Sự việc phức tạp
Như PLVN đã thông tin, vợ chồng Hiển - Liên bị cáo buộc chiếm đoạt các thửa đất số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng (được định giá hơn 127 tỷ đồng) của ông Nguyễn Thanh Thủy.
Hồ sơ thể hiện, ông Thủy và Liên ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh đề ngày 20/3/2017 để cùng nhau góp vốn, đầu tư mua nhà đất số 296, 298, 300, tạm tính giá trị hợp tác đầu tư là 200 tỷ đồng, mỗi bên góp 100 tỷ. Lợi nhuận chia 50/50.
Ông Thủy đã viết giấy nhận 50 tỷ từ vợ chồng Liên - Hiển đề ngày 2/4/2017 để “cùng nhau mua trả tiền cho các hộ dân tại số 296, 298, 300” và Giấy biên nhận 50 tỷ đồng đề ngày 5/5/2017 để “thanh toán tiền mua BĐS tại số 296, 298, 300”.
Từ tháng 5 - 9/2017, ông Thủy đã mua gom được 11 nhà đất tại số 296, 298, 300 (hơn 300m2) và được Sở TN&MT cấp 11 sổ đỏ đứng tên ông Thủy. Ngoài ra, ông Thủy còn mua đất lối đi và đứng tên thuê, hoặc nhờ con gái đứng tên thuê hơn 100m2 nhà thuộc sở hữu Nhà nước (SHNN) tại địa chỉ trên.
Đến ngày 1/10/2017 ông Thủy ký Biên bản thanh lý hợp đồng để chuyển nhượng lại 50% cổ phần, tương đương 100 tỷ đồng cho Hiển - Liên. Ông Hiển, bà Liên có nghĩa vụ thanh toán cho ông Thủy 50% giá trị hợp tác kinh doanh, tương đương 100 tỷ. Ông Thủy có trách nhiệm hoàn thiện toàn bộ thủ tục để khối tài sản đầu tư là nhà đất tại 296, 298, 300 chuyển sang ông Hiển, bà Liên theo đúng quy định.
Cùng ngày, ông Thủy viết giấy nhận tiền 100 tỷ đồng của vợ chồng Liên - Hiển và nêu “do thiếu nguồn vốn kinh doanh, tôi quyết định chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đã mua nhà 296, 298, 300... Đồng thời, tôi sẽ làm hợp đồng công chứng toàn bộ sổ đỏ đã cấp cho tôi, chuyển sang cho chị Liên và chồng là anh Hiển. Tôi đã nhận nốt số tiền 100 tỷ đồng và bàn giao nhà cho chị Liên, anh Hiển”.
Một ngày sau (2/10/2017), ông Thủy ký 11 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất 296, 298, 300 cho vợ chồng Liên - Hiển theo 11 sổ đỏ đã đứng tên, có công chứng.
Ông Thủy còn ký đơn đề nghị chuyển quyền thuê nhà ở cũ thuộc SHNN liên quan các khu đất trên cho Liên - Hiển. Năm 2018, Hiển hoàn thành thủ tục mua nhà ở cũ thuộc SHNN, được Sở TN&MT hợp thành 4 sổ đỏ (tổng diện tích hơn 676m2). Đến tháng 4 và 5/2018, vợ chồng Hiển - Liên ký hợp đồng bán toàn bộ nhà đất trên cho ông Lê Hải An.
Hơn năm sau, ông Thủy có đơn tố cáo cho rằng đã bị vợ chồng Hiển - Liên lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt nhà đất 296, 298, 300; ông Thủy chỉ nhờ Liên - Hiển đứng tên làm thủ tục mua nhà ở, nhưng bị hai người này chiếm đoạt, bán cho người khác.
LS kiến nghị làm rõ nhiều vấn đề
Chấp nhận tố cáo này, CQĐT và VKSND TP Hà Nội xác định, ông Thủy muốn mua nhà, đất thuộc SHNN, chuyển đổi diện tích đất, gộp các sổ đỏ nhưng do làm giấy tờ khó khăn nên đã nhờ Hiển đứng tên làm giúp. Để hợp thức việc nhờ này, ông Thủy đã ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh, các giấy nhận tiền góp vốn và chuyển nhượng lại phần vốn đã góp, ký các hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất với Liên - Hiển. Nhưng sau khi làm xong các thủ tục mua nhà, gộp sổ đỏ, Hiển đã bán toàn bộ.
