Nhiều kiến nghị của Bộ Tư pháp
Chiều 10/10, phiên họp giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác PCBLGĐ chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Hoạt động nằm trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (UBCVĐXH) diễn ra từ ngày 9-11/10, với 14 nội dung làm việc khác nhau.
Phát biểu khai mạc vào chiều 10/10, bà Nguyễn Thúy Anh, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội cho biết, Luật PCBLGĐ được Quốc hội khóa XII Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực ngày 1/7/2008. Để chuẩn bị cho phiên giải trình, Ủy ban đã tổ chức giám sát, khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành phố; nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản vi phạm pháp luật hiện hành; làm việc với các chuyên gia, xây dựng kế hoạch và thông báo tới các bộ, ngành, cơ quan có liên quan.
|
Phiên giải trình |
Đối với Bộ Tư pháp, phiên họp cho biết, đơn vị có chức năng tham gia góp ý xây dựng và thực hiện thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật về PCBLGĐ trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành. Bộ Tư pháp cũng chủ trì, phối hợp các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản pháp lý, hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý (TGPL), hướng dẫn TGPL, trong đó có nạn nhân BLGĐ; Tổ chức các hoạt động truyền thông về TGPL trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân nói chung, nạn nhân BLGĐ nói riêng về TGPL và quyền TGPL.
Từ năm 2008 đến năm 2017, các Trung tâm TGPL đã trợ giúp cho 1.099.270 người, trong đó nữ giới chiếm 46,25%. Hoạt động hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong hôn nhân và gia đình hiện nay chiếm tỉ lệ cao so với các lĩnh vực khác (như đất đai, môi trường). Song đây cũng là lĩnh vực phức tạp còn rất nhiều vụ hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành nhưng một thời gian sau, mâu thuẫn, tranh chấp lại tiếp diễn…
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đại diện báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCBLGĐ giai đoạn 2008-2018. Theo đó, đối với hoạt động TGPL cho nạn nhân BLGĐ, Thứ trưởng Dũng chỉ ra, từ khi có Luật PCBLGĐ, công tác TGPL cho nạn nhân bạo lực gia đình được quan tâm hơn, mối quan hệ phối hợp công tác giữa các tổ chức TGPL với các cơ quan liên quan ngày càng được gắn chặt.
|
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng nhận định, hoạt động TGPL cho phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình còn gặp nhiều rào cản |
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động TGPL cho phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình còn gặp nhiều rào cản như: Vướng Luật nên chỉ chủ yếu lồng ghép đối tượng nạn nhân BLGĐ thuộc diện người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn. Nhiều nơi còn lúng túng; việc chuyển vụ việc từ cơ quan liên quan đến tổ chức thực hiện TGPL và ngược lại, chưa được thực hiện thường xuyên, nội dung truyền thông về bình đẳng giới và PCBLGĐ chưa phong phú, chỉ chú trọng nữ giới.
Ngoài ra, mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ hiện nay tương đối thấp và không còn phù hợp với điều kiện xã hội, không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, một số quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP liên quan đến xử phạt hành chính về PCBLGĐ còn chưa đảm bảo rõ ràng, dẫn đến những cách hiểu khác nhau, không đảm bảo thống nhất áp dụng trong thực tiễn.
Từ những phân tích trên, Bộ Tư pháp kiến nghị, đề xuất cần hoàn thiện Luật về PCBLGĐ, trong đó, làm rõ khái niệm “thành viên gia đình” trong Luật PCBLGĐ nhằm thống nhất các nội dung khác. Đồng thời quy định rõ hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong PCBLGĐ được quy định tại Chương IV Luật PCBLGĐ; Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCBLGĐ; Đẩy mạnh công tác TGPL cho nạn nhân; Tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện về PCBLGĐ, công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính về PCBLGĐ, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức được giao thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ.
Số liệu chưa thống nhất
Tham gia phiên giải trình, nhiều đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi và được các lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao… giải đáp về những băn khoăn, thắc mắc, trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về PCBLGĐ theo từng lĩnh vực quản lý.
|
Nhiều vấn đề được đại diện các Bộ, ngành tập trung thảo luận |
Báo báo của Bộ VH-TT&DL, từ năm 2009 đến năm 2017 cho thấy, tổng số vụ bạo hành gia đình (BHGĐ) các địa phương đã phát hiện có 292.268 vụ; tính trung bình mỗi năm tổng hợp được 36.534 vụ bạo lực. Xem xét theo số vụ diễn biến qua các năm thì năm sau thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, Bộ này cũng chỉ ra, việc báo cáo về BLGĐ thực hiện theo ngành dọc, mỗi cơ quan có cách tổng hợp của mình. Vì thế, thực tế thường thiếu thống nhất, thậm chí trái ngược nhau các số liệu, nên khó khăn trong thu thập và báo cáo số liệu tình hình BHGĐ.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện lấy ví dụ, theo tổng hợp số liệu do TAND các cấp thực hiện từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018, TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỉ lệ 97,4%. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn có 1.069.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân BHGĐ như bị đánh đập, ngược đãi, vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). Trong khi đó, báo cáo của ngành Tư pháp lại cho thấy, năm 2014 tiếp nhận hòa giải 31.528 vụ việc BLGĐ; năm 2015 là 33.966 vụ (năm 2016 và năm 2017 báo cáo không rõ nên không tách được số vụ hòa giải do BLGĐ).
|
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện băn khoăn về các con số được thống kê |
Về nguyên nhân BLGĐ, qua tổng hợp ở 63 tỉnh, thành, kết quả cho thấy có 14 nguyên nhân chính (trực tiếp hoặc gián tiếp) gồm: Nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ chê cười; Nhận thức pháp luật của cán bộ, chính quyền, đoàn thể còn hạn chế; Kinh tế khó khăn; Tệ nạn xã hội; Tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới; Người dân thiếu kỹ năng ứng xử trong gia đình; Người dân ít hợp tác, dĩ hòa vi quý; Thiếu cán bộ chuyên trách cấp xã/phường; Cán bộ thiếu kỹ năng hòa giải, tuyên truyền; Các cấp, ngành chưa phối hợp hiệu quả; Cộng đồng, chính quyền đoàn thể thiếu quan tâm; Kinh phí hoạt động PCBLGĐ còn hạn chế; Chế tài chưa mạnh; Một số văn bản dưới luật chưa phù hợp thực tiễn.