Truyền thuyết về hoa bỉ ngạn - Loài hoa thức tỉnh ái tình

(PLVN) - Truyền thuyết kể rằng, hoa bỉ ngạn là loài hoa duy nhất mọc trên đường xuống hoàng tuyền, khi linh hồn trước khi đi qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong Xuyên, sẽ gửi toàn bộ ký ức của mình cho hoa bỉ ngạn. Dù là đau khổ tột cùng hay yêu thương thắm thiết, hoa bỉ ngạn đều thu nhận những hồi ức đó.
Truyền thuyết về hoa bỉ ngạn - Loài hoa thức tỉnh ái tình

Hoa bỉ ngạn thường nở vào xuân phân, đây là thời gian mà theo lời dạy của Phật trong thời gian 7 ngày của mùa thu, người sống có thể đi vào thế giới của người chết để gặp gỡ ông bà tổ tiên; hoặc nhân dịp họ đi thăm viếng sửa sang mồ mả của những người đã khuất. Xung quanh loài hoa huyền thoại này đều là những thiên tình sử đẫm nước mắt...

Nước mắt thiên tình sầu ly biệt

Có rất nhiều truyền thuyết khác nhau kể về loài hoa ái tình - hoa bỉ ngạn này cùng câu chuyện tình bi thương mà khiến cả Đức Phật và Mạnh Bà dưới địa phủ cũng phải mủi lòng thương xót.

Xưa có một đôi trai tài gái sắc, theo luật Thiên Đình họ không được phép gặp gỡ. Một ngày, cả hai đã phá vỡ giới luật để tìm đến bên nhau. Cả hai vừa gặp đã quen thân, quyến luyến không xa rời, nguyện ước hẹn ở bên nhau đến kiếp kiếp đời đời.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)  

Nhưng vì đã phạm luật Trời, họ bị đày đọa xuống trần gian rồi biến thành hoa và lá của cùng một cây. Lá xanh, hoa đỏ, đẹp kiêu sa nhưng chất chứa nỗi buồn. Loài hoa này rất đặc biệt, có hoa thì không thấy lá, mà có lá lại chẳng thể thấy hoa, giữa hoa và lá, cuối cùng cũng không thể gặp mặt.

Một ngày, Đức Phật đi ngang qua, thấy trên mặt đất có một loài hoa đỏ rực như lửa, vừa nhung nhớ lại vừa u sầu. Đức Phật xót thương, bèn quyết định mang hoa về miền Cực Lạc, nhưng vì Cực Lạc là Phật quốc nên tất cả những gì là tình si, nhung nhớ, u sầu, đau khổ… đều không được phép tiến nhập. Những thứ xúc cảm con người ấy đều phải rời khỏi hoa, kết thành một màu đỏ rực lửa rồi rơi xuống sông Vong Xuyên. Kết cục, dù đã ở kiếp khác nhưng đôi tình nhân vẫn phân ly.

Duyên phận đã hết, vẫn không đành chia ly

Lại có truyền thuyết kể rằng, có một cặp vợ chồng trẻ đang hạnh phúc mặn nồng thì người chồng gặp nạn, phải bỏ mạng nơi đất khách quê người. Linh hồn của chàng trai đi đến bên bờ sông Vong Xuyên, bước trên con đường đỏ rực hoa bỉ ngạn mà không khỏi nhớ thương về người vợ chốn dương gian. 

Chàng trai gặp Mạnh Bà, nhận bát canh quên lãng và quên hết ký ức tình sầu. Anh hỏi Mạnh Bà: 'Thế gian muôn màu muôn vẻ, ý họa tình thơ, cớ sao lại bắt tôi phải quên hết tình xưa cũ?'. Mạnh Bà chỉ mỉm cười không nói, khiến chàng trai càng thêm chua xót. Anh tự nhủ với lòng mình: 'Dù phải uống thứ nước vong tình này thì ta vẫn không muốn quên. Sau khi chuyển sinh, ta nhất định sẽ đến tìm nàng'.