Về phía Hiển, phủ nhận cáo buộc và cho rằng việc hợp tác đầu tư mua gom nhà đất với ông Thủy, việc vợ chồng bị cáo chuyển tiền 3 lần (tổng cộng 200 tỷ đồng như nội dung 3 giấy nhận tiền), việc thanh lý hợp đồng, việc ông Thủy ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng mình… đều có thật; không có chuyện “đứng tên hộ” như lời khai của ông Thủy.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, các LS bào chữa cho bị cáo Hiển đều đã có văn bản kiến nghị gửi TAND Hà Nội, cho rằng việc truy tố với bị cáo là chưa đủ căn cứ, nhiều vấn đề chưa được làm rõ… Như lời khai bị hại cho rằng mình không thuộc đối tượng mua nhà cũ thuộc SHNN nên phải nhờ bị cáo đứng tên giúp là chưa hợp lý lý, bởi nếu nhờ đứng tên hộ thì hai bên chỉ cần ký hợp đồng chuyển nhượng, không cần ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh, không cần thanh lý Hợp đồng hợp tác kinh doanh, hoặc viết 3 giấy nhận tiền trước ngày ký Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất.
Hơn nữa, tuy cho rằng ông Thủy không thuộc đối tượng mua nhà nhưng CQĐT cũng không dẫn được văn bản chứng minh nội dung này, cũng không đưa ra được bị cáo có điều kiện nào theo quy định để đủ điều kiện mua nhà hơn so với ông Thủy?
LS còn cho rằng, cả Hợp đồng góp vốn và Biên bản thanh lý đều có người làm chứng. Kết luận giám định cũng thể hiện chữ ký của ông Thủy trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Biên bản thanh lý hợp đồng và 3 giấy nhận tiền là cùng chữ ký ông Thủy. Như vậy, có việc hợp tác, mua bán nhà đất thật, nên mới có việc vợ chồng Hiển - Liên giao tiền cho ông Thủy. Còn nếu vợ chồng Hiển - Liên chỉ đứng tên hộ thì họ phải là bên nhận tiền, chứ không thể là người giao tiền cho ông Thủy. Vợ chồng Hiển - Liên vừa là người đứng tên nhà đất cho ông Thủy, vừa là chủ nợ của ông Thủy là điều chưa hợp lý.
Các LS cũng cho rằng, sau 16 tháng kể từ khi biết tài sản bị chiếm đoạt (nhà đất bị vợ chồng Hiển - Liên bán cho người khác), ông Thủy mới có đơn tố cáo là chưa phù hợp với diễn biến tâm lý của người bị mất tài sản.
Bị hại làm giả “bản cam kết”
Cáo trạng thể hiện, do ông Thủy nhiều lần gọi cho Hiển để giải quyết nhưng bị từ chối. Do đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, giấy nhận tiền, hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất... với Hiển nên ông Thủy thấy khó khăn, bất lợi khi đòi tải sản. Vì vậy, ông Thủy đã nhờ người tạo dựng ra bản cam kết đánh máy (ghi 12/2017, ký tên Lương Thế Hiển) để nộp CQĐT với nội dung: Vợ chồng Hiển chỉ là người đứng tên hộ và thực hiện mua nhà cho ông Thủy... Vợ chồng Hiển cam kết chuyển trả lại nhà 296, 298, 300 cho ông Thủy ngay sau khi hoàn thành thủ tục mua nhà và cấp sổ đỏ.
Giám định của Phòng kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng sau đó khẳng định, chữ viết, chữ ký đứng tên Lương Thế Hiển trên tài liệu trên được hình thành trước khi có bản in (là giả mạo).
Tuy nhiên, CQĐT cho rằng việc ông Thủy tự tạo bản cam kết không làm sai lệch bản chất vụ án và không ảnh hưởng đến quá trình vụ án nên đã tách hành vi làm giả bản cam kết trên, chuyển Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội giải quyết theo quy định.