Lá thư tình

(PLVN) - Khóa đào tạo mà Duy Hạnh cùng các bạn học ngày ấy có cái tên là: Sư phạm 10 + 1. Hệ đào tạo cấp tốc này chỉ mở ra đúng một năm để phục vụ kịp thời cho sự thiếu giáo viên nghiêm trọng trong thời Mỹ. Năm ấy, Duy Hạnh tuy mới tốt nghiệp phổ thông nhưng đã là tác giả của vài bài thơ và vài truyện ngắn được đăng tải trên các báo lớn. 
Lá thư tình

Do hoàn cảnh gia đình, anh buộc phải từ bỏ giấy gọi vào trường Đại học tổng hợp để vào học lớp sư phạm ngắn hạn này. Vì thế, tuy là bạn học cùng lớp nhưng Duy Hạnh nổi lên như một thần tượng, đặc biệt là đối với các bạn học nữ. Hồi đó, văn chương rất có giá nên mọi người coi anh như một ngôi sao thì cũng không có gì là quá đáng.

Khu tập thể của giáo sinh lớp văn là hai dãy nhà nằm đối diện nhau. Khu nhà nữ, vốn là một kho chứa lương thực nên nền được xây rất cao. Các bạn nữ mỗi khi lên xuống đều phải leo qua một tấm ván gỗ dài bắc từ dưới lên. Lúc đầu sợ ngã, “các ả” đi rất rón rén, có người phải bò lom khom. Vậy mà chỉ sau một tuần tất cả các cô gái trong khu tập thể đã đi trên tấm ván gỗ nhẹ như không. Có ả cậy dáng người nhỏ nhắn, thanh mảnh, mỗi lần qua lại còn dang rộng hai cánh tay, vừa đi vừa múa, như thể diễn viên xiếc đi trên dây. 

Chỗ ngủ của Duy Hạnh kề sát bên cửa sổ hướng đúng tầm nhìn vào tấm ván gỗ mà các nữ sinh phải lên xuống ít nhất bốn lần trong ngày. Hầu như ngày nào anh cũng được ngắm họ “biểu diễn” trên tấm ván một cách … vô tư. Dần dần, Duy Hạnh đâm ra nghiện những hình ảnh ấy. Mỗi lần nhìn các bạn nữ “làm xiếc” trên tấm ván gỗ, anh bỗng tưởng tượng họ là những cánh chim bay trên bầu trời chứ không phải là những bước chân trần tục của con người. Từ đó, bóng dáng các cô gái cứ mỗi ngày một đẹp dần lên trong mắt anh. Rồi tới một ngày, một trong hai mươi “cánh chim” của khu tập thể nữ đã bay vào tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn của anh. Đêm ấy, qua cửa sổ, dưới ánh trăng huyền ảo, Duy Hạnh vô tình bắt gặp mái tóc óng ánh, dài như một dòng suối uốn lượn sau tấm lưng mềm mại của Sâm khi cô dang tay bước trên tấm ván bập bềnh. Hình ảnh ấy đã làm trái tim Duy Hạnh như tê dại. Nó đâu còn là một hình ảnh bình thường, mà là “Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao” (thơ Hàn Mặc Tử). 

Không thể cầm lòng, suốt mấy đêm, Duy Hạnh đã huy động toàn bộ tài năng văn chương cùng cảm hứng tràn trề để viết một lá thư tỏ tình với Hoài Sâm. Thực ra cô gái chỉ có tên đệm là Thị - Thị Sâm. Chữ “Hoài” là do Duy Hạnh gán cho cô. Đầu thư anh viết “Hoài Sâm thân yêu!” không quên kèm theo lời giảng giải rất chi là… hàn lâm: “Em thân yêu ạ. Từ “Hoài”, theo nghĩa Hán là “nhớ”. Anh tặng cho em cái tên đệm ấy là để chứng tỏ lòng anh lúc nào cũng nhớ đến Sâm”. Xin của bà chị diễn viên đoàn văn công giọt nước hoa, vảy vào tờ pô - luya mỏng, Duy Hạnh giấu lá thư trong túi, đợi thời cơ gửi đi. 

Vậy mà mấy ngày hôm sau, Duy Hạnh vẫn không đủ can đảm trực tiếp đưa lá thư tỏ tình cho Sâm. Đứng trước Sâm, anh luôn cảm thấy trái tim như tan thành nước, run rảy đến mức không cất nổi lời. Thế mới biết ánh hào quang choáng ngợp của tình yêu có thể làm cho con người ta mềm yếu đến bất lực. Cuối cùng anh phải nhờ Hồng Thanh là bạn thân của Sâm chuyển hộ lá thư. 

