“Thấy cuộc sống ý nghĩa hơn”
Tôi biết Lâm Văn Lệnh từ khi anh còn là bác sĩ ngoại khoa của Quân y Viện 103, Hà Nội. Bẵng đi một thời gian không gặp, hôm vừa rồi tới đảo Nam Yết, đã thấy anh là Bệnh xá trưởng của đảo. Đối với một bác sỹ ngoại khoa, việc “gác” dao, kéo để ra đảo chăm sóc sức khỏe cho bộ đội là một quyết định vô cùng khó khăn. Nhưng anh đã tình nguyện lên đường.
Cùng tổ với anh là các bác sỹ Bùi Tiến Dũng, Cù Anh Toản, dược sỹ Nguyễn Văn Hợi cũng vừa mới từ Hà Nội ra. Các bác sỹ quân y đẹp trai, tài hoa ấy, người đã có gia đình, người mới có người yêu nhưng tất cả đã để Hà Nội và hạnh phúc riêng lại phía sau để lên đường ra đảo.
Bác sỹ Lâm Văn Lệnh cho biết: “Chúng tôi trực 24/24h và rộng cửa đón mọi ngư dân đến khám, chữa bệnh. Ở đây từng có những ca bệnh nặng như những ca đau ruột thừa hoặc bị chém gần đứt lìa bàn tay phải. Tất cả đều diễn ra trên biển, chỉ có thể trông chờ vào các y, bác sỹ trên đảo”.
Vào mùa biển lặng, ngư dân tấp nập dong thuyền ra những ngư trường ở xa, đảo Nam Yết cũng đón nhận nhiều bệnh nhân hơn. Ngày cao điểm, có khi có ba đến bốn tốp bệnh nhân. Tất cả việc thăm khám bệnh và cấp phát thuốc cho ngư dân hoàn toàn miễn phí.
Dược sỹ Nguyễn Văn Hợi chia sẻ: “Trước lúc đi tôi cũng có lo lắng không biết sóng gió trên biển thế nào, nhưng khi chữa bệnh cho ngư dân, đến lúc gặp lại họ cười rạng rỡ, bắt tay cảm ơn, có lần tặng cho tôi con cá to mới bắt được làm tôi cảm động lắm. Được ở đây, được góp một phần sức lực giúp đỡ ngư dân, tôi thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn”.
|
Bác sỹ quân y Lâm Văn Lệnh |
Ở đảo Đá Lớn B, câu chuyện của Thiếu úy Bùi Trọng Luật khiến nhiều người cảm động. Thiếu úy Bùi Trọng Luật sinh năm 1983, là người con duy nhất của Trung tá Bùi Xuân Lệ, Chính trị viên đảo Sơn Ca. Gia đình có hai cha con thì cả hai cùng ra đảo. Sau 10 năm khoác áo lính, anh có thâm niên đi đảo đến 7 năm và đón Tết ở Trường Sa sáu lần.
Thiếu úy Bùi Trọng Luật tâm sự: “Bố tôi nhận nhiệm vụ công tác ra đảo từ khi tôi chưa ra đời. Đến năm 2 tuổi tôi mới lần đầu tiên gặp bố. Hết cấp 3 tôi quyết định tham gia vào lực lượng Hải quân. Bố tôi chỉ hỏi: “Làm lính tâm phải vững, lòng phải trong, phải kiên trì vượt qua gian khổ, con có đủ tự tin không?”. Tôi thức trắng một đêm để suy nghĩ, sáng hôm sau tôi nói với bố về quyết định sẽ tiếp nối theo nghiệp của ông để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.
Tự hào về con trai, Trung tá Bùi Xuân Lệ cho biết: “Khi chưa có điện thoại, hai cha con vẫn thường viết thư trao đổi động viên nhau cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bây giờ thì liên lạc bằng điện thoại, bố động viên con và con động viên bố giữ gìn sức khỏe để công tác tốt”.
|
Thiếu úy Bùi Trọng Luật |
Ở đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Dự - người mới từ Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân ra đảo được 3 tháng. Tưởng anh là chỉ huy của Lữ đoàn ra trực ngoài đảo, chỉ như “khách tới thăm nhà”, ai ngờ anh bảo: “Tôi gắn bó với các đảo ở Trường Sa 16 năm rồi, lúc đầu ở đảo Sơn Ca, sau lần lượt đi khắp các đảo. Mỗi năm chúng tôi ra đảo 2 - 3 lần, mỗi lần đi cũng một, vài tháng”.
Thiếu tá Trương Xuân Thái cũng mới từ Lữ đoàn 146 ra Sinh Tồn Đông cho biết, anh tới đảo từ năm 1989, đã hơn 25 năm gắn bó với các đảo ở Trường Sa, các anh thuộc những con sóng biển Đông hơn cả thuộc đường ngang, ngõ tắt về nhà.
Còn anh Phạm Xuân Hải - Thuyền trưởng tàu HQ 571 cũng đã có 22 năm gắn bó với biển. Tôi đùa hỏi: “Gắn bó với biển lâu như vậy, giờ về nhà chưa chắc các anh đã quen với đất liền?”. Giọng Thuyền trưởng Phạm Xuân Hải chùng xuống: “Làm gì có ai không muốn ở nhà bên gia đình. Chúng tôi muốn ở đất liền lắm chứ. Nhưng vì nhiệm vụ, chúng tôi luôn sẵn sàng”.
|
Thuyền trưởng Phạm Xuân Hải (trái) cùng thủy thủ đoàn tàu HQ 571 trước giờ lên đường nhận nhiệm vụ. |
Khác với nhiều đơn vị bộ đội trên đất liền, những người lính đảo Trường Sa rất trân trọng cuốn Sổ tâm tình đồng đội. Đây là nơi để các anh gửi gắm tình cảm, khát vọng của mình. Những người lính trước khi rời đảo đều trân trọng ghi vào sổ những suy nghĩ, cảm nhận của mình khi đến và dấn thân nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Đại úy Phạm Văn Khỏe - Chính trị viên đảo Cô Lin năm 2012 viết: “Được công tác và chiến đấu trên vùng biển thiêng liêng, nơi các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống, hy sinh cho chủ quyền biển đảo, đó vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm lớn với tôi. Máu thịt của cha anh đã tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc trên đảo như là biểu tượng kiên trung, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sỹ chúng tôi. Điều mà tôi sẽ mãi khắc ghi trong thời gian công tác trên đảo Cô Lin là tinh thần kiên trung, bất khuất của những đồng đội, đồng chí - những pháo đài sống vững vàng của Tổ quốc”.
|
Còn Thiếu úy Dương Ngọc Đức - nhân viên Báo vụ đảo Cô Lin năm 2013 viết: “Từ nhỏ tôi đã ước mơ được mang trên mình bộ quân phục màu trắng xanh của người chiến sĩ Hải quân. Giờ đây, trong vai trò đảm bảo thông tin liên lạc trên toàn đảo Cô Lin, tôi càng hiểu mình cần phải cố gắng không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ, để xứng đáng với sự hy sinh của các liệt sỹ đã ngã xuống trong sự nghiệp giữ gìn chủ quyền đảo. Linh hồn những con người vĩ đại ấy hòa quyện vào biển cả của Tổ quốc, sát cánh cùng chúng tôi giữ vững từng sải biển thiêng liêng của nước nhà”.
Đến với các đảo trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi đọc được dòng chữ “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc đã, đang và sẽ cống hiến tuổi thanh xuân của mình vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khát vọng của các anh cũng là khát vọng của thế hệ trẻ chúng tôi: sẵn sàng dấn thân vì Tổ quốc!