(PLO) - Chiều 23/5, nhóm PV đã có buổi làm việc với Trung tâm y tế quận Cầu Giấy và Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, là hai đơn vị trực tiếp kiểm tra chất lượng nước ở bể bơi Cầu Giấy, sau khi có thông tin bể bơi này đã
dùng hóa chất Clohydric để xử lý nước lưu cữu nhiều năm.
Như PLVN đã phản ánh việc bể bơi Cầu Giấy đã dùng Clohydric để xử lý nước được lưu cữu nhiều năm qua, điều này khiến chuyên gia cũng như nhiều bạn đọc lo ngại. Nhưng phía Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm y tế quận Cầu Giấy lại đánh giá chất nước của bể bơi Cầu Giấy năm 2013 đảm bảo. Còn năm 2014, các Trung tâm y tế này cũng cho biết, trước khi bể bơi Cầu Giấy đi vào hoạt động, sẽ có các đoàn đến bể bơi Cầu Giấy để kiểm tra kỹ lưỡng.
|
Ông Nguyễn Hòa Bình – Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội |
Theo Ông Nguyễn Hòa Bình – Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, năm 2013, qua kiểm tra, test nhanh nước của bể bơi Cầu Giấy thì các hàm lượng hóa học ở trong nước đều ở mức cho phép. Ông Bình phân tích: "Nước của bể bơi Cầu Giấy năm ngoái được kiểm tra là thì có độ PH từ 6,75mg/l; Amoni/amonium 2,1mg/l; Sắt 0,07mg/l; Clorua 248,5mg/l; Florua 0,0058mg/l; Asen 0,0021mg/l; Clo dư 0,1mg/l. Những chỉ số này đều thấp và không vượt quá mức quy định của Sở y tế, nên nước ở bể bơi này đảm bảo".
|
Bản đánh giá chất lượng nước của bể bơi Cầu Giấy năm 2013. |
Ông Bình cũng thông tin thêm, hiện nay các bể bơi đều phải thay nước, nhưng thay vì tháo nước cũ để đổ nước mới vào thì các các bể bơi hiện nay đều dùng bộ lọc để lọc nước thường xuyên, quá trình này được coi như việc thay nước cho bể bơi. Đánh giá về bộ lọc của bể bơi Cầu Giấy hoạt động khá tốt, ông Bình nói: "Trong bảng xét nghiệm nước năm 2013 của bể bơi Cầu Giấy có chỉ số Pecmenganat (chỉ số này biểu thị rõ hoạt động của bộ lọc bể - PV) là 4,2mg/l, vượt 0,2mg/l, nhưng không đáng kể".
Cùng quan điểm ông Bình, bà Đỗ Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm y tế Cầu Giấy cho rằng không ai cấm việc sử dụng clohydric để xử lý nước. Vì ngay cả nước sinh hoạt hàng ngày người ta cũng dùng Clohydric để xử lý. Do đó mà việc bể bơi Cầu Giấy dùng phương pháp rắc Clohydric xuống bể nước là điều hoàn toàn hợp lý.
Phía đại diện của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm y tế quận Cầu Giấy đều cho biết, hằng năm họ đều phải đến tất cả các bể bơi trên địa bàn để xét nghiệm nước. Bên cạnh đó, những Trung tâm y tế này còn kiểm tra về cả vệ sinh môi trường xung quanh bể bơi, bộ phận cứu hộ, bộ phận y tế, phao cứu sinh, thực phẩm bày bán trong bể bơi,... nếu đạt tiêu chuẩn thì các bể bơi mới có thể hoạt động.
|
Hệ thống máy lọc theo công nghệ Tây Ban Nha của bể bơi Cầu Giấy. |
Chiều cùng ngày, nhóm PV đã quay lại Trung tâm thể dục thể thao quận Cầu Giấy để tìm hiểu về quá trinh lọc nước của bể bơi này. Theo như ông Trần Huy Cương – Giám đốc của Trung tâm cho biết, bể bơi Cầu Giấy đang sử dụng hai hệ thống lọc nước lớn dành cho bể người lớn và bể trẻ em theo công nghệ Tây Ban Nha. Hệ thống lọc nước này có thể đo được độ PH có trong bể bơi, nếu độ PH tăng thì nước bẩn và phải kịp thời bật máy lọc. Máy lọc này sẽ hút nước từ bể và lọc sạch rồi sau đó bơm ra bể. Chu trình này được thực hiện liên tục.
“Hằng ngày chúng tôi vẫn sử dụng hệ thống lọc nước để xử lý nước tại bể bơi. Một ngày chúng tôi xử lý, lọc nước ở bể bơi 2 lần, một lần lúc 9h sáng và một lần lúc10h tối. Sau khi chúng tôi cho Clohydric xuống bể để 1 tiếng sau khi chất bẩn kết tủa chìm xuống đáy, chúng tôi sẽ dùng máy hút để hút bỏ chất bẩn đó. Tiếp theo, chúng tôi dùng hệ thống lọc nước tuần hoàn của bể để lọc lại nước cho sạch” - ông Cương chia sẻ thêm./.