Đây là chuyến thăm lịch sử vì là lần đầu tiên, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam đến thăm và làm việc tại Tây Ban Nha. Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Rafael Catala Polo đã thông báo cho nhau tình hình kinh tế xã hội mỗi nước trong năm vừa qua, đặc biệt là những thành tựu chính trong quan hệ song phương (về quốc phòng, kinh tế - xã hội, đặc biệt là cán cân thương mại) kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp độ quan hệ đối tác chiến lược năm 2009.
Điểm sáng trong quan hệ song phương là trao đổi thương mại năm 2014 giữa hai nước đạt gần 3 tỷ USD ( đứng thứ 4 trong các nước EU).
Bộ trưởng Hà Hùng Cường vui mừng thông báo việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam mới quy định miễn thị thực 15 ngày cho công dân 5 nước, trong đó có Tây Ban Nha khi nhập cảnh vào Việt Nam. Bộ trưởng Hà Hùng Cường điểm lại những thành tựu hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực các nghề tư pháp như công chứng, luật sư, thừa phát lại… Từ năm 2008 đến nay đã có 3 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam đến thăm, khảo sát về pháp luật và tư pháp tại Tây Ban Nha.
Đồng thời, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng điểm lại những thành tựu cơ bản trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam từ sau khi tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt từ sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp mới năm 2013, với trọng tâm là đổi mới về tổ chức và hoạt động của cả 3 nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp) trên nguyên tắc Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền cơ bản của công dân, đặc biệt xác định rõ Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là trọng tâm của cải cách tư pháp.
Về lĩnh vực đào tạo nghề luật của Bạn hiện nay đang có sự phân tán giữa đào tạo thẩm phán, công tố viên và các nghề bổ trợ tư pháp. Ngài Bộ trưởng cho biết quan điểm cá nhân là nên theo mô hình đào tạo tập trung như của Pháp và Đức, nhất là đào tạo thẩm phán và công tố viên nên dựa trên một chương trình chung thống nhất và hai chức danh này có thể được luân chuyển vị trí cho nhau trong quá trình thực thi công vụ.
Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu sự quản lý của Chính phủ nói chung mà đại diện là Bộ Tư pháp về cơ sở vật chất, kinh phí… không được làm ảnh hưởng đến sự độc lập trong hoạt động của các chức danh tư pháp, đặc biệt là thẩm phán.
Trên cơ sở thảo luận và dựa trên nhu cầu mỗi bên, hai Bộ trưởng thống nhất chủ trương sẽ sớm tiến hành đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định và tạo điều kiện cho công dân, pháp nhân của nước này đầu tư, sinh sống trên lãnh thổ nước kia.
Cuối buổi tọa đàm, hai Bộ trưởng ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp với nội dung cơ bản là trao đổi kinh nghiệm về cải cách tư pháp, về mô hình và quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý, về đăng ký giao dịch bảo đảm; trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu về nghiệp vụ công chứng; hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp lý, bao gồm cả đào tạo thẩm phán và công tố viên; hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; trao đổi kinh nghiệm tham gia các điều ước quốc tế liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bộ.
Kết thúc cuộc gặp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chính thức mời Bộ trưởng Rafael sớm thu xếp thăm Việt Nam vào một thời gian phù hợp. Bộ trưởng Rafael đã vui vẻ nhận lời.
Ngoài buổi hội đàm và ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp, Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu đã thăm và làm việc với Hội đồng tư pháp quốc gia, Hội đồng công chứng tối cao, Viện Công tố trung ương, Hiệp hội luật sư và Ủy ban Tư pháp Hạ nghị viện Tây an Nha.
* Hôm nay (9/7/2015), Đoàn tiếp tục chương trình thăm và làm việc chính thức tại Italia.