Thừa phát lại - thêm quyền lựa chọn cho người dân

(PLO) - Thừa phát lại tạo ra một nghề mới trong thị trường dịch vụ pháp lý; đã bổ trợ tích cực cho hoạt động tư pháp, góp phần giảm tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan tư pháp; tạo cơ chế để người dân chủ động, tham gia vào các hoạt động tư pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình... 
Thừa phát lại Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) giúp dân lập vi bằng
Thừa phát lại Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) giúp dân lập vi bằng
Đó là những gì Thừa phát lại mang lại sau thời gian thí điểm chế định này ở 13 địa phương.
Góp phần giảm tải cho cơ quan tư pháp
Việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại (TPL) tạo ra một nghề mới trong thị trường dịch vụ pháp lý, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Đó là đánh giá của Bộ Tư pháp sau thời gian thí điểm chế định TPL. 
Tính đến nay, thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, nghề TPL đã được hình thành và phát triển tại 13 địa phương trong cả nước với 52 trên tổng số 66 Văn phòng TPL được thành lập. Về nhân lực, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 245 TPL, trong đó có 127 TPL đang hành nghề, 272 Thư ký nghiệp vụ và 150 nhân viên khác đang làm việc tại các Văn phòng TPL. 
Đội ngũ TPL cơ bản có trình độ, kinh nghiệm, tâm huyết với nghề. Các Văn phòng TPL tại TP.HCM đã ổn định về tổ chức và hoạt động, kết quả hoạt động khá tốt, có những lĩnh vực đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực trong xã hội (lĩnh vực lập vi bằng), được người dân, xã hội đánh giá cao. 
Về doanh thu của các Văn phòng tại 13 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm đã thu được kết quả khá tốt, với 85 tỷ 646 triệu 089 nghìn đồng. Trong tương lai, khi chế định TPL được thực hiện chính thức tại các địa phương trên cả nước và trở thành một nghề trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý, góp phần tạo công ăn việc làm và nguồn thu cho ngân sách.
Nhưng điều quan trọng hơn đó là việc thực hiện chế định này sẽ góp phần bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích của các bên khi tham gia các quan hệ này, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 
Việc thực hiện thí điểm TPL đã đưa chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống. Hoạt động TPL đã bổ trợ tích cực cho hoạt động tư pháp, bảo đảm các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, góp phần giảm tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự. 
Từ đó góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa một số nội dung hoạt động tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đồng thời không làm xáo trộn hoạt động của các cơ quan tư pháp mà hỗ trợ tích cực, phối hợp nhịp nhàng, là một minh chứng về chủ trương đúng đắn của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính.
Hạn chế tiêu cực trong hoạt động thi hành án dân sự
Với sự ra đời của TPL,  người dân có quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án (THA) tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời. 
TPL được kỳ vọng như một lực lượng mới có thể sẻ chia trách nhiệm với hệ thống cơ quan THA hiện hành, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức THA; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan THADS, tạo cơ chế vừa phối hợp, hỗ trợ vừa cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực THA, bước đầu góp phần hạn chế một số tiêu cực trong hoạt động THA, đồng thời tạo thêm quyền lợi cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ THA tốt nhất cho mình. 
Đến nay,  mặc dù số lượng việc THA của các Văn phòng TPL thụ lý còn thấp (135 việc, thu được 2 tỷ 539 triệu 826 nghìn đồng) nhưng bước đầu đã được sự thừa nhận và tin tưởng của xã hội, số lượng thụ lý việc THA của TPL ngày càng tăng, một số việc có giá trị đặc biệt lớn như một số Văn phòng TPL ở TP.HCM.
Bên cạnh đó, việc xác minh điều kiện THA là vấn đề quan trọng, quyết định thành công và hiệu quả trong việc tổ chức THA. Theo Điều 44 Luật THADS, trường hợp THA theo đơn yêu cầu, nếu người được THA đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện THA của người phải THA thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. 
Thực tiễn công tác THADS cho thấy, để yêu cầu cơ quan THADS tiến hành xác minh thì người được THA phải chứng minh là đã tiến hành xác minh nhưng không có kết quả và phải chịu chi phí đối với yêu cầu xác minh. 
Trong khi đó, với điều kiện kinh tế, xã hội, cơ chế quản lý, công khai tài sản chưa được hoàn thiện, minh bạch, sự hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân để người được THA thực hiện nghĩa vụ này còn chưa hiệu quả khiến nghĩa vụ xác minh điều kiện THA trở thành gánh nặng cho người được THA. 
Việc người được THA gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc xác minh điều kiện THA, nhất là khi phải xác minh tại các cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn đọng án hiện nay. 
Với sự ra đời của các Văn phòng TPL, trong đó có chức năng xác minh điều kiện THA, bên cạnh lựa chọn Chấp hành viên, người dân có thêm công cụ hỗ trợ tích cực cho việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình trong quá trình tổ chức THADS.
TPL đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Có thể khẳng định, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận. Kết quả triển khai thí điểm chế định này trong thời gian qua cho thấy, chế định TPL cần thiết cho đời sống xã hội và hoạt động tư pháp; bước đầu đã khẳng định được tính đúng đắn của chủ trương của Đảng về vấn đề này. 

Đọc thêm