Dự án Luật Đấu giá tài sản: Vẫn băn khoăn về đấu giá nợ xấu

(PLO) - Tại buổi Tọa đàm cho ý kiến về dự án Luật Đấu giá tài sản do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (13/10), hầu hết các đại biểu tham dự tán thành với việc bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ này để thúc đẩy nhanh hơn việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn.
Đấu giá nợ xấu phải theo quy định chung- Ảnh MH
Đấu giá nợ xấu phải theo quy định chung- Ảnh MH

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội Khóa XIII, theo Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS)- dự án Luật đã bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Theo đó, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có thể bán đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ này theo hai hình thức: Ký hợp đồng dịch vụ ĐGTS với tổ chức ĐGTS để thực hiện hoặc tự công ty này tiến hành. Nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ này sẽ được bán đấu giá theo thủ tục rút gọn.

Việc niêm yết ĐGTS được thực hiện trước ít nhất 3 ngày với động sản (thông thường là 7 ngày), 5 ngày với bất động sản trước ngày mở cuộc đấu giá (thông thường là 15 ngày). Bên cạnh đó, ngoài 13 loại tài sản phải bán thông qua đấu giá được xác định trước đó, dự án Luật lần này đã bổ sung loại tài sản do pháp luật chuyên ngành quy định phải bán thông qua đấu giá. 

Nhất trí cao với việc đưa quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ này để thúc đẩy nhanh hơn việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, nhưng một số đại biểu băn khoăn về quy định chỉ đưa hai hình thức doanh nghiệp đấu giá tài sản là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh như dự thảo Luật, vì như vậy sẽ thu hẹp đối tượng so với các loại hình doanh nghiệp được luật chuyên ngành quy định.

Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 9 vừa qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt nhiều lưu ý về quy định đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Theo dự thảo Luật, việc xác định giá khởi điểm của tài sản là khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua phải được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó. Theo Điều 54 dự thảo, VAMC được tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản. Trong trường hợp VAMC tự đấu giá thì vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc được nêu tại luật này. Trong đó có nguyên tắc cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng cho rằng, hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về điều kiện với người tham gia đấu giá, nên các trung tâm và doanh nghiệp đấu giá đang rất lúng túng và khó xử lý với hiện tượng “cò” ĐGTS xuất hiện công khai tại phiên đấu giá, gây ảnh hưởng tới tính minh bạch và công bằng của hoạt động này. Khắc phục tình trạng này, một số ý kiến đề xuất, dự thảo Luật cần quy định theo hướng người tham gia đấu giá bắt buộc phải trả giá; đưa ra tỷ lệ tối thiểu của khoản tiền đặt trước tùy theo giá trị hàng hóa đấu giá...

Đọc thêm