Phòng, chống tiêu cực phải từ “gốc” nhận thức

(PLO) - Đó là khẳng định LS. TS. Đỗ Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam - khi trao đổi với Pháp luật Việt Nam về những giải pháp để phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp và LS. Hiện Đề án đang được Liên đoàn LS Việt Nam trình Ban Cải cách Tư pháp Trung ương cho ý kiến trước khi thông qua. 
LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh. Ảnh: H.G
LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh. Ảnh: H.G
Ông có thể cho biết những kỳ vọng của Liên đoàn đối với Đề án này?
-Môi trường hành nghề của LS có nhiều điều kiện để phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Thực tế, thời gian qua, trong hoạt động LS đã xảy ra không ít tiêu cực, từ vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến vi phạm pháp luật hình sự, tiếp tay cho tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp. Từ năm 2009 đến hết năm 2013 có 277 trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với LS, chúng tôi đã kỷ luật hình thức cao nhất là xóa tên khỏi Đoàn LS đối với 20 LS. Một phần do các khiếu nại, tố cáo không đủ cơ sở, chứng cứ để chuyển sang xử lý hình sự và nhiều trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp chỉ có thể suy đoán có liên quan đến vai trò của LS, mà không thể có đủ chứng cứ để xử lý. 
Nếu tình trạng này không được giải quyết sẽ làm mất niềm tin của người dân vào hệ thống cơ quan tư pháp, công lý và hoạt động LS. Vì thế, chúng tôi hy vọng, Đề án phòng chống tiêu cực trong hoạt động LS sẽ cải thiện được tình hình với những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các tiêu cực trong hoạt động LS ngay từ "trứng nước" và xa hơn là dần triệt tiêu những điều kiện phát sinh tiêu cực trong hoạt động này.
Vậy Liên đoàn sẽ triển khai đề án như thế nào? 
- Hệ thống pháp luật của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện nên những qui định thiếu chặt chẽ, thống nhất trong các văn bản pháp luật đã tạo ra những "kẽ hở" cho các bên áp dụng làm khó cho hoạt động LS. Ngược lại, cũng tạo điều kiện cho LS dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình hành nghề nếu không có tư tưởng vững vàng và công tâm. Do đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng và thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp LS, đặc biệt là tới các LS mới vào nghề để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ LS ngay từ "gốc" nhận thức. 
Cùng với đó, Liên đoàn sẽ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác trong việc tôn trọng, bảo đảm quyền hành nghề hợp pháp của LS. Liên đoàn LS Việt Nam cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để cùng vào cuộc trong công tác này cũng như việc hỗ trợ và giám sát LS hành nghề. Qua đó phát hiện kịp thời những tiêu cực từ phía LS khi hành nghề để cùng với tổ chức hành nghề LS, Đoàn LS có biện pháp phòng ngừa, giáo dục, uốn nắn, cũng như có hình thức kỷ luật LS phù hợp để ngăn chặn, phòng ngừa các tiêu cực có thể xảy ra với một số LS và cán bộ ở các cơ quan tiến hành tố tụng khác. 
Cải cách mô hình tố tụng, bịt kẽ hở tiêu cực
Dư luận đang hoài nghi có nhiều LS chủ yếu “chạy án”. Theo ông, nguyên nhân là do chất lượng hành nghề của LS hay do cơ chế hoạt động tố tụng của nước ta buộc các LS phải “đi cửa sau” mới mong thắng kiện?
- Tôi không đồng tình với nhận định cho rằng, các LS chủ yếu "chạy án" vì đa phần các LS đều muốn được thắng kiện một cách "đường đường chính chính", chỉ có một số ít LS có hành vi nêu trên. Tôi cho rằng, việc LS phải đi làm việc đó là một sự xúc phạm nghề nghiệp, xúc phạm danh dự của đội ngũ LS và nghề LS, làm cho nghề LS ở Việt Nam không thể phát triển được. Mặt khác, điều đó ảnh hưởng không chỉ đối với LS mà còn là cộng đồng xã hội khi không được sử dụng dịch vụ pháp lý có chất lượng của đội ngũ LS. 
Theo tôi, có nhiều nguyên nhân khiến một số LS chấp nhận "chạy án", trong đó phải thừa nhận chính những điểm cần phải cải cách của mô hình tố tụng hiện nay là một nguyên nhân, mà cụ thể là khả năng kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, mô hình tố tụng cần được cải cách làm sao cho người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng không thể và không có cơ hội làm sai hay vi phạm tố tụng, vi phạm pháp luật làm thiệt hại tới quyền lợi của những người tham gia tố tụng và tạo kẽ hở cho một số LS thực hiện các hành vi nêu trên.
Ngoài ra, đó còn là nguyên nhân thuộc về ý thức đạo đức nghề nghiệp của LS. Những LS có hành vi đó là những LS có đạo đức kém cần phải lên án. Chúng tôi không đồng tình và lên án đối với các LS có hành vi nêu trên. Và công tác truyền thông tới cộng đồng xã hội vẫn chưa đủ “liều” để ngăn chặn, lên án các hành vi nêu trên không chỉ từ phía LS mà còn từ phía các cơ quan và người tiến hành tố tụng.
Vậy đề án phòng chống tiêu cực trong hoạt động LS sư có giải quyết được tình trạng hoạt động này và giúp Liên đoàn LS Việt Nam “điểm mặt chỉ tên” được những LS có hành vi tiêu cực, điển hình là “chạy án”
- Riêng về phía Liên đoàn, như tôi đã nói, với những giải pháp trong Đề án phòng chống tiêu cực trong hoạt động LS sẽ góp phần căn bản để hạn chế từng bước những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp LS từ phía các LS. Liên đoàn LS Việt Nam sẽ làm quyết liệt để từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của LS, đề cao danh dự, uy tín nghề nghiệp LS, đồng thời, có thể kỷ luật những LS vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để làm gương cho những LS khác.
Xấu hổ và sỉ nhục nếu “chạm tay” vào tham nhũng
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất về mức thưởng vật chất đến 10 tỷ đồng cho những cá nhân, tổ chức phát hiện tham nhũng. Ông bình luận gì về đề xuất này?
- Tôi ủng hộ đề xuất về mức thưởng vật chất của Thanh tra Chính phủ. Tuy vậy, cơ quan có thẩm quyền quyết định vấn đề này cần cân nhắc nhiều chiều về đề xuất trên để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội ở nước ta, đồng thời đảm bảo tính khả thi của quyết định.
Từ góc độ một LS, theo ông, thưởng vật chất như vậy có phải “chìa khóa vàng” để phòng chống tham nhũng hay chưa?
- Bất kỳ một hình thức thưởng vật chất nào đều không phải là “chìa khóa vàng” để phòng chống tham nhũng. Bởi vì phòng chống tham nhũng phải được xử lý từ gốc của vấn đề để bất kỳ ai muốn tham nhũng cũng không được; không có cơ hội tham nhũng; nếu tham nhũng thì sẽ bị phát hiện và nhận hình thức kỷ luật, chế tài tương ứng. Cộng đồng xã hội sẽ lên án mạnh mẽ về những hành vi xấu xa đó, đồng thời mỗi cá nhân sẽ thật sự thấy xấu hổ và sỉ nhục khi “chạm tay” vào hành vi tham nhũng vì không bao giờ rửa sạch được trong suốt cuộc đời mình.
Theo ông, liệu việc thưởng như vậy sẽ tác động gì đến hiệu quả công việc phòng chống tham nhũng nói chung và phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động của các LS?
- Hình thức thưởng vật chất có tác động tích cực ở một số việc trong một khoảng thời gian nhất định và với một số đối tượng nhất định. Đối với đội ngũ LS sẽ không coi việc thưởng vật chất là một vấn đề quan trọng nhất trong việc góp sức vào phòng chống tham nhũng. Vì bản chất nghề nghiệp LS là một trong các hoạt động góp phần vào công tác giám sát và phản biện hoạt động của các cơ quan nhà nước khác do đó, việc phát hiện những sai sót và vi phạm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực thi công quyền là yêu cầu và bản chất nghề nghiệp LS. 
Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm