Nỗ lực “biến” ước mơ thành hiện thực
-Thưa luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, cơ duyên nào đưa chị đến với nghề luật, trở thành luật sư? Nghề luật sư cao quý nhưng nhiều khó khăn và thách thách, bản thân chị đã nỗ lực vượt qua những khó khăn đó như thế nào?
Tôi thích trở thành luật sư từ khi còn là học sinh THCS (khoảng năm học lớp 8). Ước mơ của tôi bắt nguồn từ một bộ phim. Ngày ấy, trong dịp nghỉ hè, tôi được bố cho đi xem phim (tôi không nhớ tên phim nhưng là phim Mỹ), nhân vật chính là một nữ luật sư xinh đẹp, tài giỏi và sắc sảo. Từ đó, tôi nuôi ước mơ sau này sẽ làm luật sư.
Để trở thành luật sư, nếu thuận lợi vượt qua các kỳ thi, bạn sẽ mất từ 6 năm rưỡi đến 7 năm kể từ khi bước chân vào trường luật. Khi cầm được tấm thẻ luật sư trong tay, bạn tiếp tục phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều mới có thể sống bằng nghề. Bởi với nghề luật sư, bạn phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng hành nghề… Đã có không ít người có thẻ luật sư nhưng không hành nghề luật sư vì nhiều lí do, trong đó có việc không sống được bằng nghề. Chưa kể đến là khi bị thất bại (hoặc bị đe dọa) ngay từ những vụ/việc đầu tay khiến luật sư trẻ cảm thấy nản hoặc mất hứng thú (thậm chí là sợ) làm nghề.
Cá nhân tôi may mắn được tập sự và làm việc cùng người thầy là luật sư giỏi (cố luật sư Hà Đăng) nên tôi vượt qua được những khó khăn trên một cách không mấy khó khăn. Bởi ngoài sự chỉ dạy của thầy, bản thân tôi cũng phải cố gắng, nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức, làm việc một cách nghiêm túc, đầy tâm huyết từ những ngày đầu tiên khi mới vào nghề.
-Được biết chị là một nữ luật sư luôn tích cực tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL), bảo vệ trẻ em, phụ nữ bị xâm hại, bạo hành…. ?
Từ khi hành nghề luật, tôi đã tham gia TGPL cho những người yếu thế, trong đó có phụ nữ và trẻ em tại các Trung tâm TGPL thuộc Sở tư pháp Hà Nội. Sau này khi Luật TGPL có hiệu lực thì tôi không tham gia với các Trung tâm TGPL nữa mà tham gia với các tổ chức khác như: Trung tâm Phụ nữ và phát triển (thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam); Mạng lưới đối tác về bình đẳng giới (do Bộ lao động Thương binh &Xã hội tổ chức); Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn của Thành hội…
Từ khi tham gia cho đến nay, tôi không nhớ mình đã giúp được bao nhiêu người nhưng chắc chắn con số đó không nhỏ.
|
Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh. |
“Người mẹ” giúp đứa trẻ bị tổn thương “chữa lành”
-Quá trình hành nghề luật sư, bảo vệ trẻ em, phụ nữ bị xâm hại, bạo hành, vụ án nào khiến chị bị ám ảnh, đau lòng nhất? Chị đã làm những gì để giúp nạn nhân vượt qua được nỗi đau, nỗi ám ảnh, mạnh mẽ bước về phía trước?
Hầu như vụ án nào liên quan đến bị hại là trẻ em, phụ nữ bị bạo hành cũng là những vụ án đau lòng. Trong đó, vụ án khiến tôi ám ảnh nhiều nhất là vụ án cháu N (đã được đổi tên) bị chính bố ruột xâm hại.
Theo nội dung vụ án, bố của cháu N là người hay ghen, luôn cho rằng vợ không chung thủy. Mâu thuẫn liên tục xảy ra, bố mẹ cháu N ly hôn. Mẹ ra nước ngoài lao động, cháu N sống cùng bố. Khi N học lớp 8, người bố liên tục xâm hại con gái ruột của mình. Vụ việc chỉ được phát hiện khi cháu N bị bố đánh đập do “không phục vụ thú tính của ông ta tới nơi tới chốn”.
Khi vụ việc được phát hiện, cháu N phải chịu rất nhiều tổn thương, áp lực từ nhiều phía. Để bảo đảm an toàn, sức khỏe và tinh thần cho N, các tổ chức đoàn thể đã liên hệ với Trung tâm phụ nữ và phát triển tại Hà Nội, đưa cháu N và mẹ (từ nước ngoài về) đến lánh nạn tại Ngôi nhà bình yên.
