Hôm nay, 12/11, phiên xét xử sơ thẩm vụ án “đánh bạc nghìn tỷ” liên quan đến cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) diễn ra tại TAND tỉnh Phú Thọ.
Đúng 11h40 xe chuyên dụng của cảnh sát đã chở các bị cáo rời khỏi phiên toà:
14h chiều nay, HHXX sẽ tiếp tục phiên xử.
11h35
Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phiên toà và phổ biến nội quy cho các bị cáo
Buổi chiều các bị cáo tại ngoại 13h30 phút có mặt tại toà để làm thủ tục
10h40:
HĐXX đã hoàn thành phần kiểm tra căn cước của 91 bị cáo có mặt. Chuyển sang phần kiểm tra căn cước của các luật sư.
Trong phiên tòa này, bị cáo nhỏ tuổi nhất là Lê Văn Huy (SN 1997, trú tại khu phố 5, phường 3, TX Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).
Huy cũng là bị cáo duy nhất bị truy tố với tội danh “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Ảnh VNE |
Từ hành vi phạm tội của Huy mà toàn bộ vụ án trên đã được lực lượng công an triệt phá. Cáo trạng nêu rõ, tháng 5/2017, Lê Văn Huy lên Internet, dò mật khẩu Facebook nhằm chiếm đoạt tài khoản của người khác. Thấy tài khoản facebook “Hằng Nhữ” của bà Nhữ Thanh Hằng (64 tuổi, ở Hà Nội) hiển thị các thông tin cá nhân, Huy đã chiếm quyền sử dụng. Khi đã lấy được tài khoản của bà Hằng, Huy đã dò tìm tin nhắn và phát hiện cuộc trao đổi từ facebook của bà Hằng với tài khoản facebook “Võ Minh Phương” của chị Võ Minh Phương (SN 1983, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) nên Huy giả danh bà Hằng nhắn tin hỏi thăm Phương để tạo tin tưởng.
Sau đó, Lê Văn Huy đã nhờ chị Phương mua hộ 110 thẻ cào Viettel và MobiFone. Tin rằng người nhắn là bác ruột, chị Phương đã mua số thẻ theo yêu cầu, trị giá 55 triệu đồng rồi cào lấy mã số và gửi toàn bộ thông tin cho Huy.
Sau khi chiếm đoạt được số tiền trên, Huy cho cho Võ Quang Lộc 2 thẻ cào trị giá 1 triệu đồng, còn lại đổi ra được 40.5 triệu đồng. Do hám lợi, Huy sử dụng toàn bộ 40.5 triệu đồng VNĐ đánh bạc trực tuyến bằng game bài Rikvip/Tip.Club từ ngày 21/5/2017, đến ngày 6/6/2017, và thua hết tiền. Huy tham gia đánh bạc nhiều phiên, trong đó lần Huy nạp tiền nhiều nhất là 8.774.920Rik, tương đương tiền là 7.283.184 đồng.
Từ trình báo của các bị hại, ngày 1/8/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can đối với Lê Văn Huy về tội “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, ngày 22/8/2017, khởi tố bị can đối với Lê Văn Huy về tội “Đánh bạc”.
Từ lời khai của Lê Văn Huy và tài liệu điều tra về game bài Tip.Club nên cơ quan An ninh điều tra đã phá được vụ án đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến 2 “ông trùm” là Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương có sự bảo kê của ông Phan Văn Vĩnh – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và ông Nguyễn Thanh Hóa – nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50-Bộ Công an).
Tại bục khai báo, ông Vĩnh khai rất rõ ràng khi được HĐXX hỏi.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại bục khai báo |
Ông Vĩnh khai bị bắt ngày 6-4-2018, bị tạm giam cho đến nay.
Tới dự phiên tòa, ông Vĩnh mặc áo khoác màu tối. Dường như chuỗi ngày nằm viện khiến bị cáo này già và yếu hơn so với thời điểm chưa bị khởi tố.
Theo cáo trạng, ngoài việc công nhận Công ty CNC của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong trái quy trình, ông Vĩnh còn đồng ý cho doanh nghiệp này sử dụng trụ sở của đơn vị, gây cản trở việc xác minh hoạt động nghi vấn đánh bạc.
