Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS cần làm tốt từ khâu tiếp dân

(PLO) - Khiếu nại, tố cáo (KNTC) là quyền cơ bản của công dân, là công cụ pháp lý để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời đây còn là kênh thông tin khách quan phản ánh việc thực thi quyền lực của bộ máy nhà nước. Do đó, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan THADS để đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Có thể thấy, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã thực sự góp phần thể chế hóa công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, dần đưa công tác này đi vào nền nếp, thực hiện thống nhất và có hiệu quả.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và các Cục THADS địa phương đã ban hành Quy chế tiếp công dân và các văn bản chỉ đạo pháp luật về tiếp công dân. Chính vì vậy mà công tác này đã thu được những kết quả nhất định.

Tại các cơ quan THADS địa phương, công tác tiếp công dân đã được quan tâm, chú trọng từ khâu bố trí địa điểm, bố trí con người đến chấn chỉnh sai sót, đề ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác này. Nhiều cơ quan THADS tuy còn khó khăn về trụ sở, thiếu về biên chế, công việc quá tải nhưng vẫn chú trọng bố trí được địa điểm để tiếp dân. 

Phần lớn các cơ quan THADS đều chú trọng bố trí cán bộ có kinh nghiệm để làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC và đã xây dựng quy chế tiếp dân, bố trí lịch tiếp dân của lãnh đạo. Thông qua việc tiếp dân đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giúp người dân hiểu biết rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của mình, nhận thức đúng đắn hơn về chức năng, nhiệm vụ của chấp hành viên và công tác THADS.

Có nhiều trường hợp thông qua việc tiếp dân, cán bộ tận tình giải thích, đối thoại rõ ràng mà đương sự đã nhận thức rõ việc làm của cơ quan THADS nên đã tự nguyện rút đơn KNTC và hợp tác với cơ quan THADS để tổ chức thi hành án.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Một số vụ việc đã được các ngành, các cấp giải quyết đúng pháp luật nhưng do một số cơ chế, chính sách còn chưa đảm bảo được sự hài lòng giữa mục tiêu phát triển kinh tế với công bằng và an sinh xã hội nên người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Nhiều vụ việc tồn đọng nhiều năm, pháp luật điều chỉnh vấn đề đó đã có nhiều thay đổi nên khi giải quyết còn gặp nhiều khó khăn để đảm bảo tính hợp lý và hợp pháp.

Một số cơ quan THADS còn chưa thấy hết được ý nghĩa quan trọng của công tác này, vẫn còn cách hiểu và thực hiện những quy định của pháp luật chưa thống nhất. Việc bố trí cán bộ tiếp công dân đôi khi chưa đảm bảo về chất lượng, thiếu am hiểu về chính sách, pháp luật, một số nơi có thái độ tiếp dân chưa đúng mực. Việc tổ chức tiếp dân để giải quyết KNTC đôi lúc còn chưa chu đáo, sổ sách ghi chép, biên nhận hồ sơ, tài liệu do người đến KNTC cung cấp không đầy đủ, thậm chí còn tình trạng để thất lạc hồ sơ, tài liệu của người dân.

Do vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả tiếp công dân, giải quyết KNTC và không làm phát sinh các KNTC mới, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết KNTC trong THADS gắn với hoàn thiện thể chế về công tác THADS và đổi mới quy trình giải quyết KNTC.

Trong quy trình giải quyết KNTC, phải chú trọng ngay từ khâu tiếp công dân để tiếp nhận đơn thư. Quá trình giải quyết KNTC phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục luật định, nhất là tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người KNTC, người bị KNTC. 

Người làm công tác giải quyết KNTC phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ khách quan, làm cơ sở cho việc kết luận, từ đó ra quyết định giải quyết KNTC phù hợp. Đồng thời, cần làm rõ nguyên nhân phát sinh KNTC để có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức do thiếu trách nhiệm gây nên KNTC cũng như thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết KNTC.

Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của Thủ trưởng và công chức các cơ quan THADS về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tiếp dân, giải quyết KNTC nói chung, giải quyết KNTC trong THADS nói riêng. Thủ trưởng cơ quan THADS cần trực tiếp phụ trách công tác giải quyết KNTC và trực tiếp tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật.

Cán bộ tiếp dân phải có đủ kỹ năng và kiên trì giải thích cho người KNTC biết quyền và nghĩa vụ của đương sự; trách nhiệm của cơ quan THADS trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp cho Thủ trưởng, chấp hành viên THADS và đặc biệt là đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu giải quyết KNTC cần được thực hiện thường xuyên và hiệu quả.

Đọc thêm