Phải có giải pháp bảo đảm hiệu quả của hoạt động thanh tra chuyên ngành

(PLO) - Qua gần 3 năm thực hiện Quyết định số 3275/QĐ-BTP ngày 8/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 2 đơn vị Cục được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thanh tra Bộ Tư pháp, việc thanh tra chuyên ngành mới dừng lại ở kiến nghị, đề xuất, rút kinh nghiệm, chưa có hình thức xử lý đối với những vi phạm.
Buổi kiểm tra thực hiện Kết luận số 1743 tại Chương Mỹ của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực.
Buổi kiểm tra thực hiện Kết luận số 1743 tại Chương Mỹ của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực.

Chưa có trường hợp nào phải xử phạt hành chính

Là đơn vị hiện đang quản lý nhà nước tới 9 lĩnh vực, Cục Bổ trợ tư pháp cũng được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tại Quyết định số 3275. Trong 3 năm thực hiện chức năng này, Cục tiến hành được 7 cuộc thanh tra chuyên ngành. Đúng như đánh giá của Thanh tra Bộ là chưa xử phạt vi phạm hành chính với trường hợp nào nhưng Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Vũ Văn Đoàn nhận thấy đã có chuyển biến nhất định qua công tác thanh tra như các cơ quan, tổ chức được thanh tra và các cơ quan, tổ chức khác nghiêm túc hơn trong tuân thủ quy định pháp luật; cơ quan, tổ chức được thanh tra đã được chấn chỉnh để có giải pháp sửa chữa sai sót của mình.

Về phía cơ quan quản lý thì kịp thời phát hiện những bất cập trong các quy định pháp luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đồng tình với ông Đoàn, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Thanh Hải – đơn vị thứ 2 của Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cũng cho biết: Qua công tác thanh tra chuyên ngành, Cục đã kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm của các đơn vị được thanh tra và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị là đối tượng thanh tra nghiêm túc rút kinh nghiệm, xử lý và khắc phục những sai sót, vi phạm đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra. Về kết quả hoạt động, ông Hải thông tin, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 26/6/2017, Cục đã tổ chức 10 đoàn thanh tra chuyên ngành, 3 đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Trong quý III/2017, Cục sẽ hoàn thành việc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch thanh tra năm 2017.

Có thể thấy rằng, công tác thanh tra chuyên ngành đã được 2 đơn vị triển khai một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra. Trình tự, thủ tục thanh tra được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và phát huy tác dụng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực được Lãnh đạo Bộ phân công quản lý. 

Chậm thực hiện kiến nghị nhưng chưa có cách xử lý

Tuy nhiên, do đây là nhiệm vụ mới, chưa có bộ phận chuyên trách thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra vẫn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác; kinh phí được cấp phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành chưa nhiều nên công tác thanh tra chuyên ngành vẫn còn những hạn chế nhất định. Qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực còn phát hiện thực trạng một số thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chưa nhận thức đúng đắn về công tác thanh tra chuyên ngành; chưa thực sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các kiến nghị theo kết luận thanh tra, nhất là việc xử lý cán bộ có vi phạm được phát hiện.

Vì thế, việc thực hiện kiến nghị theo kết luận thanh tra tại một số đơn vị là đối tượng thanh tra chưa thật sự nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang, thực hiện chiếu lệ, chung chung. Ông Hải dẫn chứng về thanh tra tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Cục đã phát hiện loạt sai phạm và đã kiến nghị xử lý nhưng đến ngày 24/7 vừa qua Cục vẫn chưa được báo cáo “hồi âm số phận” hàng loạt hồ sơ chứng thực.

Trước đó, theo Kết luận thanh tra số 1743 ngày 30/12/2016, từ ngày 10/4/2015 đến ngày 31/8/2016, Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ chứng thực trên 29 nghìn hồ sơ yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch, chủ yếu từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài để sử dụng ở nước ngoài.

“Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ đã không tuân thủ nghiêm túc quy định về lưu trữ hồ sơ chứng thực chữ ký của người dịch (trong thời hạn 2 năm) dẫn đến hậu quả không có căn cứ để xác định tính chính xác của chữ ký người dịch, tính hợp pháp của việc chứng thực chữ ký người dịch tại Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ đối với số lượng lớn hồ sơ” - Kết luận thanh tra chỉ ra và yêu cầu báo cáo kết quả liên quan đến việc xử lý, kiểm điểm, khắc phục sai sót, vi phạm trước ngày 30/1/2017.

Do vậy, để nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra chuyên ngành và việc bảo đảm thực hiện kết luận thanh tra, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đề xuất tăng mức kinh phí hỗ trợ đối với người được giao nhiệm vụ thanh tra, có chính sách đãi ngộ thích đáng và trang bị đầy đủ phương tiện làm việc cần thiết cho công chức được giao thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành… Đặc biệt, cần rà soát, hoàn thiện quy định về trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra của các đơn vị là đối tượng thanh tra và các đơn vị liên quan theo hướng chặt chẽ hơn nữa để hoạt động thanh tra chuyên ngành được hiệu quả, thực chất.

Bên cạnh các đề xuất tương tự như trên, ông Đoàn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng xác định rõ những cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ở cấp Trung ương, cấp địa phương. Đồng thời xác định rõ tiêu chí để giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan cần thiết; đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành phải phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc thù của mỗi bộ, ngành. 

Đọc thêm