Với tư cách là Thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Vĩnh có trách nhiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm nhưng ông lại giao cấp dưới nghiên cứu đề xuất của Nguyễn Văn Dương về việc cho thí điểm trò chơi đánh bạc.
Năm 2016, ông Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa giao cho CNC xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng có nguồn vốn từ trò chơi đánh bạc trực tuyến. Nhưng hơn 2 năm tổ chức đánh bạc, CNC hầu như không đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia.
Sai phạm của ông Vĩnh còn được chỉ ra khi báo cáo Bộ Công an và Bộ Thông tin & Truyền thông hợp pháp hóa 2 cổng trò chơi trực tuyến do công ty bình phong liên kết vận hành chui. Chưa có ý kiến của Bộ trưởng Công an, Phan Văn Vĩnh đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông xin cấp giấy phép thí điểm trò chơi do công ty bình phong phát hành.
Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hoạt động của Công ty CNC, ông Vĩnh đã không làm theo chỉ đạo. Chỉ khi Thứ trưởng Bộ Công an có văn bản lần 2, ông Vĩnh mới yêu cầu công ty bình phong chấm dứt hoạt động 2 trò chơi đánh bạc.
Cuối tháng 8/2016, ông Phan Văn Vĩnh đồng ý với đề xuất của Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về việc báo cáo lãnh đạo bộ để xây dựng kế hoạch triệt phá đường dây đánh bạc của Nguyễn Văn Dương. Nhưng thực tế, ông Vĩnh và cấp dưới không xây dựng kế hoạch, không báo cáo lãnh đạo Bộ, không điều tra xác minh.
Trước khi vụ án được phanh phui, ông Vĩnh không xây dựng kế hoạch, không báo cáo cấp trên, cũng không tổ chức điều tra xác minh dù đồng ý vào đề xuất của Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về việc triệt phá đường dây đánh bạc.
Nguyễn Văn Dương khẳng định đã cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng, cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng và gần 2 triệu USD. Nhưng 2 cựu cán bộ ngành công an phủ nhận. Cơ quan tố tụng xác định ông Vĩnh và ông Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ. Trong đó, ông Vĩnh là người chỉ đạo, còn ông Hóa là người thực hành tích cực.
Quá trình điều tra, do chưa đủ căn cứ xác định ông Vĩnh và ông Hóa hưởng lợi cá nhân nên việc xem xét xử lý 2 bị can này mới dừng lại ở mức cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
9h00:
Đại tá Phùng Đức Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đây là lần đầu tiên tại Phú Thọ diễn ra một phiên tòa lớn, với tính chất phức tạp vì có nhiều bị cáo, người có quyền nghĩa vụ liên quan và luật sư. Đơn vị này đã lên kế hoạch chi tiết, tập huấn và huy động gần 500 cán bộ, công an tham gia bảo vệ cho phiên tòa. Ngoài ra, Công an tỉnh Phú Thọ còn báo cáo bộ Công an hỗ trợ thêm về phương tiện, nghiệp vụ và con người để đảm bảo việc xét xử diễn ra một cách an toàn nhất.
Lực lượng an ninh được bố chí nghiêm ngặt bảo vệ phiên tòa. |
8h50:
Đến thời điểm hiện tại HĐXX vẫn đang tiến hành xét hỏi căn cước các bị cáo.
Khi HĐXX đang tiến hành kiểm tra căn cước, luật sư Huyền Trang (bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh) có ý kiến: "Do sức khỏe của một số bị cáo không đảm bảo nên đề nghị HĐXX cho một số bị cáo được ngồi". Chủ tọa chấp nhận đề nghị này của luật sư cho 4 bị cáo là ông Phan Văn Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa, bị cáo Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương được ngồi.
8h35:
Thành phần HĐXX gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân và 1 thẩm phán dự khuyết. Chủ tọa phiên tòa là bà Nguyễn Thị Thùy Hương. Theo báo cáo của thư ký phiên tòa vắng mặt 1 bị cáo, vắng mặt 12 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, vắng mặt 1 luật sư bào chữa.
Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương |
Các bị cáo lần lượt bước lên bục khai báo
8h30:
Do số lượng bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quá đông, mặc dù làm việc từ rất sớm nhưng dự kiến sẽ phải mất ít nhất 2 ngày để HĐXX làm thủ tục.
Các bị cáo và những người được triệu tập sẽ được Thư ký tòa điểm danh, sau đó nghe phổ biến nội quy phiên tòa, nghe Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Các bị cáo xếp thành 7 hàng lần lượt đứng lên bục khai báo. HĐXX sẽ kiểm tra nhân thân từng bi cáo trước khi đọc bản cáo trạng dài 235 trang.
Phần thủ tục nói trên dự kiến sẽ kéo dài trong ít nhất hai ngày. Trong ngày đầu tiên, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam và một số bị cáo đang bị tạm giam được lực lượng cảnh sát dẫn giải đến tòa lúc 7h20 phút sáng. Trong khi đó, các bị cáo được tại ngoại có mặt từ sáng sớm để làm thủ tục.
Rất nhiều người dân, thân nhân bị cáo. do không mang theo chứng minh thư để đăng kí vào tham dự phiên toà nên không được vào, chỉ được đứng ngoài cổng.
8h28: Đến thời điểm hiện tại vẫn rất nhiều người dân đến tham dự phiên toà, một số các cán bộ kiểm sát viên từ các đơn vị cấp huyện của tỉnh Phú Thọ đến đăng kí tham dự phiên toà.
Hiện tại, vẫn có rất đông người đăng ký tham dự phiên xét xử.
Đúng 8h, Hội đồng xét xử bắt đầu làm việc.
7h50, dẫn giải bị cáo Phan Văn Vĩnh vào khu vực dành cho các bị cáo tại phiên xét xử.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh |
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa |
Bị cáo Nguyễn Văn Dương |
Bị cáo Phan Sào Nam |
Đáng chú ý trong số 16 nữ bị cáo có Lưu Thị Hồng (SN 1976, ở Trung Hòa, Cầu Giấy, TP.Hà Nội, TGĐ Công ty Công nghệ cao (Cty CNC) được cho là có nhan sắc, tài năng và từng làm việc ở một cơ quan truyền thông lớn có tên tuổi. Lưu Thị Hồng từng là cổ đông góp vốn 1,52% vào Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) do Nguyễn Văn Dương sáng lập.
Tuy nhiên, Hồng chỉ đứng tên góp vốn cho đủ thành viên theo quy định của pháp luật, còn vốn góp thực tế hoàn toàn là của Nguyễn Văn Dương.
Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động của CNC, thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương, Hồng đã ký các hợp đồng hợp tác phát hành game bài RikVip, thuê tên miền, đăng ký dịch vụ tin nhắn thương hiệu và tham gia ký đối soát doanh thu tổ chức đánh bạc...
Quá trình vận hành game bài Rikvip (giai đoạn 2 là Tip.club), Lưu Thị Hồng còn thực hiện chỉ đạo của Dương, ký nhiều hợp đồng cung cấp các dịch vụ liên quan đến Rikvip/ Tip.club với nhà mạng nhằm thu hút người chơi để thu lời bất chính.
VKSND quy buộc Lưu Thị Hồng phạm tội Tổ chức đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức. Nữ bị cáo này đã thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt nên được xem xét tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Lưu Thị Hồng |
Các bị cáo ở phiên toà |
Người dân vào đăng kí để theo dõi phiên xét xử.
Ông Nguyễn Hữu Mỹ (SN 1950, trú tại Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, là một người dân theo dõi sự việc từ lâu nên ông rất quan tâm tới phiên tòa. Khi biết TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên toà xét xử với và bố trí diện tích 1200m2 chỗ ngồi cho các bị cáo và người tham dự phiên toà vào sáng ngày 12/11, ông đã đi lên từ sáng sớm để tham dự với tư cách một công dân. |
Ông Nguyễn Văn Tín (SN 1962, ngụ phường Tân Dân, TP. Việt Trì) cho biết, là một công dân, ông rất bức xúc trước hành vi sai trái của các đối tượng trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ. "Bản thân các bị cáo đều là người có ăn học, có người công tác tại các vị trí cao trong lực lượng CAND mà lại vi phạm pháp luật như vậy khiến chúng tôi bức xúc, đề nghị pháp luật nghiêm trị.", ông Tín nói.
