Những điểm mới trong quy định về “Quyền sở hữu và các vật quyền khác”

(PLO) - Về hình thức sở hữu, Dự thảo Bộ luật quy định hình thức sở hữu trong BLDS bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. 
Mục tiêu của Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi là xây dựng BLDS thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,  ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế, xã hội sau khi Hiến pháp được ban hành. 
Chính vì vậy, trong Phần 2 “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” từ Điều 181 đến Điều 303, Dự thảo BLDS sửa đổi cũng có nhiều quy định mới so với BLDS hiện hành. 
Phần “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” quy định về căn cứ xác lập và thời điểm xác lập quyền sở hữu, các vật quyền khác; bảo vệ, hạn chế quyền sở hữu và các vật quyền khác; chiếm hữu, quyền sở hữu và các vật quyền khác (như quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên). 
Trong đó, về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, Dự thảo Bộ luật quy định quyền sở hữu và các vật quyền khác được xác lập kể từ thời điểm chuyển giao vật, tức là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trực tiếp nắm giữ, chi phối vật, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác. Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. 
Về chiếm hữu, Dự thảo Bộ luật quy định người chiếm hữu tài sản được suy đoán là ngay tình. Người nào cho rằng người chiếm hữu là không ngay tình thì phải chứng minh. Trường hợp một người nào đó có yêu cầu về quyền sở hữu đối với tài sản đang do người khác chiếm hữu thì Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác chỉ thụ lý giải quyết vụ, việc với điều kiện người đó đã chấm dứt hành vi vi phạm quyền của người chiếm hữu và khôi phục lại tình trạng ban đầu (nếu có). 
Về hình thức sở hữu, Dự thảo Bộ luật quy định hình thức sở hữu trong BLDS bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. 
Về các vật quyền khác, Dự thảo Bộ luật quy định một số quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản (vật quyền khác) như: quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên và các vật quyền khác được quy định trong các luật có liên quan. Các quyền này được xác lập trong trường hợp Hiến pháp, Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định. 
(Còn tiếp)

Đọc thêm