Trung tâm TGPLNN tỉnh Vĩnh Phúc: 19 năm xây dựng và trưởng thành

(PLO) - Cách đây 19 năm, ngày 29/7/1998, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (TGPLNN) tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập. Tuy ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất nhưng sau 19 năm nỗ lực không ngừng, Trung tâm TGPLNN trở thành cầu nối giúp chính quyền các cấp tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc của chính quyền và tạo diễn đàn “đối thoại” giữa chính quyền với người dân. Đặc biệt, các cuộc TGPL lưu động như một kênh thông tin để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong nhân dân. 
Trung tâm TGPLNN  tỉnh Vĩnh Phúc: 19 năm xây dựng và trưởng thành

Những ngày đầu thành lập, trung tâm chỉ có 2 công chức. Từ năm 2000, thực hiện Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác TGPL, nhằm hướng hoạt động này về cơ sở, hệ thống TGPL được mở rộng đến các tổ TGPL ở cấp huyện, 28 câu lạc bộ TGPL và hàng chục điểm TGPL ở cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận với hoạt động TGPL. Đến nay, tổ chức bộ máy của Trung tâm đã được kiện toàn với 19 biên chế, làm việc ở 4 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 2 Chi nhánh trợ giúp pháp lý. Đội ngũ người thực hiện TGPL ngày càng được đào tạo bài bản, có trình độ và giàu kinh nghiệm. Trung tâm có 5 trợ giúp viên pháp lý và 99 cộng tác viên TGPL ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã , trong đó có 15 cộng tác viên là Luật sư.

Từ khi Luật TGPL năm 2006 được ban hành, Trung tâm tham mưu cho Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành kịp thời các chương trình, đề án, kế hoạch trong lĩnh vực TGPL và tổ chức thực hiện tốt trên địa bàn tỉnh. Nhìn lại 19 năm qua, Trung tâm và mạng lưới TGPL ở cơ sở trên địa bàn tỉnh  đã thực hiện TGPL 28.363 vụ việc với các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho 27.430 lượt người, gồm người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người già, người khuyết tật và các đối tượng khác. Quá trình thực hiện TGPL không làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện của người dân; đa số đối tượng được TGPL tỏ sự hài lòng về chất lượng và kết quả thực hiện vụ việc TGPL.

Với phương châm hướng hoạt động TGPL về cơ sở, để tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL được tiếp cận với hoạt động TGPL, giảm được thời gian và chi phí đi lại cho người dân, thời gian qua trung tâm  phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức gần 900 đợt TGPL lưu động. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, Trung tâm đã thực hiện 551 cuộc TGPL lưu động tại xác xã, phường, thôn, làng, với hàng vạn lượt người tham dự. In và phát hành 171.300 tờ rơi, tờ gấp pháp luật tại các buổi TGPL lưu động, các buổi phối hợp tuyên truyền pháp luật, sinh hoạt chuyên đề pháp luật. Tổ chức lắp đặt 257 bảng thông tin, 114 hộp tin TGPL tại các UBND cấp xã, cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giam, trại tam giữ, trụ sở tiếp công dân... 

Cùng với hoạt động TGPL lưu động, việc tuyên truyền chính sách về TGPL trên các phương tiện thông tin của tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở, các buổi xét xử lưu động có sự tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL của Toà án các cấp, hội nghị tập huấn pháp luật đã giúp cho công tác truyền thông về chính sách TGPL được thực hiện rộng khắp, có chiều sâu. Hoạt động phối hợp để thực hiện TGPL với cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hành chính các cấp ở tỉnh, cơ quan, tổ chức khác ngày càng được củng cố. 

Có được kết quả đó, do có sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Tư pháp và sự nỗ lực thực hiện của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cùng với sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của các ban, ngành, đoàn thể ở cả 3 cấp trong toàn tỉnh. Trung tâm đã góp sức cùng toàn ngành Tư pháp tham gia tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị - pháp lý quan trọng của tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động TGPL còn có những hạn chế. Để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Trung tâm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho người thực hiện TGPL, xây dựng đội ngũ cán bộ và cộng tác viên TGPL đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng; phát triển mạng lưới tổ chức TGPL ở cấp huyện và cấp xã để thực hiện nhiệm vụ TGPL của tư pháp cấp huyện và tư pháp cấp xã.

Tăng cường hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về tổ chức và hoạt động TGPL, tham mưu xây dựng chuyên trang, chuyên mục TGPL trên các cơ quan thông tin đại chúng báo, đài phát thanh truyền hình địa phương, đài truyền thanh cơ sở xã, phường trong cụm dân cư với thời lượng phát sóng cao vào các giờ cao điểm. Xác định trách nhiệm phối hợp thực hiện TGPL của các cơ quan, tổ chức với tổ chức và người thực hiện TGPL. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động TGPL.

Ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp phát triển TGPL và ngành Tư pháp, Trung tâm được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Bằng khen của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh; Cờ thi đua của UBND tỉnh và Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp. Những phần thưởng ấy là niềm tự hào, là động lực để Trung tâm và những người thực hiện TGPL vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa chính sách TGPL đến với người nghèo, người có công với cách mạng và nhóm người yếu thế trong xã hội, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Đọc thêm