Thông tin của một số doanh nghiệp phản ánh việc hồ sơ mời thầu (HSMT) trong quá trình đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngày 20/12/2019 có nhiều chi tiết làm hạn chế năng lực nhiều nhà thầu. Cụ thể, dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư trên 27 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp trên 22 tỷ, tổng chiều dài 6.700m gồm 338 cột, đèn. Hình thức đấu thầu rộng rãi, một túi hai hồ sơ, mở thầu vào ngày 10/1/2020.
Từ những phản ánh của một số nhà thầu, ngày 13/1/2020, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng (BQL) huyện Nghi Xuân có văn bản đề nghị sửa đổi, hủy bỏ một số nội dung mời thầu. Trên cơ sở đề nghị đó, ngày 14/1/2020, UBND huyện Nghi Xuân ra Quyết định sửa đổi HSMT, đồng thời đăng thông báo sửa đổi HSMT trên mạng. Theo đó, thời điểm mở thầu thay đổi vào ngày 20/1/2020.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc BQL huyện Nghi Xuân cho rằng: “Việc thay đổi HSMT vào ngày 14/1 và mở thầu vào ngày 20/1/2020 là đúng quy định, Sở KH&ĐT đã có ý kiến về việc này không có vấn đề gì”. Cũng theo ông Hải, biên bản mở thầu được lập đúng ngày 20/1, nhưng do gần Tết Âm lịch nên sau Tết mới tiếp tục chấm thầu và hiện chưa có kết quả cụ thể.
Trong quá trình tìm hiểu dự án trên, PV nhận thêm phản ánh của bạn đọc về việc gói thầu đang mở thầu, rồi hoãn thầu. Hiện đang tiến hành chấm thầu, nhưng trước đó khi thực hiện dự án mở rộng đường thì có người đã bỏ vật tư, công sức thi công lắp đặt hệ thống ống luồn dây điện, nhằm mục đích sau này thực hiện dự án điện chiếu sáng không phải đào đường vào các lối rẽ.
Trên tuyến đường từ Gia Lách đến Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du vào tháng 9/2019, UBND huyện Nghi Xuân cũng phê duyệt Dự án cổng chào trang trí có sử dụng đèn điện (cũng thực hiện chôn đường điện ngầm một số đoạn), khiến ai cũng thắc mắc vì sao không gộp hai dự án trên thành một dự án để giảm chi phí?
Đoạn ống nhựa được đặt sẵn trên đường lúc chưa bị cắt ngắn. |
Theo ghi nhận, thực tế trên tuyến đường Gia Lách đến Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du xuất hiện nhiều đoạn ống nhựa cao su xoắn màu vàng, có đường kính rộng 6cm đã được chôn sẵn rất nhiều vị trí là đường nhánh dân sinh. Thế nhưng, ông Nguyễn Xuân Hải cho rằng không có chuyện thi công trước, “những đường ống lắp đặt sẵn đó là đường cáp quang”.
Một điểm lạ là thời điểm mở thầu không đúng như thông báo mời thầu ban đầu (ngày 10/1/2020) và được gia hạn sau đó thì có người đã tìm cách “xóa dấu vết” bằng cách cắt hết các phần nổi trên mặt đường của các ống cao su. Tỉ mỉ quan sát, có thể tìm thấy từng chỗ ống cao su bị cắt, những đoạn này được bịt bao nilon để tránh đất cát luồn vào ống và để khó phát hiện.
Nhằm làm rõ thêm vấn đề trên, PV đã liên hệ đại diện một doanh nghiệp thi công giai đoạn 2 phần đường đi từ Gia Lách đến Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du. Người này xác nhận, quá trình thi công không có hạng mục lắp đặt đường ống cao su trên tuyến vỉa hè.
Còn phía Trung tâm viễn thông huyện Nghi Xuân xác nhận, không triển khai dự án nào liên quan đến việc bỏ ống nhựa chờ sẵn trên tuyến đường này và nếu có cũng không phải loại ống nhựa loại này.
Đem vấn đề này trao đổi lại với ông Hải, vị này lại cho rằng, những đường ống nhựa xoắn màu vàng tại các ngã rẽ trên tuyến vào lối dân sinh là “trong quá trình thi công dự án đường, BQL đã vận dụng nguồn vốn xã hội hóa để mua vật liệu đặt sẵn để sau này khi có các đường dây (cáp hoặc các đường dây khác) cần thì luồn qua để khỏi đào đường chứ không phải phục vụ cho dự án điện chiếu sáng. Sau khi người dân phản ánh về việc đường ống để trên đường gây mất mỹ quan, BQL đã tiến hành cắt ngắn lại như hiện tại trên nhiều đoạn đường”.
Những trả lời trên của ông Hải được nhiều ý kiến đánh giá chưa thỏa đáng. Những đường ống này có phải có ai đó lắp đặt sẵn để chờ dự án đường điện chiếu sáng sau này, hay là để luồn các đường dây như giải thích của Giám đốc BQL huyện Nghi Xuân? Việc lắp đặt đường ống nhựa dẫn qua các lối có đường giao nhau với đường dân sinh đã được các ngành chức năng đồng ý hay chưa, hay chỉ là việc làm tự ý của một đơn vị nào đó?
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.