Điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ giúp phòng ngừa tiêu cực trong thi hành án

(PLO) - Công tác điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức trong Hệ thống THADS thời gian qua đã góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng lĩnh vực công tác. Ngoài ra, công tác này còn giúp chủ động phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động THADS tại các địa phương. 
Điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ giúp phòng ngừa tiêu cực trong thi hành án

Thực hiện quy định của pháp luật về luân chuyển, điều động, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức nói chung và triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/BCS của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã quán triệt và chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương triển khai thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác hàng năm đối với công chức THADS.

Tính từ ngày 1/4/2014 đến ngày 31/3/2018, trong toàn Hệ thống THADS đã thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với 2.961 trường hợp. Trong đó, các cơ quan THADS địa phương thực hiện 2.950 trường hợp, Tổng cục THADS  thực hiện 11 trường hợp. Một số cơ quan THADS có số lượng công chức luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác lớn nhất trong cả nước là Cục THADS TP HCM, Long An, Hà Nội, Quảng Nam, Đồng Nai. 

Riêng với công tác luân chuyển, do đối tượng áp dụng chế độ này là công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và trong quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn nên số lượng công chức được luân chuyển trong toàn Hệ thống còn chiếm tỷ lệ hạn chế trong tổng số công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác. Cục THADS các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Đà Nẵng là những đơn vị thực hiện luân chuyển công chức nhiều nhất trong cả nước. 

Công tác luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với các công chức THADS hầu hết là không có thời hạn. Đối với biệt phái, các địa phương chủ yếu thực hiện biệt phái với thời hạn dưới 1 năm để đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc mang tính cấp bách hoặc nhiệm vụ đột xuất.

Nhìn chung, công tác luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác trong Hệ thống THADS đã đi vào nền nếp và đạt được các kết quả tích cực. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của các công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ của đơn vị. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ mới khi được luân chuyển, điều động, các công chức có cơ hội học hỏi thêm các kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết công việc ở các vị trí, điều kiện công tác khác nhau, góp phần đào tạo, bồi dưỡng công chức thi hành án một cách toàn diện.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn một bộ phận công chức chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của đơn vị. Đối với các công chức được luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí vẫn còn một số trường hợp ngại khó khăn, vất vả, xa gia đình hoặc có tâm lý làm việc tạm thời nên chưa thực sự tâm huyết đối với nhiệm vụ được giao.

Để nâng cao hiệu quả công tác luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác, các cơ quan THADS cần xác định công tác này là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm và coi đây là một trong các cơ chế để đào tạo, phát hiện các công chức có triển vọng, năng lực để đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với công chức THADS được luân chuyển, điều động, biệt phái để tạo tâm lý an tâm cho công chức khi thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, đối với việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác, cần tập trung triển khai thực hiện đối với cấp trưởng đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp cũng như nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định của Thông tư số 02/2017/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên quan đến việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác với cấp phó giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Đọc thêm