[Truyện ngắn] Từ đám cháy

(PLVN) - Lúc đó, Ty đang kê tay bà ngoại, ngủ say và ngáy khì khì. Thậm chí, khi ngoại vừa ới làng ới xóm, vừa dựng cổ Ty dậy rồi vác nó ra khỏi đó, nó vẫn còn say ngủ. Lạ lùng, mỗi hồi nghe ai đó kêu mất ngủ, Ty thèm 'sớt' cho người ta một ít. Cứ đặt lưng xuống là ngủ. À, có khi cũng chẳng cần đặt lưng chi, những bữa trưa nghỉ giải lao ba mươi phút, Ty gục mặt xuống bàn cũng đủ đi tới rìa rìa một giấc mơ nào đó.
Ảnh minh họa.

Anh nói cuộc đời người ta giấc ngủ chỉ chiếm một phần ba thời gian sống còn đời của Ty thì ngược lại, giấc ngủ chiếm hết hai phần ba. Ty cười hề hề. Kệ, ăn được ngủ được là tiên. Bà ngoại dĩ nhiên không ưa thói ngủ ngày, ngủ nướng, ngủ say li bì của Ty. Hồi nhỏ, mùa đông hay hè, dù mặt trời còn chưa thấy mặt, ngoại đã vén mùng lay Ty dậy. Dí chổi vào tay con bé, ngoại bắt nó đứng dậy quét nhà, quét cửa. Mắt Ty ríu lại, vừa đưa chổi vừa ngáp. Tranh thủ lúc ngoại lúi húi ngoài giếng, con bé nhảy vô giường ngủ tiếp.

Ty kể chuyện này nhiều lần nhưng hễ lần nào nghe lại anh cũng cười khúc khích. Thi thoảng ngồi gối đầu vào nhau, anh dè dặt hỏi Ty có nhớ mặt mũi cha mẹ mình không, cả chị gái nữa. Tất nhiên là không. Ời, Ty vô tình quá, lỡ mai mốt mình không gần nhau, Ty cũng quên anh luôn hỉ. Anh nói rồi gõ vào trán cô. Có vẻ là đùa nhưng Ty chẳng thấy vui chi cả, tại sao lại lỡ, sao lại không gần nhau nữa. Anh có ý chi à? Để tránh cô vùng vằng xịu mặt, anh hôn chụt vào má Ty, vậy là hết căng thẳng.

 Thiệt tình, cả nhà Ty đã cháy rụi cùng nhau, bao nhiêu ảnh chụp hay giấy tờ đều thành tro nên chẳng còn hình ảnh nào lưu giữ. Nhiều lúc Ty áy náy bởi ý nghĩ có khi tại ngủ nhiều quá nên cô chưa kịp ghi nhớ những gương mặt người thân của mình. Ngoại nói Ty ham ngủ từ lúc mới đẻ. Con nít ít ra có quậy qua lăn lại còn Ty hết ngủ thì bú, bú xong lại nhắm mắt ngủ tiếp. Lúc biết đi, biết nói, con bé vẫn giữ nết ngủ nhiều như vậy.

Năm ba mẹ và chị Dại thành một đống tro, Ty vừa lên sáu. Chỗ tro của cả nhà đã nằm cùng nhau trong cái hộp các-tông mà bà ngoại lượm được. Sau này, ngoại chôn phía bên Cồn, cạnh gốc sầu đâu to nhất. Ngoại nói chỗ đó gió mát. Hồi mẹ với chị bây ở trong đó chắc nóng ghê lắm. 

Có đợt thất tình lại giận ngoại nên Ty bắt xe về quê, ra gốc sầu đâu ngồi. Lần đó, Ty nghĩ ngợi mọi chuyện nhiều hơn thường ngày một chút, kiểu như nếu hồi xưa mình cháy cùng ba mẹ và chị Dại thì chẳng phải qua những ngày mệt mỏi như thế này. Ý nghĩ đó chỉ vừa đến mép thì Ty đã nhíu mắt lại ngủ một giấc êm đềm. Tỉnh dậy bởi mấy hột sầu đâu mà đám con nít giữ bò gần đó nghịch ngợm chọi vô mặt, Ty giật mình nhận ra mình đã ngủ từ sớm đến chiều.