Ông Nguyễn Văn Tín |
Bên ngoài TAND tỉnh Phú Thọ, nhiều người dân hiếu kỳ đứng theo dõi từ sớm.
Đúng 7h20, các bị cáo được xe của cảnh sát đưa đến toà.
Từ 6h30, khu vực TAND tỉnh Phú Thọ an ninh được thắt chặt. Lực lượng cảnh sát được bố trí thành thành nhiều lớp để đảm bảo trật tự cho phiên tòa.
Do vụ án có tính chất phức tạp và số bị cáo đông kỷ lục nên TAND tỉnh Phú Thọ đã phải bố trí xét xử tại sân tòa với diện tích khoảng 1.000 m2, thiết kế có khung sắt, mái che kiên cố. Vụ án này có đến 85 bị cáo đang được tại ngoại và do địa phương quản lý, phân bố ở hầu khắp các tỉnh trên cả nước nên TAND tỉnh đã tống đạt giấy triệu tập đến các bị cáo.
Vụ án “đánh bạc nghìn tỷ” nói trên có các nhóm tội như: Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Người vào khu vực xét xử phải làm thủ tục kiểm tra an ninh |
An ninh được thắt chặt quanh khu vực tòa án |
Vụ án có tới 92 bị cáo. Hội đồng xét xử gồm: Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương; Thẩm phán Đỗ Ngọc Tuấn. Các Hội thẩm nhân dân gồm: Bà Nguyễn Thị Phẩm, bà Bùi Thị Hảo, ông Nguyễn Bá Điển. Thư ký phiên tòa: Bà Phan Thị Huyền và ông Nguyễn Thành Long. Đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ: ông Lê Xuân Lộc, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Quang Hồng và bà Phạm Thị Bích Liên - kiểm sát viên.
Để phục vụ xét hỏi 92 bị cáo, HĐXX dự kiến mời 73 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 14 người làm chứng và 3 điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ). Bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa mỗi người có 3 luật sư bào chữa; bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC)) có 5 luật sư bào chữa; bị cáo Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT VTC online) có 3 luật sư bào chữa.
Cảnh sát giao thông có mặt từ rất sớm để làm nhiệm vụ phân luồng, đảm bảo trật tự giao thông trên đoạn tuyến gần tòa án |
Trước đó, tháng 5/2017, Công an tỉnh Phú Thọ điều tra vụ án lừa đảo 110 thẻ cào qua mạng xã hội Facebook, tương đương số tiền 55 triệu đồng; tháng 7/2017, Công an Phú Thọ bắt Lê Văn Huy - người lừa đảo chiếm đoạt 110 thẻ cào để đổi lấy tiền đánh bạc bằng game bài RikVip.
Tháng 10/2017, Công an Phú Thọ khởi tố 2 bị can cầm đầu đường dây đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club là Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam. Ngày 11/3/2018, Công an Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hóa. Ngày 6/4/2018, Công an Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Văn Vĩnh. Sau đó, Công an tỉnh Phú Thọ còn khởi tố thêm một số bị can khác liên quan đến vụ án.
Trong đó, ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), Bộ Công an bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hai ông trùm của tổ chức tội phạm đánh bạc là Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch Cty đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (CNC), Phan Sào Nam (SN 1979, cựu Giám đốc Công ty VTC Online) bị truy tố về các tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền. 88 bị can khác bị truy tố về các tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền.
Sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài Rikvip/ Tip.Clup, 23 Zdo, Zon/Pen các đối tượng thuộc nhóm vận hành game đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng được một hệ thống “đại lý cấp 1”, “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.
Với hệ thống trên, các đối tượng đã lôi kéo được hơn 42 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép hơn 9 nghìn tỷ đồng. Cáo trạng xác định, Dương là người giữ vai trò cầm đầu trong nhóm đối tượng vận hành game bài tổ chức đánh bạc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong khi Phan Sào Nam được xác định là người khởi xướng và giữ vai trò chỉ huy nhóm đối tượng thuộc Công ty VTC online và Công ty Nam Việt thực hiện vận hành game bài tổ chức đánh bạc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội.