Người làm công tác thi hành án phải có Tâm

(PLO) - “Đã là một cán bộ hay chấp hành viên (CHV) làm công tác thi hành án dân sự (THADS) thì không được vô cảm, tức phải có Tâm, chứ không phải bất chấp mọi cái để làm cho được việc…”. Đó là tâm sự của ông Lê Đông Hải – Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thừa Thiên Huế.
Người làm công tác thi hành án phải có Tâm

Từ Phó Bí thư huyện tới Cục trưởng THADS

Sau gần hai năm gắn bó công tác đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, đến tháng 10/2010 ông Lê Đông Hải được điều động và bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiền thân là một cán bộ quản lý thuộc khối cơ quan nội chính, từ chỗ một người làm công tác đảng bước sang một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Thế nhưng, bằng nỗ lực và trái tim yêu nghề, ông đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng cán bộ, CHV cũng như bao người dân trên địa bàn tỉnh.

Dù thâm niên trong nghề chưa lâu nhưng Cục trưởng Lê Đông Hải được nhiều cán bộ, CHV nhận xét là “một cán bộ mẫu mực, luôn hết lòng vì công việc và đặc biệt Cục trưởng là người có tâm luôn hướng về sự công bằng, đúng đắn”.

Nhớ lại những ngày đầu mới vào ngành, Cục trưởng chia sẻ: “Những ngày đầu, do chưa am hiểu công việc cũng như chưa nắm rõ được quy trình, trình tự, thủ tục để tiến hành một vụ việc cưỡng chế THA nên cũng lúng túng, khó khăn khi phải đưa ra những quyết định để giải quyết các vụ việc. Tuy nhiên, nhờ những kinh nghiệm trong công tác quản lý trước đây nên tôi đã biết lắng nghe, phân tích đánh giá các ý kiến đóng góp của các phòng chuyên môn, đặc biệt là các đồng chí CHV trực tiếp thụ lý hồ sơ. Từ đó để đưa ra những quyết định chính xác của vụ việc”.

Tuy đảm nhiệm trọng trách công tác THA chưa lâu nhưng ông hoàn toàn không yếu nghề, non tay. Trong suốt 06 năm qua, ông luôn được đánh giá là một cán bộ năng động, đưa ra được nhiều ý tưởng hay và khả thi để đưa Cục THADS tỉnh ngày một đi lên. Những hành động mạnh mẽ của ông lúc đó là nền tảng, là tiền đề cho hướng phát triển trong tương lai của THADS tỉnh.

Một  trong những kỷ niệm với ông đó là vụ việc cưỡng chế tại số nhà 25 đường Cao Bá Quát  (TP Huế), kéo dài từ năm 1991 đến năm 2010. Đây là một trong những vụ cưỡng chế khó khăn lúc đó vì áp lực từ rất nhiều phía. Ông nhớ lại: “Ngày đó, mới bước chân vào nghề THA lại bắt đầu bằng vụ việc phức tạp, mình là cán bộ đứng đầu đơn vị bắt buộc phải đưa ra những quyết định đúng đắn sao cho hợp tình, hợp lý và đúng với pháp luật.  Lúc đó, tôi phải dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ việc, đưa ra nhiều giả thuyết, tình huống có thể xảy ra… Rồi bằng kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác và sự quyết tâm, tích cực, nhiệt tình của CHV thụ lý hồ sơ nên vụ cưỡng chế đã đạt được kết quả như mong muốn, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật”.

Một người có năng lực lãnh đạo thì trước hết phải biết làm yên lòng người. Cùng với đó là củng cố tư tưởng, động viên, khích lệ anh em, tăng tính đoàn kết nội bộ và tạo môi trường làm việc tốt…Với nhiệm vụ, quyền hạn là Cục trưởng, ông luôn tiên phong, gương mẫu chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, trong quá trình lãnh đạo, công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật được Cục trưởng xem như là công cụ quản lý vĩ mô vô cùng quan trọng để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác THADS trên địa bàn toàn tỉnh.

Cái “duyên” với nghề

Với Cục trưởng Lê Đông Hải, một cán bộ làm công tác THA thì trước hết cần thực hiện tốt công tác vận động, giáo dục, thuyết phục người phải THA tự nguyện chấp hành nghĩa vụ của mình đúng theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đây là một biện pháp hết sức có ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc, nếu làm tốt công tác này sẽ giúp cho công tác đạt hiệu quả cao. “Để thành công cần nhiều yếu tố nhưng với tôi trước hết phải yêu nghề mới có thể gắn bó lâu dài và đưa ta tới những gì mình mong đợi. Trước đây, tôi không theo đuổi sự nghiệp THA, thế nhưng cái “duyên” đã đưa tôi đến với nghề gần 06 năm nay” – Cục trưởng tâm sự.

Khi được hỏi về kinh nghiệm THADS, ông chia sẻ: Công tác THADS ngày càng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Điều này cho thấy vị trí, vai trò của công tác này ngày càng được nhìn nhận đầy đủ hơn, toàn diện hơn và chính xác hơn, với mục đích nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước trong công tác THADS, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội ở địa phương và trong toàn quốc. Để công tác THADS ngày càng đạt kết quả cao rất cần có các giải pháp, kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức thi hành các vụ việc.

Tự hào về những thành tích mà toàn ngành đạt được trong năm qua, Cục trưởng vẫn e ngại vì “những kết quả đó cao bằng các tỉnh khác”. Bản thân ông cũng như toàn thể cán bộ, CHV trong đơn vị cần phấn đấu hơn nữa để có thể thụ lý, giải quyết nhiều vụ việc mang lại sự công bằng cho người bị hại. Với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của tất cả các anh em trong ngành, năm 2015 toàn ngành đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu được Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giao. Trong 4 năm liền ông Lê Đông Hải đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở của Tổng cục THADS và Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp. Đặc biệt năm 2015, ông vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Đọc thêm