Ông Hoàng Thọ Khiêm - nguyên Cục trưởng Cục THADS, Bộ Tư pháp:
“Tôi tin tưởng ngành THADS sẽ tiếp tục đạt nhiều thành công”
- Thời tôi còn làm Cục trưởng, công tác THADS còn rất nhiều khó khăn, nhất là về mô hình tổ chức bộ máy. Khi đó, do chưa có luật nên các quy định của pháp luật về thi hành án cũng rất tản mát, mâu thuẫn, chồng chéo. Đặc biệt là cơ quan THADS chưa có một vị thế xứng đáng để làm việc, vì thế nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác này cũng còn hạn chế, sự phối hợp của các ngành liên quan còn lỏng lẻo. Tóm lại là, thời kỳ đó thi hành án chưa đủ sức mạnh để làm việc.
Bây giờ, ngành THADS đã có sự phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Quốc hội thông qua Luật THADS là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để ngành THADS bứt phá, khẳng định về vị thế trong thời kỳ mới. Cũng từ đây, bộ máy tổ chức của các cơ quan THADS được tổ chức theo ngành dọc, được kiện toàn cơ bản. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ cho anh em cũng được đầu tư, cải thiện rất nhiều. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tư pháp, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nên qua theo dõi hàng năm, tôi biết công tác thi hành án dân sự đã có những chuyển biến mang tính đột phá. Với nền móng như vậy, tôi tin tưởng ngành THADS sẽ tiếp tục đạt nhiều thành công.
Ông Nguyễn Văn Luyện - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục THADS:
“Chúng tôi tự hào ngành THADS đã lớn mạnh”
|
-Ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 397/QĐ-TTg chọn ngày 19/7 hàng năm (ngày 19/7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 130/SL về Thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án) làm ngày truyền thống của ngành THADS. Chúng tôi hiểu rằng đây là sự ghi nhận của Chính phủ nói riêng và của nhân dân nói chung đối với những công lao to lớn mà cán bộ, công chức toàn ngành THADS đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước nói chung và của ngành Tư pháp nói riêng trong thời gian qua.
Đã 67 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 130, nhưng ngành THADS chỉ thực sự bắt đầu phát triển với tư cách là một ngành độc lập từ năm 1993.
20 năm - khoảng thời gian tuy ngắn ngủi so với lịch sử phát triển của các ngành khác nhưng cũng đủ để chúng ta có những tiến bộ vượt bậc về mọi mặt. Trong phạm vi bài báo nhỏ bé này chúng tôi không có điều kiện để có thể giới thiệu sự phát triển toàn diện của ngành THADS. Nhưng những gì chúng ta có được hôm nay: Từ hệ thống tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; từ vị thế của các cơ quan thi hành án trong hệ thống các cơ quan nhà nước; từ lực lượng hùng hậu gần 10.000 cán bộ công chức; từ kết quả thi hành án xong hàng trăm nghìn vụ việc mỗi năm… chúng ta có thể tự hào để nói rằng: “Chúng ta lớn và đang mạnh dần lên!”. Cha ông ta hay sử dụng hai từ “lớn” và “mạnh” làm một cụm từ “lớn mạnh”. Điều này đúng, nhưng từ chỗ “lớn” đến “lớn mạnh” là một quá trình phấn đấu học tập, rèn luyện và tu dưỡng không ngừng.
Nhân dịp Tổng cục THADS lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống của Ngành THADS, chúng tôi mong muốn được chia sẻ những suy nghĩ của mình với mục đích là hy vọng vào một ngày gần nhất, toàn thể cán bộ công chức ngành THADS trong cả nước có thể ngẩng cao đầu tuyên bố: “Chúng tôi đã lớn mạnh!”.
Như chúng ta đã biết, mục đích cao nhất của pháp luật là bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội. Nhà nước đặt ra các quy tắc pháp luật cũng là nhằm mục đích để công lý được thực thi mọi lúc, mọi nơi, Như vậy, nếu áp dụng đúng các quy phạm pháp luật mà công lý không được bảo vệ thì cũng cần phải xem xét thay đổi các quy phạm đó. Tuy nhiên, để thay đổi các quy phạm pháp luật thì cần có thời gian mà công việc thi hành án thì việc nào cũng có thời hạn.
Cán bộ, công chức thi hành án từ Tổng cục đến các Chi cục, tất cả đều phải hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng thời hạn quy định. Nếu bị lâm vào hoàn cảnh như vậy, chúng ta thực sự khó khăn. Để vượt qua được khó khăn, bảo vệ công lý và đảm bảo công bằng xã hội, người cán bộ thi hành án phải có bản lĩnh. Bản lĩnh của người cán bộ thi hành án không những chỉ giúp chúng ta vượt qua được khó khăn xuất phát từ mâu thuẫn giữa pháp luật và công lý, mà còn là chìa khóa để vượt qua được những thử thách trong nhiều trường hợp bị gây áp lực từ nhiều phía.