Người vợ trẻ ở quê nhà quá đau đớn vì cái chết của chồng đã nhiều lần tìm cách quyên sinh nhưng lần nào cũng được cứu sống lại, bởi vậy cô nguyện sẽ thủ tiết cả đời. 

Còn chàng trai kia cũng đầu thai vào một gia đình nọ, cách ngôi nhà cũ không xa. Thấm thoắt đã 20 năm có lẻ, cậu trở thành một trang nam nhi tuấn tú. Một ngày đi qua ngôi nhà cũ của mình, chàng bỗng thấy một cảm giác thân quen khó tả. Ký ức mơ hồ đưa lối cậu dừng trước thềm nhà, hướng mắt về phía khung cửa sổ, thấy một quả phụ đang ngồi khâu vá. 

Bất chợt quả phụ bắt gặp ánh mắt của chàng trai trẻ, trong một khoảnh nàng nhận ra những dấu yêu xưa cũ tuôn trào từ ký ức, dẫu vật đổi sao dời. Nàng run rẩy không nói nên lời, chỉ có hai hàng lệ như mưa tháng bảy.

Duyên phận đã hết, vẫn không đành chia ly...
Duyên phận đã hết, vẫn không đành chia ly... 

Sau đó, quả phụ vì nỗi nhớ thương chồng mà lâm bệnh qua đời. Khi đi xuống dưới Hoàng Tuyền, nàng qua cầu Nại Hà và đến cạnh Vọng Hương đài gặp Mạnh Bà và hỏi: 'Lão bà bà, có phải trước đây có một nam tử từng nói với bà rằng chàng sẽ không quên tôi, sau khi luân hồi sẽ nhất định tìm tôi phải không?. Mạnh Bà gật đầu khiến tim quả phụ càng thêm nhói buốt. 'Chàng đã đến, vì sao lại không nhận ra ta, không nói với ta một lời?'- nàng nức nở.

Mạnh Bà giảng giải: 'Duyên phận của hai người đã hết, chia ly cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng thấy cô không đành lòng, ta sẽ cho cô được gặp lại anh ta lần nữa. Tuy nhiên, cô sẽ phải ở đây chịu khổ 20 năm rồi mới được chuyển sinh vào kiếp sống tiếp, cô có nguyện ý không?'.

Nàng đồng ý. Xót thương tình cảnh nàng, Mạnh Bà giao cho nàng việc nhổ cỏ bên bờ hoa bỉ ngạn, dể ký ức tình sầu của nàng gửi vào hoa. Nhưng kỳ thực ở đó không hề có cỏ, chẳng qua tại vì trong mắt nàng luôn nhìn thấy cỏ dại, và vì thế mà nàng cứ nhổ mãi nhổ mãi mà cũng không hết được.

Hai mươi năm sau, Mạnh Bà đưa nàng đến trước cửa luân hồi và dặn rằng: 'Cô hãy đứng ở đây đợi một chút, người cô chờ 20 năm sắp đến rồi'. Cuối cùng chàng cũng đến, hai hàng lệ nàng lại tuôn như suối.

Nhưng, người mà nàng đã dành cả 20 năm đằng đẵng dưới âm gian để đợi chờ, lại tỏ ra thờ ơ lãnh đạm. Nàng đau đớn níu tay chàng: 'Chàng đã quên ta rồi sao?'. Chàng trai dửng dưng nhìn nàng như một người xa lạ, rồi lặng lẽ đón chén canh vong tình của Mạnh Bà uống cạn, thản nhiên bước vào cửa luân hồi.

Từ đó, bên bờ Hoàng Tuyền, dưới cầu Nại Hà, cây hoa đỏ rực, diễm lệ bừng nở, sinh sôi, dẫn đường cho các đôi tình nhân chia cắt, cho những vong hồn còn nhiều oán khí quay lại luân hồi, nhận lấy nhân quả mà số phận chỉ định.