Duy Mạnh hồi hộp đợi chờ trong một tâm trạng như nghẹt thở. Tuy nhiên, với một chàng trai có nhiều nét vượt trội như anh, Duy Hạnh luôn có niềm tin tuyệt đối sẽ không có một người con gái nào từ chối nổi trước lời tỏ tình của mình.

Vậy mà ba hôm, rồi một tuần trôi qua, Duy Hạnh vẫn không thấy tín hiệu gì phát ra từ cặp mắt hững hờ của Sâm. Lúc đầu, anh nghĩ Sâm làm điệu vậy là để đề cao giá trị con gái của mình. Nhưng rồi tận hơn hai tháng, mọi sự vẫn hoàn toàn im lặng. Duy Hạnh đau đớn, hoang mang và cuối cùng rơi vào tình trạng thất tình. Bỏ học, bỏ ăn, lực học sa sút hẳn. Không ngờ một người như anh mà lời tỏ tình đầu tiên trong đời lại bị ngoảnh mặt làm ngơ một cách thảm hại đến vậy.

Mãn khóa học, công tác mỗi người một nơi. Duy Hạnh dạy học gần mười năm thì chuyển về Hội Nhà văn thành phố. Từ đấy, tài năng của anh như thêm cánh. Với hai cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng quốc gia, anh đã trở thành một nhà văn danh tiếng hàng đầu của địa phương. Anh lấy vợ, một giảng viên ngữ văn của trường đại học, một người vợ mà anh ưng ý. Đến nay, cháu con phương trưởng đề huề, một cuộc sống có thể nói là vô cùng viên mãn. Câu chuyện cũ về “nàng tiên” Hoài Sâm trong ánh trăng xưa đã vĩnh viễn chôn sâu và dĩ vãng.  

* * *

Cuộc hội ngộ sau hơn năm mươi năm xa cách của lớp sư phạm 10 + 1 tuy có chút muộn màng, nhưng đã được tổ chức. Các giáo sinh trong lớp gặp nhau trong không khí đầm ấm cùng bao kỉ niệm buồn vui. 

Bây giờ thì Sâm đang đứng trước mặt Duy Mạnh, đã là một cụ bà ngoài bảy mươi. Duy Mạnh nhìn Sâm bằng ánh mắt mờ đục hơi sương nhưng tâm trạng vô cùng bình tĩnh. Vậy mà hồi trước, mỗi khi đứng bên Sâm, miệng anh như bị khóa cứng. Thời gian đúng là một sức mạnh vô hình có thể xóa nhòa đi mọi thứ.

- Thế nào, cuộc sống của bà sung túc và vui vẻ chứ? - Duy Hạnh cao giọng. 

Sâm cười, vẻ thỏa mãn:

- Vui lắm ông ạ. Con cháu sum vầy. Hạnh phúc tràn đầy. Ông xã nhà tôi chỉ là anh giáo làng như tôi thôi nhưng hết lòng với vợ con.

- Ừ! Trong cuộc sống thì đấy là điều quan trọng nhất. Vợ chồng mình cũng rất hạnh phúc. Càng già càng thương yêu nhau.

Duy Hạnh nhận ra, vào lúc này anh đã có thể thừa sự bình thản để nói về bức thư ngày trước. Nghĩ vậy, anh khẽ cười:

- Hồi ấy, giá như bà trả lời bức thư tỏ tỉnh và chấp nhận yêu tôi thì mọi chuyện chắc gì đã tốt đẹp như bây giờ nhỉ.

Sâm sửng sốt:

- Thư… thư… tỏ tình nào? Ông nói gì mà lạ thế?

- Ồ! Sao lạ vậy? Ngày ấy tôi có gửi cho bà một lá thư mà? Nhờ bà Hồng Thanh, bạn thân nhất của bà chuyển giúp…

Sâm ngớ người. Nhìn thấy Hồng Thanh đang nói chuyện với mấy người bạn, Sâm gọi to:

- Bà Hồng Thanh! Lại đây tôi bảo.

Sâm nói ngay khi Hồng Thanh vừa bước đến:

- Bà Thanh này, ông nhà văn Duy Hạnh đây vừa nói hồi còn học sư phạm, ông ấy có nhờ bà chuyển một lá thư cho tôi sao bà không đưa?  

Hồng Thanh ngẩn mặt một lát rồi cười ngặt nghẽo:

- À! Tôi nhớ ra rổi. Có lá thư ấy thật, nhưng tôi không thể đưa cho bà được. 

