữ viết riêng, phong tục, tập quán của người Đan Lai là sự pha tạp phong tục, lối sống của người Thái, người Lào.
Các phong tục chôn cất, cúng giỗ người chết cũng không có. Khi đem người chết đi chôn, người Đan Lai chủ yếu cuốn chiếu. Nhà nào có chút “máu mặt” thì chặt cây nứa, cây giang hay cây tre rồi đem chẻ ra đan lại thành tấm phên, cuốn lại, bó chiếu bên ngoài. Bản ở bên này suối thì người chết phải được chôn bên kia suối. Huyệt chôn cũng chỉ đào rất nông rồi đưa người chết ra đó, thả xuống lỗ, san phẳng rồi nhặt hòn đá ném lên đó làm dấu. Việc ném hòn đá đánh dấu cũng là để người sống biết đó là “rừng ma” mà không vào.
Sau khi ném hòn đá lên phần đất vừa san phẳng xong, người làng phải chạy thật nhanh để ra khỏi chỗ đó. Khi chạy về đến bản, nhà có người chết phải dỡ nhà để làm lại. Người Đan Lai cho rằng người chết biến thành con ma, chôn xong phải chạy để trốn ma. Chuyện dỡ nhà làm lại là để con ma không còn nhận ra nơi trước đây đã ở. Kiếp người ở đây cũng chỉ có thế. Khi chôn xuống đất, con cháu không còn cúng giỗ để tưởng nhớ tiền nhân. Phong tục này cũng được người Đan Lai “vay mượn” từ phong tục của người Thái mà có./.