Sau đó, Trung tâm đã gọi cho tôi. Tiếp nhận thông tin, tôi lập tức sắp xếp các công việc khác để tập trung cho vụ án này vì thời điểm đó, vụ án có nguy cơ bị “chìm xuồng”. Nhìn cô bé bằng tuổi con mình nhưng phải chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần quá lớn, tôi quyết tâm theo đuổi vụ án đến cùng. Nhờ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn cùng sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tố tụng, cuối cùng người bố đồi bại đã bị đưa ra xét xử.
Tôi cùng với Trung tâm đã tư vấn cho hai mẹ con bé ở lại Hà Nội. Trung tâm cũng liên hệ, tìm việc làm cho mẹ bé, còn bé được đi học tại một trường THCS ở Hà Nội. Sau thời gian đủ để an toàn, 2 mẹ con bé trở về quê nhà sống. Những tưởng cô bé ấy có thể khép lại nỗi đau, tiếp tục đến trường, sống cuộc sống bình thường như bao bạn bèn cùng trang lứa. Nhưng không, bi kịch lại xảy ra với cô bé. Hai mẹ con bị gia đình nhà nội dùng những lời lẽ cay nghiệt làm tổn thương lần thứ hai.
Liên tiếp bị tổn thương, cô bé ấy có tâm lý buông xuôi, sống buông thả, bỏ học vì cuộc đời em không còn ý nghĩa gì. Biết tin, tôi liên tục phải động viên, khuyên nhủ cô bé. Đồng thời, tôi liên hệ với nhiều trung tâm, tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề tại Hà Nội để bé ra đây học nghề. Rời xa nơi gây ra bao tổn thương cho mình, cô bé đã vượt qua được nỗi đau, sự ám ảnh, bắt đầu một cuộc đời mới.
|
Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại một trường học. |
-Có khi nào chị bị người nhà bị cáo trong các vụ án trên đe dọa, hành hung không? Bản thân chị đã làm gì để vượt qua được nỗi sợ, tiếp tục theo đuổi nghề luật sư, làm những việc có ích cho cuộc đời?
Bị hành hung thì tôi chưa gặp nhưng bị đe dọa thì có. Trong một vụ án hình sự, tôi bảo vệ cho bị hại (tại một huyện ngoại thành của Hà Nội hơn 10 năm trước). Hôm đó, người nhà bị cáo đứng vây xung quanh phòng xử án, cố tình nói to để đe dọa tôi: “Lát ra cổng thì không có đường về”, “Oắt con thế này cái đấm thì thiếu, cái đá thì thừa”… Khi nghe những điều đó tôi cũng sợ (vì tôi đi 1 mình). Nhưng rất nhanh, tôi lấy lại bình tĩnh, tập trung vào việc bảo vệ thân chủ của mình.
Sau phiên tòa, tôi đề nghị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp bảo vệ tôi cho đến khi tôi đã an toàn trong xe và ra khỏi tòa. Theo tôi, mình không nên gây hiềm khích hoặc sử dụng lời lẽ, hành động gây bức xúc cho đối phương thì sẽ không có ai đe dọa mình cả.
-Theo chị, làm sao để có thể hạn chế, giảm thiểu các vụ án xâm hại, bạo hành trẻ em và phụ nữ? Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật có tác dụng tích cực như nào đối với việc ngăn ngừa các vụ án nêu trên?
Theo tôi, trước hết cần nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em về hậu quả của việc xâm hại, bạo hành. Một trong số các biện pháp để nâng cao nhận thức là việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức, làm sao cho việc tiếp thu kiến thức pháp luật một cách tự nhiên nhất. Ví dụ: Tổ chức các phiên tòa giả định, thông qua các vở kịch, phim truyện hoặc các clip đăng tải trên các trang mạng xã hội…
Trong các buổi tuyên truyền pháp luật với số lượng người nghe lớn, báo cáo viên phải là người có kiến thức chuyên môn sâu kèm theo việc minh họa thực tế sẽ thu hút được sự chú ý của người nghe, từ đó mới đem lại hiệu quả cao.
Theo tôi, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ giữ vai trò quan trọng nhất trong số cá biện pháp nhằm hạn chế các vụ án xâm hại, bạo hành trẻ em và phụ nữ. Bên cạnh đó, cần nâng cao kỹ năng làm cha, mẹ trong cách nuôi, dạy con cái (việc này cũng cần phải được học để trở thành kỹ năng chứ không nên làm theo bản năng); Nhà trường cũng là nơi vô cùng quan trọng trong việc trang bị cho trẻ kiến thức và kỹ năng phòng, tránh xâm hại…
Cảm ơn luật sư đã chia sẻ!