Kinh nghiệm thi hành án lớn,phức tạp từ TP.Hồ Chí Minh

(PLO) - Là địa bàn có lượng án phải giải quyết lớn nhất cả nước (số việc thường chiếm khoảng 1/7 và số tiền thường chiếm khoảng 1/3 trong tổng số phải thụ lý chung của cả nước); trong đó có nhiều vụ án lớn, phức tạp song bằng nhiều giải pháp, các cơ quan thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Kinh nghiệm thi hành án lớn,phức tạp từ TP.Hồ Chí Minh
Tránh tình trạng “dựa” vào cấp trên
Báo cáo của Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM cho biết, năm 2014 thành phố đã giải quyết xong 59.170 việc (tăng 4.062 việc so với năm 2013), đạt tỷ lệ 88,67% số việc có điều kiện giải quyết.Về tiền, đã giải quyết xong 12.100 tỷ đồng (tăng 2.285 tỷ đồng so với năm 2013), đạt tỷ lệ 79,50% số tiền có điều kiện giải quyết.
Ngoài số lượng án nhiều, TP.HCM cũng là địa bàn điển hình về các vụ án lớn, trong đó có rất nhiều vụ việc đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương như: Vụ Epco Minh Phụng, vụ Ngân hàng Việt Hoa, vụ Trần Văn Giao, vụ Tamexco, vụ Công ty Cho thuê tài chính II... 
Nói về kinh nghiệm giải quyết các vụ việc này, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Lực chia sẻ: Khi tiếp nhận vụ việc, lãnh đạo cơ quan THADS phải xác định và phân định đúng những vấn đề khó khăn, phức tạp để phân công Chấp hành viên có năng lực, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm tổ chức thi hành. Đối với những vụ việc lớn, phức tạp thì cần phải thành lập tổ, nhóm tổ chức thi hành án do một đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, cũng theo Cục trưởng Nguyễn Văn Lực, phải xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó phải dự báo và chuẩn bị các điều kiện cần thiết (nhân sự, phương tiện, kinh phí...) đảm bảo đáp ứng kịp thời những yêu cầu để tổ chức thi hành án. Lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, tiến độ giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành. 
Trong công tác chỉ đạo cần có biện pháp chỉ đạo phù hợp, quyết liệt để thúc đẩy quá trình giải quyết được nhanh chóng, dứt điểm, nhưng cũng phải tránh tình trạng để cấp dưới, Chấp hành viên ỷ lại, dựa dẫm vào chỉ đạo của cấp trên, thiếu chủ động trong giải quyết công việc.
Đồng thời, thường xuyên tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS và lãnh đạo cấp trên; phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy có hiệu quả sự phối hợp liên ngành, nhất là các ngành trong Khối Nội chính để giải quyết các vấn đề phát sinh. Đối với những vụ việc đặc biệt lớn, phức tạp, phải đề xuất cấp trên thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thi hành để bám sát chỉ đạo của cấp trên và huy động sức mạnh tập thể trong quá trình tổ chức thi hành án.
Chuẩn bị thi hành vụ Huyền Như
“THADS là khâu quan trọng, đảm bảo cho các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực được thi hành trên thực tế. Kết quả của hoạt động THADS cao hay thấp không những ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan thi hành án, hệ thống cơ quan tư pháp mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, chính quyền, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Do đó, việc giải quyết tốt, dứt điểm những vụ việc thi hành án nói chung và những vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp nói riêng là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra cho cả hệ thống cơ quan THADS và cho mỗi Chấp hành viên” - Cục trưởng Nguyễn Văn Lực nói và nhấn mạnh: “Giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp trong THADS không chỉ là nhiệm vụ của Chấp hành viên trực tiếp thụ lý hồ sơ mà nó còn là trách nhiệm của cả cơ quan THADS và người đứng đầu là Thủ trưởng cơ quan. Đặc biệt, đối với những vụ án phức tạp và đặc biệt lớn thì còn có cả trách nhiệm của các Bộ, ban ngành và cấp lãnh đạo cao hơn”
Năm 2015, THADS TP.HCM xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ là tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc thi hành án có giá trị đặc biệt lớn, phức tạp, kéo dài, đồng thời chuẩn bị kế hoạch tiếp nhận và khẩn trương tổ chức thi hành các vụ án: Công ty Cho thuê tài chính II, Huỳnh Thị Huyền Như... 
Những năm gần đây, số lượng việc, tiền thụ lý thi hành tại TP.HCM tăng đột biến, đặc biệt là số tiền phải thi hành án, cụ thể: Tổng số việc, tiền ngành THADS thành phố thụ lý thi hành năm 2012 là 76.566 việc và 16.697 tỷ đồng; năm 2013 là 81.273 việc và 25.182 tỷ đồng; năm 2014 là 89.315 việc và 32.460 tỷ đồng (số tiền thi hành án năm 2014 đã tăng gấp đôi so với năm 2012). 
Năm 2014, tình hình kinh tế của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng tuy có chuyển biến tích cực nhưng hậu quả của suy giảm kinh tế từ những năm trước vẫn tiếp tục tác động, gây khó khăn cho công tác THADS.Trước yêu cầu của việc thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu THADS theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội, ngành THADS thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong tất cả các mặt công tác.

Đọc thêm