Bỉ ngạn - loài hoa thức tỉnh ái tình có hai màu hoa đỏ và hoa trắng
Bỉ ngạn - loài hoa thức tỉnh ái tình có hai màu hoa đỏ và hoa trắng  

Một ngày, Đức Phật đi ngang qua, thấy trên mặt đất có một loài hoa đỏ rực như lửa, vừa nhung nhớ lại vừa u sầu. Phật vừa liếc nhìn đã thấu tỏ được huyền cơ trong đó. Quả thật là:“Bỉ ngạn hoa, khai nhất thiên niên, lạc nhất thiên niên, hoa diệp vĩnh bất tương kiến. Tình bất vi nhân quả, duyên chú định sinh tử”. Nghĩa là: “Hoa bỉ ngạn, một nghìn năm nở, một nghìn năm tàn, hoa và lá vĩnh viễn không thể gặp nhau. Tình không vì nhân quả, duyên đã định tử sinh.”

Đức Phật xót thương, bèn quyết định mang hoa về miền Cực Lạc. Nhưng vì Cực Lạc là Phật quốc, là thế giới thanh tịnh và thuần khiết, nên tất cả những gì là ‘tình si’, ‘nhung nhớ’, ‘u sầu’, ‘đau khổ’… đều không được phép tiến nhập vào miền tịnh thổ. Những thứ xúc cảm con người ấy đều phải rời khỏi hoa, kết thành một màu đỏ rực lửa rồi rơi xuống sông Vong Xuyên.

Bởi vậy, khi về đến Cực Lạc, đóa hoa trong tay Phật đã biến thành một màu trắng tinh khiết không còn nhuốm bụi trần. Đức Phật bèn gọi nó là Mạn Đà La hoa, hoa của cõi Phật, cũng chính là một loại hoa bỉ ngạn.

Lại nói về màu đỏ rực lửa. Lúc ấy, Bồ Tát Địa Tạng thần thông quảng đại đã biết rằng nghiệp duyên của hoa Mạn Đà La hiện đang nằm dưới sông Vong Xuyên. Ngài bèn đến bên bờ sông, ném xuống một hạt giống, chỉ trong chốc lát một đóa hoa đỏ tươi bay ra khỏi mặt nước. Bồ Tát đón lấy hoa và nói:

“Ngươi đã thoát thân trở về miền Cực Lạc, sao còn đem nỗi hận tình si để lại nơi khổ ải vô biên này chứ? Vậy thì, ngươi hãy ở đây làm sứ giả tiếp dẫn các linh hồn đi về phía luân hồi. Cực Lạc đã có Mạn Đà La hoa rồi (Mandarava), vậy ta sẽ gọi ngươi là Mạn Châu Sa hoa vậy (Manjusaka)”.

Từ đó có hai loài hoa bỉ ngạn, một loại trắng ngần tinh khiết, một loại lại rực rỡ hoa lệ; một loại gợi nhớ gợi thương, chia ly đau khổ, một loại lại vô dục vô cầu, vô khổ vô bi; một loại trầm luân trong nỗi sầu nhân thế, một loại lại thản thản đãng đãng nơi Phật quốc thanh cao.

Bỉ ngạn - Loài hoa thức tỉnh ái tình

Người ta nói, hoa bỉ ngạn là loài hoa có độc, cho nên ái tình cũng là một thứ “độc dược”, khiến những ai chìm đắm trong đó phải đau khổ day dứt cả một đời.

Người ta nói, hoa bỉ ngạn là loài hoa nơi địa phủ, cho nên những ai không thể bước qua được ái tình sẽ chỉ khiến tâm hồn chôn vùi trong dĩ vãng.

Người ta nói, hoa bỉ ngạn là loài hoa rực lửa, cho nên tình ái mới khiến người ta say đắm nồng nàn. Chẳng phải người đời vẫn hay nói “tình yêu rực lửa”, “tình yêu cháy bỏng” đó sao? Nhưng thiên tình sử nào, cuối cùng rồi cũng trái ngang.

Người ta nói nhiều về ý nghĩa của hoa bỉ ngạn, ở Nhật Bản là ‘hoa hồi ức đau thương’, ở Triều Tiên là ‘hoa nhung nhớ’, ở Trung Quốc là ‘hoa ưu mỹ thuần khiết’. Nhưng trên tất cả, đây là loài hoa cảnh tỉnh thế nhân về ảo ảnh của ái tình.

Đọc thêm