Hồng Thanh ngừng một lát rồi tiếp tục bằng một giọng vô tư:

- Hai người có biết vì sao không? Vì tôi ghen với bà Sâm đấy. Thú thật là ngày ấy tôi rất mê ông Duy Hạnh. Đơn phương thôi. Cũng vài lần đánh tín hiệu nhưng ông ấy chỉ coi tôi như củ khoai hà. Mà hồi đó các vị có công nhận tôi đẹp nhất lớp không? Vậy cớ sao ông ấy không tỏ tình với tôi mà lại tỏ tình với bà. Phải công nhận lá thư viết hay thật, cứ như rót mật vào tai. Bà mà được đọc thì nhận lời yêu ông ấy là cái chắc.

Duy Hạnh và Sâm lặng người. Hồng Thanh vẫn thao thao bất tuyệt:

- Nếu lá thư không bị cháy trong trận B52 rải thảm, hôm nay mang ra đọc lại chắc là vui phết.

Sâm dứ dứ ngón tay vào Hồng Thanh, kiểu như trách yêu:

- Hóa ra hồi ấy tình địch ở ngay bên cạnh mà tôi không biết.

Hồng Thanh cười khúc khích:

- Đúng là tôi có chút ghen tị với bà thật, nhưng thú thật, ngày ấy tôi không đưa lá thư cho bà là bởi một lí do khác chứ không phải vì ghen tị. Về sau, tôi càng tự  khẳng định việc làm của tôi là đúng. Tôi nói giữa dạ nhá, với một người có dung nhan bình thường và chân quê như bà Sâm, không thể làm vợ ông nhà văn Duy Hạnh được. Hôn nhân không đổ vỡ thì bà cũng sẽ phải ngậm bồ hòn làm ngọt suốt đời. Còn tôi, cũng từng tốn nhiều nước mắt vì ông nhà văn này, nhưng khi trưởng thành thêm chút ít, tôi cũng nhận thấy hóa ra tôi chỉ mê tài của Duy Hạnh thôi, chứ cũng chẳng yêu gì ông ấy. Cái thư tỏ tình ông Duy Hạnh viết cho bà tuy hay thật đấy nhưng nó giống một tác phẩm văn học đầy chất lãng mạn chứ không phải là một lá thư tỏ tình với người có thể gắn bó tới trọn đời. 

Hồng Thanh hất hàm về phía Duy Hạnh:

- Có phải không ông nhà văn?

Duy Hạnh phì cười, lòng thấy vui vui, chống chế một cách yếu ớt:

- Nhưng tình yêu của tôi ngày ấy là thành thật.

Hồng Thanh lừ mắt:

- Tôi biết ông thành thật. Ông không phải gã Sở Khanh. Nhưng đọc thư tôi hiểu, ngày ấy với trái tim đầy mơ mộng, ông đã biến con Sâm chân quê bạn tôi thành “phượng hoàng bay trong ánh trăng sao” để mà yêu. Thứ tình yêu ấy đâu có bền vững.

Hồng Thanh quay sang Sâm, nhấn từng tiếng:

- Hồi ấy, tôi không đưa lá thư cho bà là tôi xấu, tôi ghen tị, tôi có lỗi, nhưng rõ ràng tôi không ác ý. Hơn nữa, tôi còn cứu đời bà khỏi một bi kịch đấy, bà biết không? Bà có hiểu, làm vợ nhà văn lại là nhà văn nổi tiếng và đẹp trai ngời ngời như ông Duy Hạnh đây sẽ giống như đi biển trong mùa giông bão không?

Duy Hạnh và Sâm ngẩn người trước những lí lẽ chính xác và sâu sắc đến không ngờ của Hồng Thanh. 

Câu chuyện rắc rối này, nếu là ngày còn học cùng lớp cách đây hơn nửa thế kỉ hẳn sẽ là một việc vô cùng nghiêm trọng; cái tội giấu nhẹm lá thư của Hồng Thanh chắc chắn phải đưa ra tòa án lương tâm mà xử nặng. Vậy mà hôm nay lại trở thành một vấn đề mang ý nghĩa nhân tình thế thái. Hồng Thanh đã trắng án một cách tâm phục khẩu phục. Nghĩ ngợi hồi lâu, thốt nhiên cả ba người cùng cười ngặt nghẽo, cười như chưa bao giờ được cười. Bao nhiêu khuất khúc năm xưa chỉ bằng một tràng cười là hóa giải hết. 

Có được điều này, đơn giản bởi họ là những người bạn tuổi đã ngoại bảy mươi.

Đọc thêm