Nữ cán bộ thi hành án vượt lên số phận

(PLO) - “Họa vô đơn chí”– câu đúc kết đó đang ngày ngày đè nặng trên đôi vai mảnh dẻ của Lê Thị Thúy Thương – nữ cán bộ Chi Cục Thi hành án dân sự thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Nghe câu chuyện của chị, nước mắt của nhiều người đã rơi…
Thương mơ ước ba thiên thần đáng yêu của mình được sung sướng như nhiều đứa trẻ khác xúng xính với quần áo mới, đồ chơi.
Thương mơ ước ba thiên thần đáng yêu của mình được sung sướng như nhiều đứa trẻ khác xúng xính với quần áo mới, đồ chơi.

Hành trình tìm con và nỗi lo nợ nần đè nặng

Sinh năm 1980, ngày lấy chồng, cũng như nhiều cô gái khác Thương mơ về một gia đình vẹn tròn hạnh phúc, dẫu cho cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng rồi, niềm mơ ước ấy cứ mòn dần, mòn dần theo thời gian khi một năm, hai năm, rồi ba, bốn năm hai vợ chồng Thương chờ mãi vẫn không thấy tin vui. Đôi vợ chồng trẻ mới ngày nào ríu rít như chim cu, giờ lặng lẽ vào ra nhìn nhau buồn thấu ruột. Kèm theo đó là tiếng chép miệng thở dài của những người già đôi bên gia đình nội ngoại.

Đến năm thứ bảy thì vợ chồng Thương quyết định nhờ đến kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì chồng Thương đã khá lớn tuổi, dù rằng tiền bạc dành dụm của hai vợ chồng lúc đó cũng chưa nhiều nhặn gì với đồng lương của một nữ cán sự như Thương và lương công nhân công ty xi măng của chồng. “Vợ chồng em đã dành được một ít, thêm chút hỗ trợ của hai bên ông bà, nghĩ cũng tạm đủ. Nào ngờ…” – Thương kể lại.

Đến giờ Thương vẫn còn nhớ như in cái ngày mà bác sĩ thông báo có 3 hài nhi đã tượng hình trong bụng cô. Hai vợ chồng mừng mừng tủi tủi ôm lấy nhau chia vui, nhưng trong lòng cũng ngổn ngang nỗi lo lắng vì sức khỏe của Thương khi mang thai không tốt bắt buộc phải nằm viện dài ngày.

Thêm vào đó, Thương lại thuộc nhóm máu hiếm Rh - (những người có nhóm máu Rh- ở Việt Nam thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm trong 10.000 người mới có 4-7 người mang nhóm máu Rh-.Trong cuộc sống, những người có nhóm máu hiếm Rh- có khả năng gặp rủi ro cao hơn những người có nhóm máu khác, đặc biệt là với phụ nữ mang thai - PV). 

3 đứa con của Thương lúc còn nhỏ.
3 đứa con của Thương lúc còn nhỏ.

Những đặc thù về sức khỏe đó đã khiến cho số tiền ca hỗ trợ sinh sản đội lên đến con số nửa tỷ đồng, nằm ngoài tính toán và khả năng chi trả của của hai vợ chồng. “Hành trình có con của chúng em thật không thể quên vì chúng em phải đi vay mượn khắp nơi từ hai bên nội ngoại cho tới họ hàng, bạn bè. May mà mọi người thương sẵn sàng cho vay” – Thương cho biết.

Có lẽ bên cạnh lý do sức khỏe, vì Thương lo lắng và suy nghĩ nhiều quá nên ba đứa trẻ hai gái một trai  sinh thiếu tháng. Khi sinh ra đời tổng trọng lượng của cả ba chỉ vỏn vẹn có 5kg. Nuôi ba đứa trẻ sinh thiếu tháng là cả một chuỗi ngày vất vả, khổ sở của cả hai vợ chồng. Hoàng Anh, Ngọc Anh, Châu Anh (tên ba đứa trẻ) thường xuyên ốm đau cùng lúc, mẹ yếu sức mất sữa nên ba bé phải ăn sữa ngoài toàn bộ.

“Đã vay mượn quá nhiều trong thời gian mang thai, nợ vẫn chưa trả hết nên vợ chồng em không dám nhờ người trông, cứ thay phiên nhau vừa đi làm vừa trông con với sự hỗ trợ của ông bà hai bên thôi. Sữa cũng chỉ dám cho con ăn loại rẻ nhất mà mỗi tháng đã mất gần 5 triệu tiền sữa rồi ” – Thương kể. 

Gánh nặng cuộc đời trên đôi vai gầy

Như bù lại nỗi vất vả của cha mẹ, ba đứa trẻ Hoàng Anh, Ngọc Anh, Châu Anh càng lớn càng khôi ngô, xinh đẹp. Vào lớp 1, ba chị em được học chung một lớp, chị em như thể chân tay thế nhưng mỗi khi cơn nghịch ngợm nổi lên là cậu bé Hoàng Anh lại bắt nạt hai chị, làm mẹ Thương không ít lần phải đóng vai quan tòa phân xử.

