Sẽ có phương án tốt nhất để giữ quốc tịch cho kiều bào

(PLO) - Hôm nay (9/6), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam – một dự án luật thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong thời gian qua. 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với kiều bào về thăm quê
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với kiều bào về thăm quê
“Nước đã đến chân”
Theo báo cáo của Chính phủ, sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, tính đến ngày 31/12/2013 mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. So với tổng số người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam thì tỷ lệ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được dự báo là rất thấp. 
Chính phủ nhận định, kết quả hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu phải kể đến việc hiện nay nhiều người trong số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước sở tại, ổn định cuộc sống, công ăn việc làm và cư trú ở nước ngoài, nên việc lựa chọn giữ quốc tịch Việt Nam bên cạnh quốc tịch nước sở tại của họ là vấn đề khó khăn vì họ lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi, công  ăn việc làm cũng như cư trú của họ.  
Một nguyên nhân khác cũng phải kể tới là công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật còn chưa kịp thời, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định của Chính phủ chưa có quy định gắn kết cụ thể, tạo sự liên thông giữa thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam, chưa bảo đảm lợi ích thiết thực cho người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. 
Thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành sẽ kết thúc vào ngày 01/7/2014 tới đây. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Sau này, nếu có nguyện vọng thì họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật.  Vì vậy, Chính phủ khẳng định việc ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 là rất cần thiết và cấp bách. 
Sẽ tìm một phương án tối ưu
Trước tình hình này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại Khoản 2 Điều 13 và trường hợp mất quốc tịch tại Khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về phạm vi và nội dung sửa đổi, hiện đang có 03 loại ý kiến như sau: 
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề nghị của Chính phủ sửa đổi Khoản 2 Điều 13 theo hướng vẫn giữ việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không quy định cụ thể thời hạn đăng ký giữ quốc tịch; đồng thời gắn việc đăng ký giữ quốc tịch với thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam và bãi bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện nay. 
Loại ý kiến thứ hai đề nghị vẫn giữ quy định về đăng ký quốc tịch nhưng gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thêm 05 năm, tức là thời hạn đăng ký sẽ được kéo dài đến ngày 01/7/2019 nhằm giúp cho kiều bào ta có thêm thời gian tiếp cận thông tin và thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật. 
Loại ý kiến thứ ba đề nghị bỏ quy định về việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam vì quy định này đã thể hiện sự bất cập, thiếu tính khả thi và không phù hợp với thực tiễn. 
Theo phân tích của Ủy ban Pháp luật, quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam nhằm mục đích rành mạch hóa tình trạng quốc tịch của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thuận lợi hơn cho Nhà nước trong việc tổ chức để công dân thực hiện các quyền của mình (ví dụ như quyền bầu cử...), thực hiện trách nhiệm bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Song, nếu không làm rõ được ý nghĩa và lợi ích cụ thể của việc đăng ký giữ quốc tịch thì dù có kéo dài thời hạn đăng ký giữ quốc tịch thì vẫn khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. 
Nếu bãi bỏ hoàn toàn quy định tại Khoản 2 Điều 13 và Khoản 3 Điều 26 như một số ý kiến đề nghị thì có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài, khó khăn cho Nhà nước trong việc quản lý và thực hiện trách nhiệm bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. 
Mặt khác, nếu giữ quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và bổ sung thủ tục đăng ký như đề nghị của Chính phủ trong Dự thảo Luật thì tuy đã làm rõ được phần nào giá trị và hậu quả pháp lý của việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam song vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn các hạn chế của quy định hiện hành tại Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam, bởi vẫn xác định việc đăng ký giữ quốc tịch là một nghĩa vụ (“người Việt Nam định cư ở nước ngoài... phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam” - Khoản 2  Điều 13 Dự thảo Luật). 
Thủ tục đăng ký như quy định tại Khoản 2a Điều 13 Dự thảo Luật cũng còn nhiều điểm cần được làm rõ hơn để vừa thuận tiện, có lợi cho đồng bào ta, vừa bảo đảm tính pháp lý rõ ràng nhưng cũng không trùng lặp với quy định về một số thủ tục hành chính sẵn có như thủ tục cấp hộ chiếu, giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, thủ tục đăng ký công dân... phù hợp yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài. 
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa đổi Khoản 2 Điều 13  Luật Quốc tịch Việt Nam thành:  “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam còn giá trị sử dụng theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ".
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc bãi bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam. Những người đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam từ ngày 01/7/2009 đến nay mà đã được xác nhận là có quốc tịch Việt Nam thì được cấp hộ chiếu Việt Nam nếu họ có yêu cầu.
Dự kiến, để kịp thời điểm ngày 01/7/2014 (05 năm sau khi Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực), Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam sẽ được Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này.

Đọc thêm