Không tưởng tượng nổi
Ông K không bao giờ tưởng tượng được rằng tình hình lại tồi tệ đến mức đó. Trong suốt 3 năm ông đã cùng một nhóm đồng nghiệp tiến hành một cuộc điều tra ngầm về hoạt động buôn bán rùa biển ở Việt Nam. Những nỗ lực của cả nhóm cuối cũng đã đưa đến những tin báo quan trọng.
Chính những thông tin đó đã đưa ông tới cửa 3 nhà kho ở một vùng nông thôn ngoại ô Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 250km về phía Đông Bắc.
Khi cảnh sát giật mạnh cánh cửa ở một những nhà kho đó, thứ đầu tiên mà ông K cảm nhận được là mùi: mùi nồng nặc của nhiều loại hóa chất trộn với nhau, pha quện với mùi hôi thối của xác chết. Điều thứ 2 mà ông K nhận thấy chính là những con rùa biển – hàng nghìn con vật đang có nguy cơ tuyệt chủng này được xếp chồng lên nhau cao đến tận nóc nhà. 2 nhà kho khác cũng có chung cảnh tượng như vậy.
“Tôi thực sự bị sốc khi nhìn thấy có quá nhiều rùa biển như vậy. Điều này thật điên rồ” – ông K kể lại.
Trong cuộc đột kích thứ 2 nhằm vào một trang trại ở gần 3 nhà kho nói trên được tiến hành sau đó một tháng, cảnh sát thậm chí còn phát hiện được nhiều rùa chết hơn. Tổng cộng đã có khoảng 7.000 con rùa được phát hiện tại các nhà kho – là vụ thu giữ lượng rùa biển buôn lậu lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Trong đó, đồi mồi chiếm phần lớn. Hầu hết chúng đã bị lột da nhồi trấu hoàn toàn hoặc 1 phần để chuẩn bị bán sang Trung Quốc.
Sự trì trệ kéo dài
Sự kiện nói trên xảy ra vào tháng 11/2014 nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa bắt giữ hay truy tố bất cứ cá nhân nào về vụ việc dù kết quả điều tra của nhóm ông K cho thấy có bằng chứng chứng minh một doanh nhân giàu có ở địa phương là người chủ mưu trong vụ phạm tội.
Sau nhiều tháng và sau đó có thể sẽ là nhiều năm, vụ việc này vẫn tiếp tục trì trệ, khiến các nhà bảo tồn động vật hoang dã cho rằng vụ việc này chính là điển hình cho thấy sự thất bại của Việt Nam trong việc xử trí nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Ông Douglas Hendrie, cố vấn kỹ thuật của nhóm phi lợi nhuận Giáo dục tự nhiên Việt Nam (ENV) có trụ sở tại Hà Nội – đơn vị dẫn đầu cuộc điều tra và là cơ quan ông K làm việc ở thời điểm đó – nói: “Anh có thể xâm nhập vào những mắt xích ở cấp trung và cấp thấp nhưng sẽ không thể tác động được đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã nếu không vạch ra được những người đứng sau hoạt động này”.
Việt Nam là một mắt xích chính trong hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên thế giới, giữ vai trò là nước cung cấp, tiêu thụ và trung chuyển các sản phẩm động vật được buôn bán bất hợp pháp từ các nước ở khu vực Đông Nam Á tới Trung Quốc.
Vào cuối năm 2014, rùa biển được đưa vào danh sách các loài động vật được bảo vệ hoàn toàn của Việt Nam, cùng với các loài như hổ, voi, gấu và tê tê. Theo quy định của luật pháp Việt Nam, việc buôn bán bất kỳ loài nào trong số các loài trên đều là hành vi phạm tội hình sự, dẫn đến việc bị truy tố ngay lập tức và có khung hình phạt tối đa là 7 năm tù.
Ông K bắt đầu tham gia vào vụ việc rùa biển từ năm 2011, khi một tàu cá được đăng ký ở Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển của Philippines và giới chức nước này khi khám xét đã phát hiện khoảng 200 con rùa đã chết trên tàu.
Trong những tháng sau đó, một số tàu tương tự cũng đã xuất hiện ở Việt Nam và Philippines. Tất cả những tàu này đều chở rùa biển đã chết và được đăng ký ở Sa Kỳ, một cảng biển ở tỉnh Quảng Ngãi thuộc miền Trung Việt Nam.
