Từ rốn lũ Quảng Bình thành “Làng Du lịch tốt nhất thế giới”

(PLVN) - Cuối năm ngoái, tại đất nước Uzbekistan xa xôi, khi Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh Tân Hoá là “Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2023”. Người ta đã sửng sốt thốt lên: “Làng quê bé nhỏ giữa hẻo lánh núi non mảnh đất Quảng Bình ấy, đang ẩn chứa điều gì?”
Cảnh sắc như tranh vẽ của làng Du lịch Tân Hóa. Ảnh: Oxalis

Xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) có diện tích 71,8 km² với dân số là 3.364 nhân khẩu, chủ yếu là tộc người Nguồn (cộng đồng dân tộc thuộc nhóm Việt - Mường). Bởi địa thế tứ bề các dãy núi đá vôi bao quanh, Tân Hóa được ví như “lòng chảo”.

Cảnh sắc như tranh vẽ của làng Du lịch Tân Hóa. Ảnh: Oxalis

Từ vùng “rốn lũ”

Lòng chảo thoát nước chậm, lại luôn bị ngập nặng khoảng 2 tháng mùa mưa mỗi năm. “Riêng trận lũ lịch sử năm 2010, nước ngập đến 12m, hầu hết nhà cửa bà con bị nhấn chìm, chúng tôi phải hất nóc nhà, dắt díu nhau lên núi dựng lán tạm tránh lũ.” – ông Trương Xuân Bồi (72 tuổi), người kinh qua quá nhiều trận lũ kể lại.

Nhưng “mẹ thiên nhiên” chẳng lấy hết của ai bao giờ. Tân Hóa lại sở hữu những cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hang động tráng lệ, thảm động thực vật phong phú và những cánh đồng đồng lúa ngô đầy ắp phù sa. Cũng chẳng ngẫu nhiên khi nơi đây được chọn làm bối cảnh bấm máy của nhiều thước phim lớn. Bom tấn nhất là “Kong: Đảo Đầu lâu” của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts tài ba Hollywood.

Nhà cửa tại Tân Hóa bị nhấn chìm vào mùa mưa lũ hàng năm. Ảnh: Nguyên Nguyên

Những năm đầu thập niên 2010, Oxalis là doanh nghiệp tiên phong khai thác du lịch mạo hiểm hệ thống hang động Tú Làn ở Tân Hóa và hé mở cánh cửa điểm đến hấp dẫn du khách. Cũng thời gian này, đồng bào Nguồn nảy ra sáng kiến làm bè phao để “sống chung với lũ” nhưng số lượng rất ít vì thiếu kinh phí.

Từ sáng kiến trên, Oxalis đã tổ chức cuộc đua “Thử thách Tú Làn” hàng năm cho du khách chinh phục hang động, thiên nhiên và gây quỹ từ thiện dựng nhà nổi trên lũ cho người Tân Hóa. Đến nay, gần 620 căn nhà nổi (dựng bằng thép, gắn thùng phuy nhựa rỗng bên dưới) đã được xây dựng, đảm bảo 100% bà con nơi đây có thể sống bình an giữa mưa lũ.

“Chuộc lỗi” với đại ngàn

Mươi năm trước, ít nhất có 63.000 lượt khách đã mê hoặc để đến khám phá Tú Làn, hang Tiên ở Tân Hóa nhưng họ đều rời đi sau khi kết thúc tour. Mãi đến năm 2022, khi Oxalis chính thức khai trương khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge bên sườn núi, khách đã móc hầu bao để nghỉ lại.

Ý tưởng về một sản phẩm du lịch mới cũng ra đời từ đây. Những căn nhà nổi chống lũ được trang hoàng đầy đủ tiện nghi và biến thành một “Rural homestay” (nhà trọ nông thôn) cho khách nghỉ ngơi và trải nghiệm chính giữa những ngày dập dềnh nước lũ. Đó chính là ý tưởng lõi của sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết được triển khai tại Tân Hoá từ quý II năm 2023.

Hé lộ về sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong từng nói với chúng tôi rằng: “Những rural homestay như: Hùng Liên, Thơm Phương, Bằng Nương… bỗng trở thành mô hình lưu trú có một không hai. Người dân đã biến cái bất lợi thành sinh kế vững bền trên chính con đường vừa chinh phục, vừa gắn gắn bó với thiên nhiên, bằng chính làng quê mộc mạc, yên bình vốn có ấy”.

Mô hình Rural homestay thích ứng thời tiết độc đáo ở Tân Hóa. Ảnh: Oxalis

Trước đây, hầu hết bà con Tân Hoá đều sống bằng nghề nông và khai thác trái phép tài nguyên rừng. Du lịch xuất hiện, các “thợ rừng” trở thành “porter” (nhân viên khuân vác, trợ lý an toàn), đầu bếp… phục vụ khách đi tour. Họ được đào tạo bài bản. Xưa, họ là những sơn tràng khỏe nhất, bẫy thú, cưa gỗ, phá rừng… Nay cũng giỏi vào rừng, nhưng để làm du lịch và tạo ra nguồn thu ngân sách cho công tác bảo vệ rừng. Họ rũ bỏ “tấm áo lâm tặc”, chuộc lại lỗi lầm với rừng xanh.

