Sáng qua 26/10, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thú y và Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã công bố Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, bằng ứng dụng công nghệ thông tin, nguồn gốc của thịt lợn được thực hiện xuyên suốt theo đường đi của lợn từ vận chuyển đến cơ sở giết mổ.
Cụ thể, lợn xuất chuồng tại trang trại sẽ được đeo vòng nhận diện có mã QR (mã vạch hai chiều) chứa thông tin về từ trang trại nuôi cho đến các công đoạn sau đó. Ở công đoạn cuối cùng, trước khi bán lẻ, tiểu thương dán tem điện tử lên vòng nhận diện giúp người tiêu dùng, cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất nguồn gốc qua ứng dụng miễn phí TE-FOOD trên smartphone, máy kiểm tra tại chợ hay trên web www.te-food.com.
Trên miếng thịt lợn mua có con tem truy xuất, người tiêu dùng nhập mã tem vào sẽ hiện lên thông tin truy xuất từ trang trại, lò giết mổ, chợ bán sỉ, chợ bán lẻ với những thông tin chi tiết từ thời gian xuất trại, thời gian giết mổ, thời gian về chợ lẻ, địa chỉ sạp bán lẻ…
Hiện đề án thu hút sự tham gia của gần 1.000 trang trại, 11 cơ sở giết mổ, có khả năng cung cấp 100% lượng tiêu thụ của thị trường Thành phố.
Về phân phối thịt lợn, TP.HCM hiện có ba hệ thống chính là hệ thống chợ đầu mối (Hóc Môn và Bình Điền), cung cấp từ 70% đến 80% nhu cầu thịt hàng ngày của thành phố, chủ yếu phân phối cho các chợ bán lẻ; hệ thống chợ bán lẻ có 240 chợ, nguồn thịt chủ yếu lấy từ hai chợ đầu mối.
Đối với hệ thống phân phối hiện đại có 5 hệ thống siêu thị với 59 siêu thị đăng ký tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, gồm: Co.opmart, Satramart, Big C, Aeon, AeonCitimart... Bên cạnh đó, có 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng tham gia đề án này là Co.opFood, SatraFood, SagriFood, Vissan...
Chương trình còn có số điện thoại đường dây nóng 19006726 hoạt động 24/7 để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng và trang web để cung cấp thông tin chương trình, hướng dẫn cách truy xuất nguồn gốc thịt lợn.