Công tác hòa giải ở Hà Nội: Góp phần đem lại bình yên xóm làng

(PLVN) -Những năm qua công tác hòa giải ở Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, số việc hòa giải thành ngày càng tăng trong khi số phát sinh phải giải quyết ngày càng giảm, chính quyền các cấp cũng ngày càng quan tâm hơn đến công tác này.
Công tác hòa giải ở Hà Nội: Góp phần đem lại bình yên xóm làng

Theo đó, ở Hà Nội,  mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” có thể nói là điểm sáng trong công tác hòa giải nhiều năm trở lại đây. Với 5 tiêu chí tổ hòa giải 5 tốt đã phát huy tích cực vai trò trong cộng đồng dân cư, chỉ sau một thời gian số tổ hòa giải 5 tốt trên địa bàn ngày càng tăng đáng kể. Đến hết tháng 6/2020, Thành phố có 2.447/5.043 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 47,6%). Mô hình tổ hòa giải 5 tốt góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giảm mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; giải quyết các điểm nóng, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô.

Từ những kết quả đạt được trong việc xây dựng, thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” nêu trên, TP Hà Nội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên phạm vi toàn quốc. Hà Nội cũng kiến nghị ban hành tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở, có hình thức vinh danh, biểu dương đối với hòa giải viên tiêu biểu có thời gian công tác lâu năm, có nhiều thành tích đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Ngoài tổ hòa giải 5 tốt, công tác hòa giải cơ sở nói chung được TP quan tâm. Công tác hòa giải đạt được nhiều kết quả tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn TP trong năm 2018, 2019 tăng cao.

Đến nay, toàn Thành phố Hà Nội có 5.043 tổ hòa giải với tổng số 31.773 hòa giải viên. Toàn Thành phố đã tiếp nhận tổng số 4.596 vụ việc hòa giải (giảm 467 vụ việc so với cùng kỳ năm 2019), đã tiến hành hòa giải thành 5.615/4.370 vụ việc, đạt tỷ lệ 82,7%, 226 vụ việc đang tiến hành hòa giải. Các đơn vị tích cực triển khai thi hành Luật hòa giải ở cơ sở và có tỷ lệ hòa giải thành cao là: Đống Đa (96,3%); Long Biên (95,3%); Cầu Giây (94,9%); Thanh Xuân (93,3%); Mỹ Đức (90,2%); Bắc Từ Liêm (89,9%); Thanh Trì (88,9%); Hoàn Kiếm (88,69%); Hai Bà Trưng (87,1%); Hoàng Mai (85,83%); Nam

Từ Liêm (85,8%); Đông Anh (75,4%); Gia Lâm (84,7%).    

 Đội ngũ hòa giải viên được củng cố, kiện toàn, phát huy được năng lực, trách nhiệm, được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thường xuyên. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả. Công tác khen thưởng đối với đội ngũ hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở ngày càng được quan tâm. 

Kinh phí triển khai công tác hòa giải ở cơ sở cũng được quan tâm và tăng cường. Năm 2018, kinh phí hòa giải ở cơ sở cấp xã với khoảng 5,3 tỷ đồng, năm 2019 kinh phí hòa giải ở cơ sở cấp xã được quan tâm với khoảng 6.2 tỷ đồng, trong khi 3 năm từ năm 2014 đến năm 2016, tổng kinh phí hỗ trợ hòa giải cấp xã là 10 tỷ khoảng 3,3 tỷ đồng/01 năm.

Nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải, các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân, cũng như tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên trên địa bàn Thành phố, Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành các văn bản để thực hiện như văn bản hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải năm 2020, văn bản nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở đề tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn nội bộ trong Nhân dân; Quyết định công nhận đội ngũ tập huấn viên cấp thành phố, tập huấn viên cập huyện thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”. Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tu pháp phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về hòa giải cơ sở cho 05 đơn vị chỉ đạo điểm của Thành phố. Sở Tư pháp tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở tại UBND quận, huyện: Tây Hồ, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thường Tín, Mê Linh, Phúc Thọ.

Bên cạnh đó chuyên mục hòa giải ở cơ sở của Trang Thông tin tuyên truyền phố biến pháp luật của Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố đã đẩy mạnh đăng tải tin, bài viết về gương người tốt việc tốt trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, câu chuyện hòa giải trong thực tế cuộc sống góp phần nâng cao kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên và vị thế của hòa giải viên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đến nay đã đăng 259 tin, bài viết về hòa giải ở cơ sở. 

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy tính ưu việt của các mô hình PBGDPL hiệu quả, trong đó có tổ hòa giải 5 tốt, quan tâm kinh phí cũng như tạo cơ chế phối hợp tốt để mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Đọc thêm