Liên tiếp đưa vào vận hành các công trình nghìn tỷ
Vào lúc 01h00 hôm 04/4, EVNNPT phối hợp với các đơn vị liên quan đã đóng điện đưa vào vận hành giai đoạn 2 dự án đường dây 220kV Vân Trì - Chèm (đoạn nối từ bờ Nam sông Hồng đến Trạm biến áp (TBA) 220kV Chèm - đoạn tuyến cấp điện trực tiếp cho Thủ đô Hà Nội), hoàn thành toàn bộ dự án đường dây 220kV Vân Trì – Chèm, với tổng mức đầu tư hơn 574 tỷ đồng.
Việc công trình trên được hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho TP.Hà Nội từ mùa khô 2015 và những năm tiếp theo (đường dây có khả năng tải từ 400 - 600MW, tương ứng khoảng 20 - 25% công suất của Hà Nội hiện nay là 2.000 - 2.400MW), đồng thời tạo mạch vòng liên kết lưới 220kV với các TBA 220kV Vân Trì, Chèm và Tây Hồ.
Đường dây 220kV Vân Trì - Chèm có nhiệm vụ truyền tải công suất từ các nguồn thủy điện Tây Bắc (như Sơn La) qua đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa và các nguồn nhiệt điện Đông Bắc (như Quảng Ninh) qua đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa về Hà Nội. Công trình khởi công tháng 12/2012 và dự kiến đóng điện đưa vào vận hành tháng 12/2013, nhưng do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên dự án bị chậm trễ và kéo dài cho đến thời điểm này.
Trước yêu cầu cấp bách phải đưa công trình vào vận hành để đảm bảo cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội, trong thời gian vừa qua, EVNNPT đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân nơi có đường dây đi qua tìm nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai thi công công trình, đưa đường dây vào vận hành theo kế hoạch.
Như vậy, từ đầu năm đến nay EVNNPT đã liên tiếp hoàn thành, đưa vào vận hành 3 công trình lớn. Gần đây nhất, hôm 31/3, Tổng Công ty vừa đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn bộ tụ bù dọc 500kV-30,5Ω-2.000A tại TBA 500kV Hà Tĩnh, hoàn thành toàn bộ dự án “Nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh”, tổng mức đầu tư trên 386 tỷ đồng, góp phần quan trọng nâng cao khả năng truyền tải trên đường dây 500kV Bắc - Nam thêm 500 - 800 MW.
Áp lực thu xếp vốn
Trước đó, trong năm 2014 EVNNPT đã hoàn thành 52 dự án, khởi công 55 dự án, giá trị đầu tư xây dựng thực hiện đạt gần 18.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đã đóng điện được 14 dự án trọng điểm cấp điện cho miền Nam, trong đó có các dự án đặc biệt quan trọng như các đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, Phú Lâm – Ô Môn (đoạn Phú Lâm – Long An), Vĩnh Tân – Sông Mây giai đoạn 2, TBA 500 kV Cầu Bông và đầu nối, TBA 500kV trung tâm điện lực Duyên Hải, đường dây 500 kV trung tâm điện lực Duyên Hải – Trà Vinh…
Theo kế hoạch đầu tư xây dựng, năm nay EVNNPT sẽ phải hoàn thành 72 dự án, khởi công 61 dự án với tổng giá trị đầu tư lên gần 1 tỷ USD (19.515 tỷ đồng), tăng 8,45% so với năm 2014. Đây là khối lượng cực kỳ lớn, tuy nhiên EVNNPT thừa nhận cũng đang “mắc” ở nhiều khâu do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Ngoài câu chuyện muôn thuở về giải phóng mặt bằng thì đáng nói là công tác thẩm tra, trình duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, kế hoạch đấu thầu… mặc dù đã có sự tiến triển vượt bậc so với trước đây nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch. Như năm ngoái, nhiều dự án mặc dù đã được áp dụng cơ chế cấp bách nhưng khi Luật Đấu thầu mới được ban hành, việc lựa chọn tư vấn phải tổ chức đấu thầu, kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu lên tới 3-4 tháng, dẫn đến thời gian thực hiện dự án cũng bị chậm theo.
Quan ngại nhất là vấn đề “ đâu tiền”. Năm ngoái, EVNNPT đã lập kỷ lục ký hợp đồng tín dụng với tổng số tiền lên tới 27.120 tỷ đồng, tăng tới 42% so với năm 2013 và tăng 285% so với năm 2012. Trong đó, vốn trong nước là gần 11.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 16.200 tỷ đồng.
Năm nay, vốn tổng giá trị đầu tư còn tăng hơn năm ngoái gần 10%, đạt gần 1 tỷ USD, câu chuyện thu xếp đủ vốn quả là một thách thức lớn. Năm ngoái, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Ban lãnh đạo EVNNPT đã có những chuyến “đi vay” từ Á sang Âu, năm nay ắt hẳn lịch trình còn dày hơn nữa…