Bà ngoại bảo tại Ty mang vẻ ngoài khác biệt khi mái tóc càng lớn càng vàng, đôi mắt có màu xanh, tròn như viên bi, da lại trắng bóc. Trong khi chị Dại đen đúa giống ba, mắt mũi y xì như mẹ thì Ty cứ như trên trời rớt xuống. Ngó đi ngó lại chẳng có chi liên quan đến những người đã đẻ ra mình. Ba day người mẹ để hỏi mãi một câu, rốt cuộc mi lấy nó ở mô? Nó là con ai?

 Mỗi lần ba túm vai mẹ lắc lư để hỏi tới lui câu đó, có khi câu hỏi được kèm cái bạt tai hay một cú đá làm mẹ rớt khỏi giường, mẹ vẫn kiên nhẫn với câu trả lời duy nhất. Hồi đó, ông ngoại bị bắn nằm thoi thóp gần sân bay Ái Tử. Đám lính đi ngang thấy vậy rồi kéo lên xe chở vô nhà thương cấp cứu. Nghe đâu ông mất máu nhiều nên có người lính Mỹ truyền máu cho ông. Có thể thứ “máu Mỹ” từ người ông ngoại đã truyền qua cho đứa cháu là Ty. Ba ngửa mặt cười sằng sặc, bây tính lừa tau, lừa tau à. 

Thiệt, em gái của mẹ tức dì út của Ty nghe nói cũng có vẻ ngoài giống Ty lắm. Mặt mũi rất tây, cao ráo trắng trẻo. Khổ nỗi lời giải thích của mẹ thêm nhân chứng là bà ngoại chẳng thể làm ba tin. Bởi dì út bỏ nhà đi từ năm mười lăm tuổi, ông ngoại đã mất cách đó mười năm. Ba chưa hề gặp hai người đó để xác nhận lại lời nói nên chi lý do “nghe như phim” đó chỉ làm ông thêm bực bội. 

 Ty không rõ liệu nhận máu của người khác thì có mang theo cả màu da, màu tóc rồi truyền lại cho con cháu mình hay không nhưng ngoại nói thì cô tin vậy. Cũng như suốt cả tuổi thơ, mỗi lần có ai hỏi thăm về phía nội của Ty, ngoại lại rủ rỉ bên tai cô, chính thằng cha mi đã đốt cả nhà. Để rồi câu trả lời dành cho người tò mò kia là cái lắc đầu ngáo ngơ từ con nhỏ, con chỉ có bà ngoại. Xót xa, lạnh lùng, đôi mắt xanh tròn của Ty làm người ta rờn rợn nghi ngờ và sợ hãi. Nên hồi lớn lên, Ty nghĩ nếu muốn cũng có thể bỏ tật ngủ nhiều. Có điều khi thức cũng chẳng gặp ai, cũng không nên nhìn ai quá lâu, thôi thì nhắm mắt đi ngủ cho khỏe.

Ty luôn thắc mắc một đám cháy sẽ xảy ra như thế nào. Có phải ngọn lửa khét lẹt sẽ cuốn tất thảy vô đó để đám sáng càng sáng thêm. Nếu có người trong đó, liệu mùi người có chín khét như mùi thịt nướng quá tay. Người ta sẽ vùng vẫy, quằn quại để cố thoát ra hay là đứng yên cam chịu lửa liếm vô da thịt mình. Và khi đám cháy được dập tắt, có phải sẽ chỉ còn những thân hình co quắp đen đúa hay thể xác nhẹ nhõm biến thành bụi tro.

Lần nhà xưởng cháy, Ty đứng ngó trân đám người đang chạy dáo dác và thấy rõ lửa đang lách tách ở cuối phòng. Cô ngây dại hít hửi mùi khói để tìm coi có cảm giác quen thuộc hay không. Chẳng biết từ đâu anh chạy đến rồi xốc Ty lên vai, bồng cô rời khỏi đó trước khi cô ngắm lửa táp đến chân mình. Vụ cháy ở xưởng không gây thiệt hại về người, nghĩa là không có ai cháy để Ty ngó rõ thực hư. 

