Cần nhân rộng các mô hình sáng tạo trong phổ biến pháp luật vùng biên giới, hải đảo

(PLO) - Chiều qua (16/12), dưới sự chủ trì của Trung tướng, Thứ trưởng Lê Chiêm, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo (BGHĐ), giai đoạn 2013 - 2016” (gọi tắt là Đề án). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cùng đại diện nhiều bộ, ngành đã đến dự Hội nghị.
Cần nhân rộng các mô hình  sáng tạo trong phổ biến pháp luật  vùng biên giới, hải đảo

Xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo

Báo cáo kết quả Đề án, Trung tướng Phạm Huy Tập – Chính ủy Bộ đội Biên phòng cho biết, tuy thời gian thực hiện chỉ gần 3 năm (từ giữa năm 2014 đến hết năm 2016) song Đề án được triển khai nghiêm túc, toàn diện, được các bộ, ngành, địa phương kiểm tra nhận định đây là Đề án có hiệu quả thiết thực, tích cực, đạt được nội dung, mục tiêu đề ra, được cán bộ, nhân dân vùng BGHĐ cả nước ghi nhận, đánh giá. Các đồn biên phòng phối hợp với các xã, phường và các đơn vị quân đội ở khu vực BGHĐ thành lập 1.560 tổ tuyên truyền pháp luật. Ba năm qua tổ chức tuyên truyền được hơn 30,5 nghìn buổi, cho trên 613 nghìn lượt người. 

Thực tiễn đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo ở nhiều địa phương. Chẳng hạn, trong tổ chức Ngày Pháp luật và thi tìm hiểu pháp luật ở khu vực BGHĐ có cách làm “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh…

Từ việc phát huy hiệu quả các trung tâm tư vấn pháp luật, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và tổ hòa giải trong PBGDPL cho các đối tượng thì có chương trình “Phổ biến chính sách và tư vấn pháp luật”, tổ chức đội tàu thuyền bám biển vừa đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi…

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, PBGDPL đã được gắn với các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Nhiều mô hình tốt như “Ánh sáng an ninh”, “Làng văn hóa”, “Bản an toàn” của Bộ đội Biên phòng Sơn La, mô hình “Bốn giảm” của Bộ đội Biên phòng An Giang… đã có sức lan tỏa sâu rộng trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới, khiến tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, dòng họ ở các thôn, bản BGHĐ cơ bản được hòa giải ngay tại cơ sở, hạn chế việc tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự.

Đề xuất triển khai Đề án đến năm 2020

Tuy quá trình triển khai Đề án vẫn còn một số hạn chế nhưng trong bối cảnh hiện nay cần thiết phải tăng cường cả bề rộng lẫn chiều sâu của công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng BGHĐ. Vì vậy, Trung tướng Phạm Huy Tập cho biết, các đồn biên phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp, UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn đóng quân triển khai tốt các hình thức, biện pháp tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân.

Bộ Quốc phòng cũng đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đến năm 2020, góp phần cùng các ngành, các cấp, các địa phương xây dựng vùng BGHĐ vững mạnh, toàn diện, đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới, hội nhập của cả nước.

Qua theo dõi từ phía Bộ Tư pháp với tư cách cơ quan thường trực Hội đồng PBGDPL Trung ương, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao những kết quả cụ thể, tốt đẹp trong 3 năm thực hiện Đề án. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, Đề án có nhiều tác động tốt, nổi bật là kiến thức pháp luật, hiểu biết pháp luật của đồng bào khu vực BGHĐ, ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tinh thần tố giác tội phạm của người dân được nâng lên, đóng góp quan trọng vào công tác PBGDPL nói chung. Đáng chú ý là có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, nếu được nhân rộng sẽ càng phát huy hiệu quả của Đề án.

Hoan nghênh đề xuất của Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng đó là một hướng đi đúng và mong muốn Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cùng chung tiếng nói để báo cáo Chính phủ trong việc thực hiện tiếp tục các đề án về PBGDPL, trong đó có Đề án do Bộ Quốc phòng chủ trì.

Các ý kiến tham gia Hội nghị cũng kiến nghị cần thiết kéo dài Đề án đến năm 2020 vì tình hình các tuyến BGHĐ nước ta còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp trong khi đây là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh của cả nước. Một số đại biểu đề xuất Bộ Tư pháp làm tốt hơn nữa, điều phối giữa Đề án này với các đề án liên quan khác để địa phương thống nhất thực hiện, tránh chồng chéo các hoạt động PBGDPL…

Hội nghị đã đề xuất tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 13 tập thể và 19 cá nhân; công bố quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho 105 tập thể và 165 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Chiêm đề cao ý nghĩa quan trọng của Đề án đã tập trung vào các giải pháp nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng BGHĐ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Chiêm, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan, đơn vị để triển khai kịp thời Đề án; lồng ghép với các chương trình, đề án khác nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của Đề án; quan tâm đầu tư kinh phí ngân sách từ nguồn địa phương, đồng thời nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong các thôn, bản vùng BGHĐ...

Đọc thêm