Theo hãng tin trên, thực tiễn cho thấy trí tuệ nhân tạo thực hiện một số loại công việc cụ thể cố định nào đó nhanh và tốt hơn so với con người, như việc xử lý cuộc gọi ở các trung tâm tiếp nhận điện thoại. Trí tuệ nhân tạo hiện đã được sử dụng rộng rãi trong ngành ngân hàng, đặc biệt là trong quá trình làm việc với các sản phẩm tín dụng.
Trong một bước tiến lớn hơn, Công ty khởi nghiệp Yixue Education của Trung Quốc hiện cũng đang phát triển các “robot gia sư” nhằm phục vụ các học sinh trong quá trình ôn thi vào đại học – một kỳ thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người Trung Quốc. SCMP dẫn lời ông Lie Haoyan - người sáng lập công ty trên – cho biết, quá trình thử nghiệm cho thấy các robot gia sư đảm nhiệm việc ôn thi cho các học sinh trước kỳ thi tuyển sinh vào đại học hiệu quả hơn nhiều so với giáo viên.
Kết quả này được ông Lie Haoyan đưa ra dựa trên thử nghiệm được tiến hành hồi cuối năm ngoái tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Trong thử nghiệm, 78 học sinh tham gia được chia thành 2 nhóm, một số học theo chương trình với trí tuệ nhân tạo, nhóm còn lại là với các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy trung bình là hơn 17 năm. Kết quả thử nghiệm cho thấy các bài kiểm tra toán đối với những người học theo hướng dẫn của robot có kết quả được cải thiện trung bình 36,13 điểm, trong khi chỉ số tương tự đối với những người đã học ở các lớp chuẩn chỉ là 26,18 điểm.
Phương pháp học của Công ty Yixue là sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận biết những điểm yếu của mỗi học sinh. Sau đó, chương trình giảng dạy sẽ được thiết kế để tập trung vào những lỗ hổng kiến thức của người học. Đây là sự khác biệt chủ yếu giữa phương pháp giảng dạy với sự giúp đỡ của trí thông minh nhân tạo với việc dạy và học theo đúng tiêu chuẩn với giáo viên. Theo lãnh đạo công ty Yixue, việc giảng dạy nhóm không hiệu quả vì cấp độ kiến thức và trình độ đào tạo của học sinh không giống nhau. Trong số đó, một số học sinh sẽ “dẫm chân ngay tại chỗ” vì không thể tiếp thu tài liệu mới còn giáo viên có thể sẽ không thể chú ý đến những khía cạnh mà học sinh chưa nắm bắt được.
Hiện, theo Yixue, công ty hiện đã có một 100.000 người sử dụng trả tiền. Việc đào tạo, tùy thuộc vào chương trình đã chọn, có giá khác nhau. Ngoài công ty này, nhiều dự án khởi nghiệp mới cũng đã xuất hiện trong mảng giáo dục trực tuyến ở Trung Quốc. Theo ước tính của công ty tư vấn iResearch, thị trường giáo dục trực tuyến ở Trung Quốc sẽ tăng 70% vào năm 2019. Tuy nhiên, ông Huang Weiping - Giáo sư kinh tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc - cho rằng robot chỉ có thể là một bổ sung hữu ích cho quá trình giáo dục, chứ khó có thể thay thế hoàn toàn giáo viên thực.
Theo đánh giá của PwC, triển khai trí tuệ nhân tạo vào năm 2030 sẽ đưa đến cho GDP thế giới 14,7 nghìn tỷ USD. Do đó, nhóm chuyên gia của PwC xem công nghệ trí tuệ nhân tạo là hướng phát triển kinh doanh triển vọng nhất. Trước viễn cảnh đó, hồi tháng 7/2017, Trung Quốc cũng đã công bố “Chương trình Phát triển Trí tuệ nhân tạo của kỷ nguyên mới”, trong đó đề ra mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành trung tâm đổi mới thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.