Người ta thích nhau thường có lý do. Ty thích anh không phải anh cứu cô ra khỏi đám cháy bữa nọ hay anh đã nuôi hai đứa trong những ngày thất nghiệp. Thật ra là vì anh rất hay đọc sách. Những bữa tan ca, hai đứa mặc nguyên đồng phục công ty, lội vô nhà sách kiếm cớ cho qua giờ kẹt xe. Có lần, anh reo lên với Ty khi chỉ vào trang 89 trong một cuốn sách có tựa “Những điều kỳ lạ trên thế giới”, em coi nè trong này họ viết người ta có thể tự bốc cháy.  

Phải rồi, có lần Ty đã nói với anh về suy nghĩ ấy, rằng có khi nào con người có thể tự bốc cháy. Ước chừng ngoại ở đây để níu áo chỉ cho ngoại coi trong sách họ có nói vậy nì. Nhiều khả năng ba con tự bốc cháy chứ ai đời đi đốt nhà, đốt vợ con mình. Ý nghĩ ấy vừa lóe lên rạng rỡ đã tắt rụp ngay bởi mấy trang sách giải thích quá hời hợt. Rủi ngoại hỏi cặn kẽ tại sao thì cô cứng họng. Điều kỳ lạ thường chẳng rõ nguyên do. Lật sang trang khác đã ghi diễn biến của một chuyện kỳ lạ khác. 

Hồi đó chưa có điện nên chập điện là điều không thể. Đèn dầu cũng tắt vì đêm đó vừa hết dầu. Bếp củi lần nào nấu xong mẹ cũng tạt ca nước. Một tàn thuốc ư, không, ba cô nghiện rượu nhưng không hút thuốc. Ngoại cứ nấn ná thêm từng chi tiết như một món quà cho mỗi năm cô lớn lên. Có nghĩa là không có sự tình cờ hay vô ý nào để gây ra đám cháy, chỉ còn nguyên do ở ba. Vậy nên Ty hồ nghi ba tự bốc cháy rồi lửa lan ra cả ngôi nhà mình, lan qua mẹ và qua chị. Hồi đó bờ tường trét phân trâu, thứ phân khô rang trước đó được trát vô nẹp nứa cùng mái tranh rất dễ bắt lửa và cháy đượm. 

Anh hỏi sao Ty không thử tìm hiểu về gen di truyền, thử coi lời ngoại nói có cơ sở không. Thứ đó phức tạp quá, Ty không hiểu. Cô suy nghĩ mơ hồ về một người dì nào đó mà bà ngoại chẳng bao giờ nhắc tên. Nếu có trên đời, dì cũng đã tới tuổi chín chắn để tìm về quê hương bản xứ. Và bà ngoại, giận dỗi cách mấy một đứa con non dại cũng đâu đến nỗi rũ bỏ sạch trơn ký ức về nó. Nhưng gợn hỏi cũng chẳng ích chi, ngoại chỉ nhớ những chuyện Ty không muốn biết và quên chuyện Ty khao khát rõ ràng. 

Hôm rồi, anh lại reo lên trong điện thoại, nãy anh mới đọc trong sách, thấy có người mắc bệnh tóc vàng, mắt xanh. Ty chộp lấy ngay, là bệnh ư, bệnh chi đó? À, thường người ta như vậy thì sẽ câm điếc luôn. Cô thở dài, kiểu có chút tiếc nuối. Nhiều khi mình câm điếc cũng hay, lúc đó sẽ được xác nhận là do bệnh lý. Biết đâu mọi chuyện sẽ đơn giản hơn với tất cả. 

Anh biết cô luôn cố gắng làm mình rời khỏi hai dòng suy nghĩ khi lớn lên trong sự mông lung về gốc gác của mình. Có thể cô đã nghĩ nhiều về việc liệu trên đời mình có người dì nào không. Bởi vậy mỗi lần ti vi, đài báo phát chương trình tìm người thân, Ty đều xem chăm chú. Nhiều khi nuôi ý nghĩ mình có một bản sao khác sẽ lạc quan và đáng tin cậy hơn ý nghĩ ba tự mình bốc cháy. Phận anh trôi nổi không cha không mẹ, dù sao được như Ty có cha mẹ để gợn nhắc và biện hộ vậy mà vui. 