Trong hoạt động thi hành các bản án, chúng ta chứng kiến nhiều trường hợp thương tâm của những người dân nghèo khổ bị sa vào vòng lao lý hoặc kiện tụng, mất mát tài sản, gia đình tan nát; chúng ta cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp do sơ suất, do yếu kém hoặc sự cố ý của lãnh đạo (doanh nghiệp) mà khiến hàng trăm, hàng ngàn người mất công ăn việc làm, mất thu nhập.
Trong hoàn cảnh như vậy, một cán bộ thi hành án chúng ta ngoài việc phải hoàn thành nhiệm vụ, phải có sự cảm thông sâu sắc đối với những người phải thi hành án, có kế hoạch phù hợp nhất để một mặt chúng ta vẫn vượt qua được áp lực về chỉ tiêu hàng năm, mặt khác sẽ tạo ra được sự đồng thuận cao trong xã hội, trong khu dân cư, trong đó có cả người phải thi hành án. Đây thực sự là việc khó, đòi hỏi người thực thi nhiệm vụ phải có cái tâm trong sáng.
Bản lĩnh và cái tâm là hai yếu tố quan trọng hàng đầu làm chúng ta mạnh hơn. Với tư cách là người không trực tiếp thi hành các bản án, chúng tôi mong muốn tất cả chấp hành viên, thẩm tra viên và các công chức khác cố gắng rèn luyện bản thân để có đủ bản lĩnh và cái tâm ở mức độ cần thiết nhằm xây dựng ngành thi hành án chúng ta ngày càng lớn mạnh hơn.
Ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục THADS Hà Nội:
“Chúng tôi chung sức, đồng lòng đóng góp vào thành tích chung của toàn Ngành”
|
- Từ năm 2008 đến nay, tổ chức bộ máy các cơ quan THADS Hà Nội ngày càng được củng cố, kiện toàn ổn định và phát triển, gồm Cục THADS TP và 29 đơn vị cấp huyện với hơn 500 cán bộ công chức, trong đó có 221 Chấp hành viên. Trong năm 2013, 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đã được các cơ quan ra quyết định thi hành án đúng thời hạn theo quy định.
Trong thời gian tới, công tác THADS còn rất nhiều khó khăn, thách thức với những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Chúng tôi quyết tâm chung sức đồng lòng, đoàn kết, nhất trí, trau dồi phẩm chất đạo đức và trí tuệ, tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, tổ chức thực hiện và hoàn thành thật tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và đóng góp vào thành tích chung của toàn ngành THADS.
Để đạt được điều đó, chúng tôi quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật công tác; đẩy mạnh việc giải quyết thi hành án, chú trọng giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ án lớn, phức tạp; các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài; đẩy nhanh tiến độ xác minh, phân loại việc có điều kiện, việc chưa có điều kiện thi hành, đảm bảo chính xác, đúng pháp luật, không để công tác THADS bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Văn Lực - Cục trưởng Cục THADS TP.Hồ Chí Minh
“Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao”
|
- Là địa phương có lượng án lớn nhất cả nước, thời gian qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cơ quan THADS TP.Hồ Chí Minh đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là tranh thủ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là cấp ủy và chính quyền địa phương, phải làm cho cấp ủy, chính quyền địa phương thấy được THADS không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan THADS mà là trách nhiệm chung của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thực tế những năm qua, ngành THADS TP.HCM được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ rất thiết thực. Thứ hai là về chuyên môn nghiệp vụ, đây là điều rất quan trọng vì nó quyết định tới hiệu quả công việc nên chúng tôi cũng áp dụng nhiều giải pháp cụ thể như: Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành; hàng năm xác định địa bàn trọng điểm về thi hành án (THA) để quan tâm đầu tư, chỉ đạo; xây dựng các đợt cao điểm về thi hành án; huy động lực lượng giải quyết việc thi hành án tồn đọng ở các địa bàn trọng điểm; có chương trình đối thoại với chấp hành viên, đối thoại với các ngân hàng, tổ chức tín dụng…
Để có được nguồn nhân lực mạnh như hiện nay, bên cạnh việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, dân chủ thì phải có giải pháp thu hút nhân lực. Chúng tôi đã xây dựng đề án tuyển dụng công chức thi hành án có hộ khẩu ngoài TP.HCM; xây dựng kế hoạch thu hút công chức từ các ngành, các địa phương khác; xây dựng quy hoạch gắn với luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm… Từ việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như trên, chúng tôi đã thu được một số kết quả nhất định. Liên tục trong 5 năm gần đây, TP.HCM luôn hoàn thành được các chỉ tiêu về THADS.