Từ chỗ đấu tranh bằng các báo cáo khẩn cấp đến cơ quan chức năng về những bất cập trong quản lý, điều hành của giám đốc trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam, bà Đặng Thị Ngọc Bích bỗng bị đề nghị kiểm điểm vì gây mất đoàn kết nội bộ |
Vai trò của những báo cáo khẩn cấp
Từ năm 2014 khi phát hiện ra những vấn đề bất cập trong trong mua bán vật tư không xuất nhập kho, tổ chức sự kiện, liên kết kinh doanh, tuyển dụng nhân sự của Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ Thuật Việt Nam – (TLVHNTVN), bà Đặng Thị Ngọc Bích (Phó Giám đốc trung tâm TLVHNTVN) cùng một số cán bộ của trung tâm đã đưa ra các cuộc họp nội bộ.
Tuy nhiên, các vấn đề không được giải quyết triệt để, thậm chí còn diễn biến phức tạp hơn, buộc bà Bích phải báo cáo khẩn cấp đến Bộ VHTT&DL. Sau khi tiếp nhận các báo cáo, Bộ VHTT&DL đã thành lập Tổ công các tiến hành thẩm tra, xác minh các nội dung mà bà Bích báo cáo.
Theo Kết luận số 80/KL-TTr ngày 5/9/2014, các nội dung bà Bích báo cáo có một số nội dung chính xác. Vì thế, tổ công tác đưa rút ra một số kết luận như: “Với cương vị là Giám đốc trong quá trình triển khai, ông Dương Văn Quynh còn có những lúng túng trong quản lý, điều hành đơn vị. Không phát huy được vai trò tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách. Tại một số hội nghị, không thể hiện sự mạch lạc, rõ ràng giữa các nội dung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với công tác xây dựng Đảng của Trung tâm…”.
Từ tình hình thực tế, Tổ công tác đã đưa ra kiến nghị đối với ông Dương Văn Quynh cần nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, điều hành đơn vị, cần đổi mới tác phong làm việc. Duy trì thực hiện chế độ giao ban lãnh đạo, chuẩn bị kỹ nội dung trước khi tiến hành. Phải phát huy tính dân chủ trong sinh hoạt Đảng… đặc biệt cần công khai, minh bạch nguồn thu để điều chỉnh thu nhập tăng thêm theo mức lương tối thiểu hiện hành, cần thông báo công khai để cán bộ, công nhân viên biết…
Cũng từ những báo cáo của bà Bích, Đảng ủy Bộ VH-TT&DL đã ra thông báo số 39/TB/UBKT đề nghị ông Quynh nghiêm túc rút kinh nghiệm về phương pháp làm việc, nêu cao vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách để phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể cấp ủy trong triển khai công tác tại cơ quan, đơn vị…
Các báo cáo khẩn cấp của bà Đặng Thị Ngọc Bích không những giúp Bộ VHTT&DL nắm bắt rõ hơn tình hình hoạt động của trung tâm TLVHNT Việt Nam mà còn góp phần chấn chỉnh những thiếu sót, lỗ hổng trong quản lý của trung tâm |
Như vậy, các báo cáo của bà Bích đã góp phần giúp Bộ VHTT&DL nắm bắt rõ hơn tình hình hoạt động của trung tâm TLVHNT Việt Nam và những vấn đề nội tại trong cách điều hành, quản lý của ông Dương Văn Quynh. Từ đó mà Bộ VHTT&DL có các phương án điều chỉnh hoạt động phù hợp với tình hình thực tế, khắc phục những thiếu sót, lỗ hổng trong quản lý của trung tâm.
Đối với trung tâm TLVHNT Việt Nam, các báo cáo của bà Bích là những “bạch cầu” trợ giúp cho việc ngăn chặn, chống lại mầm mống gây ra các “căn bệnh” nguy hiểm. Ví von như vậy, để thấy rằng việc báo cáo nhanh chóng, kịp thời các vấn đề mập mờ của trung tâm chính là việc giám sát, thực hiện sự dân chủ, công khai minh bạch. Đó không chỉ là trách nhiệm của riêng bà Bích mà còn là của tất cả các cán bộ, nhân viên của trung tâm nhưng chỉ có bà Bích là người dũng cảm, dám đứng ra báo cáo những khuất tất…
Ấy vậy mà, những sai phạm không những không được xử lý dứt điểm mà còn có chiều hướng gia tăng khiến cho hoạt động của trung tâm bao năm qua chỉ dậm chân tại chỗ, những sự kiện “nhạt nhẽo” không xứng tầm với quy mô của một trung tâm triển lãm hàng đầu Việt Nam. Trong khi đó, hằng năm trung tâm tiêu tốn hàng chục tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Với vai trò là một phó giám đốc của trung tâm, bà Bích không đành lòng nhìn sự “xuống cấp” không điểm dừng của trung tâm. Đặc biệt, khi nhận thấy ông Quynh với vai trò là Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Trung tâm nhưng không triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc các kiến nghị trong bản kế luận số 80/KL-TTr. Trong khi đó, UBKT Đảng ủy Bộ VH-TT&DL, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu ông Quynh thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, bà Bích tiếp tục có hàng loạt các báo cáo khẩn cấp tới Bộ VHTT&DL.
Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam có sứ mệnh, nhiệm vụ giữ gìn, truyền bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc nhưng hiện nay những hoạt động văn hóa được tổ chức quá ít, thay vào đó là các hoạt động kinh doanh dưới hình thức liên kết |
Bị kiểm điểm vì báo cáo sai phạm của trung tâm
Sau hàng loạt các báo cáo khẩn cấp về những sai phạm trong công tác quản lý tài chính, liên kết cho thuê mặt; mua bán, thuê mướn vật tư không xuất nhập kho; tuyển dụng lao động bừa bãi; không chỉ đạo Đảng bộ kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TW4/Khóa XII.
Ngày 22/5/2017, Bộ VHTT&DL đã ra Quyết định số 2249/BVHTTDL-TTr công bố Báo cáo kết quả xác minh các kiến nghị trong báo cáo của bà Bích. Quyết định nêu rõ: “giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu việc tổ chức kiểm điểm và đề xuất xử lý sau kiểm điểm đối với ông Dương Văn Quynh và bà Đặng Thị Ngọc Bích theo kiến nghị của Tổ công tác”.
Cụ thể, báo cáo kết quả xác minh của Tổ công tác Bộ VHTT&DL kết luận rằng: “Đối với bà Đặng Thị Ngọc Bích, Tổ công tác của Bộ VHTT&DL cho rằng: “Do không thống nhất trong phương pháp và nguyên tắc trong quản lý, điều hành, bà Đặng Thị Ngọc Bích đã báo cáo lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ một số nội dung đúng một phần, một số nội dung không đủ cơ sở để kết luận. Chưa thực hiện đúng quy định của Luật cán bộ, công chức và các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung phản ánh, báo cáo.
Đối với sự mất ổn định tình hình nội bộ của Trung tâm TLVHNT Việt Nam trong thời gian qua có một phần trách nhiệm của bà Đặng Thị Ngọc Bích”
Từ những nhận xét đó, Tổ công tác đưa ra kết luận rằng: “Ông Dương Văn Quynh và bà Đặng Thị Ngọc Bích có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ kéo dài, chưa thật tuân thủ quy định kỷ cương, không thống nhất trong phương pháp làm việc, tạo dư luận không tốt trong công chức, viên chức và người lao động của đơn vị, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao”.
Từ đó, Tổ công tác đề xuất: giải quyết dứt điểm sự mất đoàn kết nội bộ; làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm cả ông Quynh và bà Bích.
Như vậy, bà Bích từ chỗ thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ giám sát của một cán bộ trung tâm phản ánh những bất cấp đang tồn tại trong nội bộ trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam bỗng trở thành “nạn nhân” liên đới vì những báo cáo.
Sau khi báo PLVN phản ánh việc trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam sử dụng gian hàng quảng bá các sản phẩm đặc trưng văn hóa của tỉnh Lào Cai thành của hàng Bác Tôm kinh doanh thực phẩm, trung tâm đã nhanh tay gỡ bỏ biển hiệu Bác Tôm |
Còn ai dám đấu tranh?
Trao đổi với phóng viên, bà Bích cho biết: “Là một cán bộ của trung tâm tôi thấy mình đã hết sức trách nhiệm vì đã báo cáo những bất cập của trung tâm kịp thời với đồng chí Giám đốc và Lãnh đạo Bộ VHTT&DL. Bởi lẽ, việc làm đó xuất phát từ trách nhiệm, từ cái tâm muốn trung tâm TLVHNT Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Muốn hoạt động của trung tâm có hiệu quả thiết thực hơn đối với sứ mệnh giữ gìn, tôn vinh văn hóa Việt Nam.
Tôi không nghĩ rằng những báo cáo khẩn cấp xuất phát từ trách nhiệm, nghĩa vụ của một cán bộ lại bị quy kết “mất đoàn kết nội bộ”. Đây là mất đoàn kết nội bộ, hay là sự trù dập trả thù? Còn ai dám đấu tranh với những tiêu cực, bất cập nữa…”, bà Bích nói.
Bà Bích cũng cho biết thêm rằng: Kết quả xác minh các nội dung báo cáo của Tổ công tác chưa chính xác, không có căn cứ, có nhiều điểm còn né tránh, chưa làm rõ. Làm giảm trách nhiệm của ông Quynh trong việc điều hành và những bất cập trong tổ chức thực hiện kế hoạch của trung tâm, quản lý tài chính, xuất nhập kho, tuyển dụng nhân sự.
Cụ thể, bản Kết luận số 80/KL-TTr đề nghị ông Dương Văn Quynh phải rút kinh nghiệm 6 vấn đề, báo cáo của UBKT Đảng ủy Trung tâm Triển lãm VHNTVN nêu rõ ông Quynh không giải trình việc không triển khai rút kinh nghiệm trong suốt gần 03 năm qua. Nhưng Tổ công tác lại kết luận: nội dung các kiến nghị tại KL số 80/KL-TTr và Thông báo Kết luận số 39-TB/UBKT không có nội dung nào yêu cầu ông Dương Văn Quynh phải có báo cáo giải trình và rút kinh nghiệm với tập thể BCH Đảng bộ Trung tâm.
Là người liên tục có các báo cáo, kiến nghị về bất cập trong việc mua bán vật tư không xuất, nhập kho theo quy định nhưng bà Bích lại bị Tổ công tác cho rằng phải chịu trách nhiệm bởi bà Bích vai trò là Phó giám đốc phụ trách Phòng Quản trị vật tư.
Bức xức trước kết luận này, bà Bích cho biết: “Suốt gần 4 năm, tôi có 16 báo cáo với cấp trên về những vấn đề nêu trên nhưng không được giải quyết dứt điểm. Đến tháng 5/2017, Giám đốc vẫn tiếp tục cho mua vật tư, hàng hóa đi Triển lãm quốc tế nhưng không xuất, nhập kho. Vậy tôi có phải chịu trách nhiệm như Tổ công tác đã kết luận không? Trong khi đó, Tổ công tác không kết luận được có hay không việc không xuất, nhập kho khi mua vật tư đi triển lãm trong và ngoài nước như tôi đã báo cáo”, bà Bích nói.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.