Chiều về, nắng nhuộm óng vàng những xóm làng Tân Hóa. Hơn 2 chục porter sau tour 3 ngày đưa khách vào hang động, trở về rôm rả chuyện trò. Nhìn xuống dòng Rào Nan nước lặng bình yên, cánh đồng ngô xanh mướt dọc triền sông như càng tôn thêm vẻ kiêu hãnh với những ngọn núi đá vôi ngang tầm mây trắng.

Những porter phục vụ khách du lịch là người bản địa. Ảnh: Oxalis

Hoạt động du lịch đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 120 bà con Tân Hóa với thu nhập 8 – 10 triệu đồng/tháng. 100 người khác cũng gián tiếp có việc làm thông qua các dịch vụ đi kèm. Điểm nhấn là dịch vụ “trải nghiệm ăn tối tại nhà dân”. Bữa ăn từ rau cỏ vườn nhà, cá sông gà đồi. Đặc sản Tân Hóa là món “pồi” (nếp, ngô và sắn giã mịn rồi nấu chín) ăn kèm món ốc xoắn nhỏ luộc. Chỉ đơn giản thế mà thành “mỹ vị nhân gian”, bởi khách ăn cùng dân, trong chính căn nhà gỗ ba gian dung dị mà cả trăm năm qua người làng vẫn ở…

Vượt qua 204 ngôi làng để giật giải

“Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2023” là giải thưởng công nhận những ngôi làng đi đầu trong việc phát triển các giá trị bền vững, bảo tồn cảnh quan, đa dạng văn hóa và truyền thống ẩm thực. Tiêu chí của UNWTO (thuộc Liên hiệp quốc) là công nhận những mô hình du lịch nông thôn gìn giữ các giá trị tự nhiên, văn hóa, phát huy giá trị của du lịch cộng đồng và có cam kết rõ ràng về phát triển bền vững.

Có 260 làng du lịch từ 60 nước trên khắp thế giới tham gia dự giải của UNWTO, Việt Nam có 4 làng. Bằng sự độc đáo của mình, Tân Hóa là cái tên duy của Việt Nam cùng 53 ngôi làng khác được lựa chọn để trao giải.

Đường vào Tân Hóa sau khi nhận được giải thưởng “Làng Du lịch tốt nhất thế giới”. Ảnh: Oxalis

Kỳ vọng tương lai

Trong xu hướng toàn cầu hiện nay, các chính phủ đưa ra cam kết mạnh mẽ về mục tiêu “Netzero” vào năm 2050. Kinh tế “xanh” cắt giảm lượng khí thải đến mức thấp nhất và phát triển bền vững được ưu tiên tất yếu. Hướng phát triển du lịch ứng phó với biến đổi khí hậu của làng Tân Hóa đã phù hợp xu hướng này. Nhưng chỉ hợp thôi là chưa đủ để mô hình này “sống khỏe” và phát triển trong tương lai.

Ông Nguyễn Châu Mỹ - Phó tổng giám đốc Oxalis cho biết: “Tân Hóa đang từng bước minh chứng là mô hình liên kết hiệu quả giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Chính quyền hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, đào tạo nghiệp vụ cho người dân và quản lý những cam kết bảo vệ môi trường, an ninh trật tự. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quảng bá, tìm kiếm và vận chuyển du khách. Người dân tạo thêm giá trị bền vững, nếp sống văn hóa bản địa để thỏa nhu cầu khám phá của du khách. Chúng tôi xác định việc bà con tham gia vào chuỗi hoạt động kinh doanh chính là yếu tố tạo nên chất lượng sản phẩm và thương hiệu du lịch”.

Chinh phục mạo hiểm hang động đang là sản phẩm du lịch độc đáo tại Tân Hóa. Ảnh: Oxalis

Còn Thứ trưởng Hồ An Phong thì khẳng định: “Giải thưởng “Làng Du lịch tốt nhất thế giới” chưa phải là đích đến, mà chỉ mới bắt đầu! Tân Hóa sẽ tiếp tục nỗ lực với niềm tin tưởng tương lai, nơi đây không chỉ là mô hình du lịch thích ứng thời tiết kiểu mẫu của Việt Nam, mà còn là làng du lịch cộng đồng kiểu mẫu ở khu vực Đông Nam Á”.

Hôm nay, cổng chào vào Tân Hóa đã được gắn thêm dòng chữ “Làng Du lịch tốt nhất thế giới”. Nhưng, bức tranh quê xứ này vẫn thế. Tứ bề núi đá vôi vẫn dung dị bao bọc xóm làng, trên đồng cỏ mênh mang, đàn trâu thong dong gặm cỏ dưới đàn chim trắng bay.

Cổng vào làng du lịch Tân Hóa hôm nay. Ảnh: Oxalis

Nhưng sau vẻ bình yên bất tận ấy, du lịch đã chảy những mạch nguồn của hy vọng. Lớp trẻ vốn chỉ biết “Tây” qua ti vi, internet thì nay được giao tiếp ngay bên thềm nhà. Phải chăng, những giấc mơ phát triển quê hương cũng từ đây sẽ theo bước chân người trẻ đi khắp bốn bể năm châu?