Trương Mỹ Lan và 12 bị cáo bị truy tố khung hình phạt tử hình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo lịch xét xử, ngày 5/3, TAND TP.HCM đưa “đại án” liên quan tới Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo là lãnh đạo một số cơ quan chức năng, lãnh đạo Ngân hàng SCB cùng một số đại gia ra xét xử với hàng loạt tội danh và số tiền lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Vụ án Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận
Vụ án Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận

13 bị cáo bị truy tố khung tử hình

Theo đó, các bị cáo sẽ bị đưa ra xét xử về các tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và một số đơn vị liên quan.

Trong số 86 bị cáo trong vụ án này, có 13 bị cáo bị truy tố ở mức hình phạt cao nhất là tử hình. Trong đó, Trương Mỹ Lan bị truy tố 3 tội danh là “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tố chức tín dụng”, “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”. Một số bị cáo bị truy tố hai tội danh.

Ở hành vi “Tham ô tài sản” thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát và SCB có 11 bị cáo bị truy tố khung tử hình, gồm Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956 – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Đinh Văn Thành (sinh năm 1971, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (sinh năm 1973, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Tạ Chiêu Trung (TGĐ Công ty CP Tài chính Việt Vĩnh Phú - nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB), Trương Khánh Hoàng (sinh năm 1986, nguyên quyền TGĐ Ngân hàng SCB), Trần Thị Mỹ Dung (sinh năm 1985, nguyên Phó TGĐ Ngân hàng SCB), Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh, Đặng Phương Hoài Tâm, Trương Huệ Vân (sinh năm 1988, TGĐ Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor).

Cùng bị truy tố về tội tham ô với khung hình phạt tử hình còn có Dương Tấn Trước (sinh năm 1983, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt vì có hành vi giúp sức, đồng phạm với Trương Mỹ Lan tham ô hơn 4,7 nghìn tỷ đồng.

Ngoài nhóm Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và doanh nhân Dương Tấn Trước thì chung khung hình phạt tử hình còn có bị cáo Đỗ Thị Nhàn (sinh năm 1966, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về hành vi “Nhận hối lộ” với 5,2 triệu USD.

Các bị cáo còn lại của nhóm Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB bị truy tố về một trong hai tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Nhóm bị cáo thuộc quan chức Nhà nước như: Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thị Phụng, Bùi Tuấn Khoa, Vương Đỗ Anh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Lê Thanh Hà, Nguyễn Văn Thùy, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh, Trương Việt Hưng, Nguyễn Duy Phương, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Phi Loan, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, Nguyễn Tín, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Du (nguyên Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).

Đáng chú ý, trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970, quê Lâm Đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan.

Dự kiến phiên toà kéo dài gần 2 tháng

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong gần 2 tháng (từ 05/3- 29/4/2024) với trên 200 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư, gồm: Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp, Giang Hồng Thanh, Trương Thanh Đức.

HĐXX cũng triệu tập 2,4 nghìn người liên quan gồm: nhóm người là các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB (316 người); nhóm người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp rút tiền có 1153 người; nhóm người liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB có gần 700 người; nhóm người liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước có 42 người và nhóm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác.

Hiện công tác chuẩn bị cho việc xét xử, từ khâu bố trí phòng ốc, ghế ngồi những người tham gia phiên tòa đều cơ bản hoàn tất. Do số lượng người tham gia phiên tòa rất lớn nên HĐXX đã bố trí thêm nhiều hàng ghế ở hành lang… Đặc biệt công tác an ninh cũng được bố trí kỹ càng nhằm thắt chặt an ninh tại phiên tòa.

Do đây là vụ án có tính chất đặc biệt lớn nên thu hút được sự chú ý của nhiều cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế. Mỗi cơ quan báo chí chỉ được cử hạn chế phóng viên tham dự trực tiếp tại phiên tòa cũng như tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí. Do hạn chế mang thiết bị phục vụ tác nghiệp nên Tòa án sẽ chuẩn bị một số máy tính để phóng viên tác nghiệp.

Đọc thêm