Nỗ lực tạo cơ chế khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại

(PLO) - Mở rộng phạm vi, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan bồi thường nhà nước trong việc khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại… là những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Chấn là một trong những người được bồi thường do oan sai trong tố tụng hình sự.
Ông Nguyễn Thanh Chấn là một trong những người được bồi thường do oan sai trong tố tụng hình sự.

Một trong những điểm bất cập sau thời gian thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) là trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường trong Luật chưa quy định đầy đủ, thủ tục hành chính rườm rà, thời hạn giải quyết không còn phù hợp với thực tế. Đặc biệt, chưa có quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong việc khôi phục danh dự, xin lỗi, cải chính công khai, đăng báo. 

Vì vậy, việc giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường còn kéo dài; việc khôi phục danh dự, xin lỗi, cải chính công khai, đăng báo của cơ quan có trách nhiệm bồi thường đối với người bị thiệt hại thực hiện chưa thống nhất, có khi được thực hiện qua loa, chiếu lệ gây bức xúc cho người bị thiệt hại và xã hội.

Xác định việc khôi phục danh dự, uy tín cho người bị thiệt hại là vấn đề quan trọng, Dự thảo Luật TNBTCNN đã có những quy định mới, rõ ràng, khả thi hơn về vấn đề này. 

Theo đó, mở rộng phạm vi khôi phục danh dự (không chỉ đối với cá nhân người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự mà cả đối với pháp nhân thương mại là người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự và người bị thiệt hại là ngườibị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc và đưa vào trường giáo dưỡng); dự thảo cũng quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại. 

Hơn nữa, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan giải quyết bồi thường phải bố trí địa điểm thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai; cử đại diện lãnh đạo tham gia buổi xin lỗi cũng như phải mời người bị thiệt hại, những người liên quan và cả cơ quan báo chí tham dự.

Bên cạnh đó, dự thảo phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường và cơ quan gây thiệt hại, theo đó, cơ quan giải quyết bồi thường được xác định là cơ quan chủ trì tổ chức việc xin lỗi, cải chính công khai, trong khi đó, cơ quan gây thiệt hại là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong việc nói lời xin lỗi tại buổi xin lỗi trực tiếp và phải thực hiện việc đăng báo, cải chính công khai.

Về hình thức khôi phục danh dự, uy tín, dự thảo Luật tiếp tục giữ quy định như Luật TNBTCNN 2009, theo đó, bao gồm hai hình thức là tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi, cải chính công khai. 

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm chủ trì tổ chức của cơ quan giải quyết bồi thường, trách nhiệm phối hợp của cơ quan gây thiệt hại và cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động cụ thể tại buổi xin lỗi trực tiếp. 

Đối với việc đăng báo, cải chính công khai, dự thảo Luật quy định trách nhiệm này thuộc về cơ quan gây thiệt hại.

Những quy định mới của dự thảo Luật TNBTCNN nếu được thông qua sẽ hoàn thiện các quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết bồi thường, tạo nên một cơ chế giải quyết bồi thường hợp lý, hiệu quả bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đọc thêm