Vì vậy nên ông K đã tìm đường tới tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, ông và các đồng nghiệp thuộc nhóm ENV đã đóng giả là những người mua hàng, bán hàng tiềm năng hay các sinh viên đang tiến hành nghiên cứu khoa học để hỏi người dân xung quanh đó về rùa biển. Kết quả là, họ phát hiện ra rằng ở đó có một nhóm thợ chuyên biệt, chuyên nhắm đến những con rùa biển và sau đó họ đem bán cho những thương lái ở chợ đen.
|
Những con rùa chết được phát hiện. |
“Anh đang nói điều vô nghĩa”
Thay vì ngay lập tức báo tin cho nhà chức trách và khuyến khích họ khởi tố những người săn bắt trộm rùa ở cấp thấp và những người trung gian, ông K đã bắt đầu tìm kiếm một người ở cấp cao hơn trong chuỗi cung ứng thực phẩm đó, một người mà ông cho là lái buôn cao cấp, được những lái buôn ở cấp thấp và nhiều người khác có miêu tả chính là người đứng sau hoạt động săn bắt và buôn bán trái phép ở Quảng Ngãi và nhiều nơi khác.
Khi National Geographic liên hệ với người lái buôn này qua điện thoại, ông ta trả lời rằng ông ta không biết gì về vụ thu giữ rùa biển. “Anh đang nói những điều thật vô lý” – người này nhấn mạnh trước khi cúp máy.
Nhưng ông K và các đồng nghiệp tại ENV khẳng định bằng chứng từ hàng chục nguồn tin khác nhau đều cho thấy người đàn ông đó có liên quan đến vụ phạm tội, đặc biệt người này cũng có tiền sử từng tham gia một số hoạt động có liên quan đến rùa biển. Ví dụ, năm 2009, giới chức Việt Nam đã thu giữ gần 850 con rùa sống từ một trang trại cá ở Nha Trang và chính lái buôn này đã bị phạt hành chính 10 triệu VND.
Ông K cho hay một số nguồn tin địa phương xác nhận sự liên quan của lái buôn tới hoạt động buôn bán rùa biển, trong đó có những nguồn tin cho biết những nhà kho thực chất là của ông ta và rằng ông ta là một người mua rùa biển có tiếng ở địa phương. Ông Bùi Cao Pháp – Phó chủ tịch xã nơi có những nhà kho – cũng xác nhận các nhà kho thuộc sở hữu của người này.
Sau các vụ phát hiện năm 2014, một người đàn ông địa phương tên Hoàng Tuấn Hải đã ra đầu thú và nhận trách nhiệm về vụ phạm tội nhưng ông Hendrie và ông K đều cho rằng ông Hải – một cấp dưới – thực chất muốn bảo vệ người đứng đầu của đường dây. Dù vậy nhưng ngay cả ông Hải cũng vẫn không bị bắt giữ hay truy tố và dường như giới chức Việt Nam không điều tra thêm về sự liên quan của những người khác đến vụ việc này.
“Đã 2 năm trôi qua nhưng tôi nghĩ rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài mãi” – ông K nhận định.
Kẻ chủ mưu không bị truy tố?
Vụ thu giữ năm 2014 được truyền thông Việt Nam đưa tin rộng rãi và cả báo chí quốc tế cũng thông tin. Theo ông Hendrie, Chính phủ Việt Nam khi đó dường như đã rất tích cực trong việc khởi tố vụ việc. Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa khởi tố bất cứ đối tượng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở cấp cao nào dù những người “yếu” hơn như những kẻ săn bắn trộm, buôn lậu và môi giới vẫn thường xuyên bị bắt và bị trừng phạt.
Theo bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV, khi được hỏi về vụ việc năm 2014, đại diện của tỉnh Khánh Hòa khẳng định vẫn đang theo đuổi cuộc điều tra và nói rằng việc chậm trễ là do những khó khăn trong việc áp dụng luật như họ trình bày trong một công văn gửi Bộ Công an Việt Nam năm 2015 cho đến việc có sự nhầm lẫn trong việc xác định chủng loại rùa.
Dù vậy nhưng bà Hà xác nhận các đại diện ở các cấp cao hơn, bao gồm ở khu vực và chính phủ ở trung ương, đều đã gửi thư thúc giục giới chức tỉnh Khánh Hòa tiến hành khởi tố vụ việc.