Phải làm gì khi bị đòi nợ dù không ký vay?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chị Nguyễn Dung (Vĩnh Phúc) hỏi: Có nhóm người kéo tới nhà tôi đòi nợ. Họ thường xuyên chửi bới, tạt sơn lên tường, cửa ngõ và sân nhà tôi. Thực tế tôi không vay, em chồng tôi vay. Tuy nhiên, em chồng tôi đã bỏ nhà đi từ lâu. Họ nói người nhà tôi mượn không có khả năng trả, giờ tôi phải trả thay. Xin hỏi, trường hợp này tôi phải làm sao?
Luật sư Hoàng Tuấn Vũ.
Luật sư Hoàng Tuấn Vũ.

Luật sư Hoàng Tuấn Vũ (Công ty Luật TNHH Tuệ Anh) - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Trường hợp chị nêu trên đây là giao dịch vay tài sản. Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Nghĩa vụ trả nợ của bên vay tài sản cũng được thể hiện rất rõ tại Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo thông tin chị cho biết thì trên giấy nợ không có chữ ký của chị, như vậy chị không phải là người vay tài sản hay nói cách khác chị không phải là bên vay tài sản nên không có nghĩa vụ phải trả nợ.

Theo chị cho biết thì có một số người thường xuyên đến nhà liên tục khủng bố bằng cách tạt sơn, chửi bới. Hành vi này là vi phạm pháp luật, tùy mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, đối với xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.

Ngoài ra còn áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm theo quy định tại điểm a và d khoản 13 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Buộc khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định tại khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP

Về xử lý hình sự, theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi tạt sơn và chửi bới có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng.

Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Trong trường hợp phạm tội có tổ chức, gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng… thì mức phạt tù có thể lên đến 7 năm.

Như đã nói ở trên, chị không phải là người vay tài sản hay nói cách khác chị không phải là bên vay tài sản nên không có nghĩa vụ phải trả nợ. Hành vi liên tục đến nhà khủng bố bằng cách tạt sơn, chửi bới là vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp này nếu thấy nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của gia đình thì chị lập tức trình báo sự việc gửi đến công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự việc.

Đọc thêm