“Trượt ngã” trên đất

(PLVN) - Tòa án tỉnh Đắk Nông vừa tuyên phạt một bị cáo nguyên là Phó Chủ tịch huyện Tuy Đức 1 năm tù, ông này đã biến 7 ha đất lâm nghiệp thành của mình, dùng quyền lực của mình để thực hiện hành vi đó.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, nguyên Chủ tịch huyện Tuy Hòa (Phú Yên) phải nhận mức án 12 năm tù bởi có nhiều sai phạm trong thực hiện việc giải tỏa, đền bù đất đai trong một dự án giải phóng mặt bằng, gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước. Đã có hàng loạt cán bộ dưới quyền ông cũng vướng lao lý.

Còn rất nhiều dẫn chứng thực tế về tình trạng vi phạm quản lý đất đai phải trả giá bằng sinh mạng chính trị và pháp lý của mình nhưng hình như điều đó chưa đủ sức răn đe. Trên truyền thông đại chúng thi thoảng lại rộ lên chuyện chiếm rừng xây biệt thự, biến đất nông nghiệp thành đất ở đô thị, thâu tóm đất công thành của riêng, giao đất không qua đấu giá,... được thực hiện bởi các quan chức địa phương hoặc núp bóng người nhà để làm chuyện đó.

Có vụ việc xử lý được, có vụ việc bỏ ngỏ, có vụ việc xử lý nửa vời, có vụ việc chìm vào im lặng. Thế nhưng, khi trả lời báo chí về những sai phạm có tên tuổi, địa chỉ cụ thể thì bao giờ người có trách nhiệm cũng khẳng định “kiên quyết xử lý”.

Tình trạng này một lần nữa được phản ảnh khá rõ trong hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP HCM” do UBND thành phố tổ chức. Tại đây, thực trạng bị “mất” cán bộ trong lĩnh vực quản lý đất đai đã được chỉ ra vì các cán bộ đó “ôm” quá nhiều quyền lực, dẫn đến thực thi sai. Đó là nguyên nhân trực tiếp còn nguyên nhân sâu xa thì chính là lòng tham. Rất nhiều cán bộ, kể cả các cán bộ cao cấp đã trượt ngã trong lĩnh vực đất đai.

Cũng tại hội thảo này, một vấn đề được nêu ra khiến ai cũng giật mình, thu ngân sách từ đất của ta chỉ chiếm 10% trong khi các nước khác từ 50% đến 90%. Nguyên nhân là Nhà nước định giá quá thấp dẫn đến thất thu nhưng có lẽ đó không phải là chủ yếu mà do quản lý đất đai của chúng ta chưa tốt, cán bộ lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho riêng mình.

Tài nguyên quý giá của đất nước trở thành mảnh đất màu mỡ của tham nhũng, của những sai trái và khuất tất, nuôi dưỡng và làm lớn mạnh “nhóm lợi ích”. Điều này cần được ngăn chặn, xử lý quyết liệt hơn nữa để không có cán bộ “trượt chân” trên đất nữa.

Đọc thêm