Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2021 của một số đơn vị

(PLVN) -Bộ Tư pháp vừa ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2021 của một số đơn vị thuộc Bộ. 

Cụ thể, năm 2021, Cục Công nghệ thông tin tiếp tục vận hành, nâng cấp, mở rộng, phát triển, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng; triển khai mở rộng hệ thống nền tảng, kết nối chia sẻ dùng chung của Bộ; Đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng tại Trung tâm Dữ liệu điện tử của Bộ hoạt động ổn định, thông suốt. 

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các giải pháp cung cấp dịch vụ công mức độ 4 trên cơ sở đề xuất của các đơn vị nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hướng tới phát triển Chính phủ số; xây dựng các giải pháp sao lưu dữ liệu, chạy dự phòng cho các phần mềm ứng dụng.

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm và có hiệu quả các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (VBQPPL) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL (Luật năm 2020); tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 04/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Tổ chức tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật; hoàn thiện các tài liệu, sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng và ban hành VBQPPL; tiếp tục nâng cao chất lượng, tổ chức thẩm định hiệu quả các đề nghị xây dựng VBQPPL…

Cục Bồi thường nhà nước chú trọng công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả đối với các bộ, ngành, địa phương có phát sinh yêu cầu bồi thường; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho cá nhân và tổ chức. 

Theo dõi, rà soát, nắm bắt đầy đủ, toàn diện công tác bồi thường nhà nước, trong đó đảm bảo có giải pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn thuộc TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước, công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án hiệu lực, hiệu quả. 

Trong năm 2021, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục rà soát, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, với trọng tâm là số hóa công tác PBGDPL; tăng cường quản lý nhà nước về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; triển khai hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW, Luật PBGDPL, Luật Hòa giải ở cơ sở, quy định về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Quyết định số 1521/QĐ-TTg.

Tham mưu, triển khai thực hiện các giải pháp củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tiêu chí và nhiệm vụ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định mới tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sau khi được ban hành.

Cục Trợ giúp lý (TGPL) tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp xây dựng và triển khai hiệu quả chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn tới; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với Luật TGPL năm 2017. Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TGPL; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác TGPL trong toàn quốc, nhất là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng.

Năm 2021, Vụ Thi đua – Khen thưởng tiếp tục tham mưu thể chế hoá và tổ chức quản triệt, thực hiện kịp thời, đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của ngành Tư pháp về công tác thi đua, khen thưởng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành; tham mưu triển khai đổi mới nội dung, đảm bảo thực chất, hiệu quả các phong trào thi đua trong ngành Tư pháp phù hợp với chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ trong các phong trào thi đua gắn với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành.

Đồng thời tiếp tục tham mưu thực hiện tốt chính sách khen thưởng, đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; tham mưu kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Tư pháp; tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, công tác chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính của đơn vị. 

Vụ Hợp tác quốc tế trong năm 2021 tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 84/QĐ-TTg, Kết luận số 73-KL/TW, Quyết định số 686/QĐ-BTP ngày 30/11/2020; Tiếp tục chủ động, sáng tạo và có giải pháp phù hợp, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để triển khai hiệu quả các chương trình, thỏa thuận hợp tác đã ký với các đối tác quốc tế; Phát huy vai trò là thành viên tích cực trong các tổ chức quốc tế khu vực và toàn cầu về pháp luật và tư pháp mà Bộ Tư pháp được giao là cơ quan đầu mối.

Quản lý thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, phi dự án do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản; Thực hiện tốt thông tin đối ngoại nhằm hỗ trợ tích cực cho công tác đối ngoại, xây dựng hình ảnh và uy tín của Bộ, Ngành với các đối tác quốc tế; Củng cố, kiện toàn tổ chức và cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế của Bộ, trong đó trọng tâm là Vụ Hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (QLXLVPHC&TDTHPL) tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế về công tác QLXLVPHC%TDTHPL; theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp; chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Thực hiện nhiệm vụ cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật; tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính theo các nhiệm vụ được giao; tiếp tục triển khai thí điểm tập huấn chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính có thu phí.

Trong năm 2021, Cục Con nuôi tổ chức tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế; xây dựng, trình dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21/11/2011 về quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Nâng cao hiệu quả thi hành Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi.

Đọc thêm