Siết chặt quy định về công chứng viên để nâng cao chất lượng

(PLO) - Có nên quy định công chứng viên (CCV) phải có thời gian công tác pháp luật 5 năm, thời gian đào tạo nghề công chứng có cần kéo dài hơn và có nên thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề? .. là những câu hỏi được đặt ra trong quá trình sửa đổi Luật Công chứng.
Công chứng là một nghề chuyên sâu, thay mặt Nhà nước thực hiện dịch vụ công, đòi hỏi sự hiểu biết vừa chi tiết, vừa toàn diện
Công chứng là một nghề chuyên sâu, thay mặt Nhà nước thực hiện dịch vụ công, đòi hỏi sự hiểu biết vừa chi tiết, vừa toàn diện
Phải có thời gian công tác pháp luật 5 năm trở lên
Một trong những tiêu chuẩn được xét bổ nhiệm CCV theo Luật Công chứng hiện hành là  “có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, sửa đổi Luật Công chứng, có ý kiến đề nghị không quy định thời gian công tác pháp luật tại các cơ quan, tổ chức là tiêu chuẩn để xét bổ nhiệm CCV vì rất khó xác định thế nào được coi là làm công tác pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng CCV là người được Nhà nước ủy quyền thực hiện quyền lực công, do vậy ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, CCV  cũng cần có kinh nghiệm thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực pháp luật. 
Việc quy định thời gian công tác pháp luật là tiêu chuẩn bắt buộc của CCV  nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của CCV  vì khi ở một độ tuổi nhất định, có đủ trải nghiệm và kinh nghiệm thực tiễn thì CCV sẽ có khả năng tốt hơn trong việc hành nghề công chứng. 
Với lý do này, Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi hiện đang được thể hiện theo hướng ngoài quy định về trình độ, đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề, bảo đảm sức khỏe... thì phải “có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật”. Việc xác định như thế nào được tính là thời gian công tác pháp luật cũng như các điều kiện cụ thể về sức khỏe sẽ giao cho Chính phủ quy định.
Nâng thời gian đào tạo nghề lên 12 tháng
Cũng theo Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, thay vì 6 tháng, thời gian của khóa đào tạo nghề công chứng sẽ nâng lên 12 tháng. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công chứng là một nghề chuyên sâu, thay mặt Nhà nước thực hiện dịch vụ công, đòi hỏi sự hiểu biết vừa chi tiết, vừa toàn diện, đồng thời người hành nghề công chứng phải có những kỹ năng nghề nghiệp nhất định. 
Việc kéo dài thời gian đào tạo nghề công chứng như quy định trong Dự thảo Luật là nhằm khắc phục khiếm khuyết trong công tác đào tạo thời gian qua, nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động công chứng. Quy định thời gian đào tạo nghề công chứng này cũng phù hợp với thời gian đào tạo các chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư mà pháp luật hiện hành quy định. 
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng việc tăng thời gian đào tạo nghề công chứng lên 12 tháng là không cần thiết, sẽ gây khó khăn cho việc tạo nguồn CCV  trong thời gian sắp tới.
Trước khi bổ nhiệm phải tham gia khóa bồi dưỡng
Quá trình thực thi Luật Công chứng, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng miễn đào tạo nghề hiện quá rộng (đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề từ ba năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật) dẫn đến chất lượng CCV không đồng đều, thậm chí sai phạm. Do vậy, cần thu hẹp đối tượng này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận “phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng hiện nay là tương đối rộng”, tuy nhiên, đây đều là những người có nhiều kinh nghiệm, có kiến thức khá vững về pháp luật. Đây cũng là các đối tượng được ưu tiên, miễn đào tạo, tập sự đối với một số nghề nghiệp, chức danh tư pháp khác. 
Vì vậy, đề nghị chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định miễn tham gia khóa đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề cho các đối tượng (đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật).
Nhưng tất cả các đối tượng này đều phải tham gia khóa bồi dưỡng 03 tháng về kỹ năng hành nghề công chứng và tiêu chuẩn đạo đức của CCV  tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm CCV.
Với những quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn về tiêu chuẩn CCV, hy vọng đội ngũ này ngày càng nâng cao chất lượng, phục vụ người dân tốt hơn.

Đọc thêm