Năm Ty mười ba tuổi, lần đầu ngoại dẫn cô về quê. Hai bà cháu đạp đám cỏ ngủ để leo lên Cồn. Ty ngồi sụp xuống gốc sầu đâu thắp nhang cho cả nhà. Ngoại lầm rầm khấn vái rồi ôm Ty mà khóc. 

Lúc đi ngang một ngôi nhà to đẹp ngay đường quốc lộ, ngoại chỉ mé bên đó là nhà Ty hồi xưa. Khi đất nguội, ngoại bán cho người ta rồi dẫn đứa cháu đi vì không muốn liên hệ với bà con bên nội và cũng muốn cháu mình dễ bề lớn lên, tránh những xì xầm từ làng xóm. Sau này, lời về đám cháy có chăng chỉ tuột ra từ môi ngoại. 

Vài người quen cũ tới thăm hỏi hai bà cháu, tiện thể coi mặt mũi con bé hệt con lai hồi đó thoát chết giờ ra sao. Bà ngoại đã trừng mắt vài người khi cứ xuýt xoa nó càng lớn càng đẹp y như gái tây. Chỗ sân bay bây chừ bị chia làm ba góc. Một góc là kho bãi của mấy xưởng gỗ gần đó. Một góc để trống. Một góc thì bà con thi nhau đổ rác. Gần Tết, họ vẫn lên chỗ trống để lấy cát về thay lư hương. Quanh vùng đó, cát sân bay được xem là trắng và sạch nhất. Sở Mỹ hồi xưa đã đóng ở đây, làng mình thời buổi đó đàn bà con gái vô trong sở mần việc cũng nhiều. Nghe đâu là làm giúp việc cho lính Mỹ, lo việc giặt giũ áo quần, thu dọn giường chiếu của lính. Lời người quen kể tới đó thì tắt bởi ngoại liếc mắt bảo chuyện cũ nhắc làm chi.

Huyện miền núi mà ngoại dẫn Ty lên xem ra hợp với việc... ngủ bởi ở đây tiết trời lúc nào cũng mát mẻ. Sớm ra có sương lành lạnh, đêm mùa hè còn phải đắp chăn. Ty đã luôn ngủ ngon như chưa hề có lợn cợn thắc mắc nào về bất hạnh ụp xuống đời mình. Bà ngoại càng già càng khó ngủ, đêm nằm càm ràm về khúc xương nào đó trong người như sắp rời ra. Thấy nó cười khì khì bởi so sánh đó, ngoại hỏi bâng quơ chuyện trường chuyện lớp, coi có đứa mô trêu chọc vì màu mắt, màu tóc hay không. Con bé chỉ trả lời dạ không rồi thiếp đi. Thật may vì nó vẫn ngủ. Ngủ say y như bữa ngoại ồn ã giành nó từ tay người cha để kéo ra đám cháy. 

 Thiệt tình, đúng là bà ngoại cay nghiệt nhưng chưa đến mức dã man để kể cho Ty nghe về chi tiết giành giật ấy. Cả phần ký ức ngoái vô góc nhà, ngoại thấy sau màn khói đậm mùi phân trâu, con gái mình bồng đứa cháu ngồi bất động, bình thản đợi đám lửa bùng lên, liếm láp đến thân thể mình. Hình ảnh đó ngoại giữ cho riêng ngoại.

Trước lúc nhắm mắt, ngoại níu tay Ty lại gần, cô nghĩ ngoại dặn dò nhắc nhở kiểu như nay lớn rồi, ngủ ít thôi con. Hay trăn trối dặn dò chuyện chồng con rồi lần lần cái bọc đưa cho cô mấy khâu vàng. Té ra không phải. Run rẩy, ngoại dùng ít sức lực cuối cùng để buông câu quen thuộc mà cô đã nghe trong suốt những năm tháng ấu thơ của mình “Mi không hận thằng cha mi ư? Là cha mi đã đốt cả nhà”.

Rõ ràng, hai bà cháu đã lách ra khỏi đám cháy cách đây hơn hai mươi năm. Dù người còn vương mùi khói phân trâu đi chăng nữa, Ty nghĩ mình đã nguội ngắt từ lâu lắm rồi. Có điều, bà ngoại vẫn còn cháy âm ỉ... 

Đọc thêm