“Cuộc sống rất khó khăn, nợ vay ngày nào vẫn chưa trả hết, nhưng nhìn con khôn lớn từng ngày chúng em vui lắm, quên cả vất vả. Thế mà bất hạnh dường như vẫn chưa buông tha em” – Thương rơm rớm nước mắt.

Năm 2012, tin dữ ập đến với gia đình khi anh Dũng chồng Thương bị tai nạn giao thông gãy cột sống, đứt tủy. Cũng từ đó, cuộc sống của người chồng Thương gắn liền với chiếc giường bệnh. Anh không thể ngồi dậy, không tự chủ vệ sinh vì nửa dưới cơ thể đã hoàn toàn bị liệt do đứt tủy. Tuy nhiên, vì sự việc xảy ra ngoài giờ làm việc nên anh không được cơ quan hỗ trợ gì, ngoài số tiền mỗi tháng 720 nghìn đồng tiền người khuyết tật từ địa phương. 

Ba cháu Hoàng Anh, Ngọc Anh, Châu Anh đều lớn lên khỏe mạnh trong tình yêu thương của Thương và gia đình.
Ba cháu Hoàng Anh, Ngọc Anh, Châu Anh đều lớn lên khỏe mạnh trong tình yêu thương của Thương và gia đình.

Nhưng tai ương nào đã dừng lại ở đấy, ông bà nội ngoại - những người xưa nay vẫn là chỗ dựa vững chắc cả về vật chất tinh thần cho vợ chồng Thương cũng bỗng dưng đổ bệnh. Hiện mẹ chồng Thương bị ung thư đại tràng đang điều trị ở bệnh viện Huế, mẹ đẻ bị liệt chân không đi lại được, hai ông bố đẻ, bố chồng thì thay nhay đau yếu, ngã gãy xương.

“Có những lúc em tưởng mình như không thể vượt qua được, đành đầu hàng thôi. Nhưng rồi nhìn ba đứa trẻ, chúng có tội tình gì đâu, để tự bắt mình phải cố gắng. Anh Dũng nằm liệt một chỗ thương vợ nhưng đành chịu, chỉ biết cầm tay em rưng rưng động viên” – Thương kể.

Điều Thương không muốn nói ra là do nằm quá lâu ngày (bị tai nạn từ năm 2012, đến nay anh Dũng chồng Thương đã nằm một chỗ gần 5 năm, do nằm lâu ngày cơ thể đã lở loét hết nên mỗi năm phải anh Dũng phải có 8 tháng nhập viện để chữa trị các chỗ lở loét, hoại tử gây sốt cao, co giật) nên tính tình người chồng rất bẳn gắt, khó chiều. Lắm khi Thương trào nước mắt vì vất vả, vì sự khó tính của chồng nên đành nín nhịn vì hiểu thực ra anh không muốn thế, chỉ vì bệnh tật đã khiến anh ra nông nỗi này. 

Sau khi chồng bị tai nạn, cả nhà Thương chuyển về huyện Vĩnh Linh nhà chồng để tiện bề chăm sóc. Thế nên, mỗi ngày đi làm ở Chi Cục Thi hành án TP Đông Hà là mỗi ngày Thương vượt chặng đường hơn 7 chục cây số đi về bằng xe máy.

Lương tháng của Thương hiện nay 4 triệu, thêm 720 nghìn đồng tiền người khuyết tật hàng tháng của chồng, “dù rằng gia đình có tiêu chuẩn hộ nghèo các con đã được miễn học phí, những vẫn còn rất nhiều khoản khác như sách vở, quần áo, thực ăn, sữa, thuốc men ốm đau nên số tiền đó chỉ để dành lo cho trẻ con, còn vợ chồng em vườn nhà có gì ăn nấy, không dám mua sắm, bồi dưỡng thêm chi” – Thương cho biết.

Ngày 4/7 vừa qua,  trong khuôn khổ chuyến công tác xã hội thường niên của báo  với tên gọi “Tri ân tháng 7 miền Trung”  hưởng ứng 70 năm kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thi hành án Dân sự, Báo Pháp luật Việt Nam đã trao tặng Mái ấm Tư pháp cho Lê Thị Thúy Thương để phần nào chia sẻ những khó khăn mà chị đang đối mặt.

“Mơ vậy thôi chứ em biết rằng khó lắm”

Thương mơ ước một ngày nào đó tất cả những người thân yêu của mình nhờ phép màu mà khỏi bệnh tật, để ba thiên thần đáng yêu của mình được sung sướng như nhiều đứa trẻ khác xúng xính với quần áo mới, đồ chơi, mơ ước bản thân có cơ hội phấn đấu trở thành chấp hành viên… “Mơ vậy thôi chứ em biết rằng khó lắm chị ơi, gia cảnh thế này sao đổi khác được. 15 năm công tác trong ngành thi hành án, mặc dù em đã hoàn thành bằng cử nhân luật, các anh chị ở cơ quan đều thương yêu tạo điều kiện, nhưng một năm chồng em có đến 8 tháng nằm viện, con còn nhỏ dại thì em làm gì còn thời gian, cơ hội để phấn đấu” – nghe Thương tâm sự nỗi niềm ngậm ngùi “chia tay” với ước mơ của mình khi tuổi đời còn rất trẻ, mắt tôi ướt tự lúc nào vì thương cảm cho một phận đời…

Đọc thêm