Theo phản ánh của bà Thủy, sau khi lập các quỹ do phụ huynh học sinh đóng góp, nhà trường không đưa các loại quỹ này vào Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường và cũng không được công khai tại các cuộc họp của Hội đồng giáo dục. Đó là các quỹ vệ sinh - an ninh, nước uống; quỹ khuyến học; quỹ lao động hè; quỹ quà tặng, quỹ thông tin điện tử…
Từ các khoản thu của phụ huynh, nhà trường lại sử dụng để chi các khoản đáng ra phải được chi từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu từ học phí. Chẳng hạn, nhà trường đã chi mua máy in Canon ở Phòng Thư ký Hội đồng; mua máy tính; mua áp-tô-mát; thay bóng đèn máy chiếu; trả lương cho nhân viên y tế; khám sức khỏe cho giáo viên…
Theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD-ĐT) thì “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường…; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.
Tuy nhiên, năm học 2010-2011, nhà trường vẫn thu tiền của phụ huynh học sinh để cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh của trường với số tiền lên tới hơn 260 triệu đồng. Điều đáng nói, toàn bộ tiền cải tạo nhà vệ sinh là do cha mẹ học sinh đóng góp dưới danh nghĩa “tự nguyện”, nhưng tại Hợp đồng thi công xây dựng được ký kết với bên B (đơn vị thi công) lại không có đại diện Hội cha mẹ học sinh tham gia mà do bà Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng nhà trường làm đại diện cho Bên A. Đặc biệt, dù nhà vệ sinh đã cải tạo xong nhưng học sinh khối lớp 10 khóa học sau, khi nhập trường vẫn phải đóng góp tiếp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo giải thích về việc thu tiền của phụ huynh học sinh để mua sắm các máy móc, thiết bị của trường học (máy in, máy tính, áp- tô- mát..) là được sự “bật đèn xanh” của Sở Tài chính Hà Nội. Cụ thể, Sở này đã có công văn đề nghị các trường hạn chế dùng ngân sách nhà nước để mua sắm trang thiết bị trong nhà trường.
“Sau khi có Công văn này, nhà trường đã xin ý kiến của Hội Cha mẹ học sinh để mua các trang thiết bị trong trường và đã được họ đồng ý” - bà Tâm khẳng định.
Tương tự, việc thu tiền của Hội cha mẹ học sinh để cải tạo nhà vệ sinh trong trường, bà Tâm cũng cho rằng việc làm này là do Hội cha mẹ học sinh đồng thuận và đề nghị được đóng góp kinh phí cải tạo nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng cho con em mình. Việc nhà vệ sinh đã cải tạo xong nhưng năm học tiếp theo nhà trường vẫn thu tiền của học sinh khối lớp 10 là “vì còn thiếu tiền nên năm sau phải thu tiếp”?.
Cứ cho là Hội cha mẹ học sinh “đồng thuận” và “tự nguyện” đóng góp các khoản tiền cho nhà trường mua sắm các trang thiết bị và xây dựng, cải tạo lại nhà vệ sinh thì việc làm này cũng không đúng nguyên tắc và đi ngược lại các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội. Đó là chưa nói đến chuyện nếu không được nhà trường chủ động “ngỏ ý thăm dò” thì làm sao Hội cha mẹ học sinh biết được nhà trường đang thiếu các trang thiết bị đó? Làm sao biết được khu vệ sinh của nhà trường đã xuống cấp và cần được cải tạo lại?.
Trong quá trình trao đổi với chúng tôi, bà Tâm liên tục khẳng định việc lập các quỹ cũng như việc thu - chi các loại quỹ này là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với tư cách là Trưởng ban Thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2011-2013, bà Phạm Thị Thanh Thủy cho chúng tôi biết, trong các năm học vừa qua, Trường THPT Trần Hưng Đạo vẫn còn tồn tại một số sai phạm khác trong việc lập các loại quỹ và thu – chi tài chính… Khi bà chất vấn lãnh đạo nhà trường đề nghị được làm rõ và công khai, minh bạch những khoản thu - chi của nhà trường thì chưa nhận được sự giải thích và trả lời thỏa đáng.
Đã đến lúc Thanh tra Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội cần làm rõ những khuất tất nêu trên, tránh những hoài nghi, thắc mắc của cán bộ, giáo viên cũng như của phụ huynh học sinh trong trường.