Nhiều ý kiến trái chiều
Chiều 18/3, chiếc xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy (PCCC) số 12 trong khi đang đi làm nhiệm vụ trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đi ngược chiều theo hướng Hà Nội - Ninh Bình đến Km192 thì bị chiếc xe khách 45 chỗ (BKS 29B - 078.43) chạy theo hướng ngược lại đâm trực diện khiến một chiến sỹ PCCC tử vong và nhiều người khác bị thương.
Về diễn biến liên quan, trả lời trước báo chí, đại diện Phòng tuyên truyền hướng dẫn luật của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ về quyền ưu tiên của một số loại xe, trong đó xe chữa cháy được phép di chuyển ngược chiều để tiếp cận tai nạn, cứu hộ các nạn nhân. Nói cách khác, việc xe chữa cháy di chuyển trên đường cao tốc là phù hợp với quyền hạn và không vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Đồng quan điểm này, Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng Luật sư Giang Thanh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nơi xảy ra tai nạn là khu vực đường giao nhau. Thời điểm đó có mưa, sương mù, mặt đường trơn trượt, nhưng lái xe khách đã không giảm tốc độ đến mức có thể dừng lại một cách an toàn. Việc làm này là trái quy định Điều 5 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ Giao thông Vận tải.
Phản bác quan điểm này, một số ý kiến khác cho rằng, cần xem xét thận trọng việc áp dụng quy định pháp luật trong trường hợp này. Cụ thể, ở vụ việc liên quan, nếu xe PCCC phải đi ngược chiều thì cần đi vào làn khẩn cấp của cao tốc (làn trong cùng), không nên đi vào làn đường phương tiện đang lưu thông, bởi phương tiện đang chạy tốc độ cao, phải chuyển làn hoặc phanh gấp là hết sức nguy hiểm. Trong trường hợp cụ thể này, xe cứu hỏa cần có sự phối hợp của CSGT chặn đường từ các giao lộ. Anh Nguyễn Quang Minh (tài xế, 45 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Quy định nào đi chăng nữa cũng không được gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Về mặt kỹ thuật, người lái xe trên đường cao tốc (cho phép chạy tới 100km/giờ) thì không thể nào phản ứng kịp được với chướng ngại vật cố định, chưa nói đến chướng ngại vật di chuyển ngược chiều”.
Cần có những quy định rõ ràng hơn
Theo tìm hiểu, tại một số quốc gia phát triển, làn khẩn cấp chạy dọc toàn tuyến đường cao tốc, chiều rộng tiêu chuẩn 3,3m, đủ cho xe tải lớn không phải lấn qua làn chính. Đặc trưng của làn này được phân biệt bằng vạch sơn liền, màu trắng phản quang có đặt các miếng “mắt mèo”, nếu bánh xe đè qua sẽ tạo ra các tiếng rít, giúp cảnh báo người lái đã đi lệch làn đường. Làn khẩn cấp được sử dụng trong tình huống xảy ra tai nạn, sự cố. Các xe ưu tiên sẽ lưu thông ở làn này để đến vị trí sự cố một cách nhanh nhất.
Ở nước ta, tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế đường cao tốc, làn đường khẩn cấp cho xe gặp sự cố, xe cứu hộ, xe cứu hỏa, xe CSGT... vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt. Chẳng hạn, ở cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, toàn tuyến có chiều dài 32,3km, gồm 6 làn xe chạy, trong đó có 2 làn đường khẩn cấp dành cho các phương tiện gặp sự cố khi lưu thông trên đường. Tại làn này, các xe nếu hỏng, nổ lốp, va chạm giao thông... đều có thể sử dụng được. Dẫn như vậy để thấy rằng, nếu hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo thì căn nguyên của việc xe ưu tiên buộc phải đi ngược chiều thường xuất phát từ chính ý thức của những người tham gia giao thông.
Nói cách khác, các phương tiện khi tham gia giao thông hiện nay thường phổ biến với tâm lý “điền vào chỗ trống”, đi vào cả làn khẩn cấp. Việc tham gia giao thông thiếu ý thức này khiến tuyến đường thường xuyên bị tắc nghẽn. Do ùn tắc giao thông và để tiếp cận hiện trường nhanh nhất, xe ưu tiên thường thực hiện quyền ưu tiên, đi vào đường ngược chiều. Thực tế cũng cho thấy, trong nhiều trường hợp, dù xe cứu hỏa đã bật đèn tín hiệu, hú còi ưu tiên và phát loa kêu gọi các phương tiện nhường đường, nhưng rất ít phương tiện có ý thức tuân thủ, nhường đường ngay.
Chia sẻ quan điểm này, Luật sư Tạ Văn Phú (Công ty Luật TNHH Ánh Sáng Việt - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Đa số người dân đều chấp hành rất tốt, song một số cá nhân vẫn thiếu ý thức chấp hành các quy định liên quan. Để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cần có sự chung tay của cả xã hội. Trước tiên, cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục đào tạo từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông… Đồng thời, trong các trường đào tạo lái xe cần thực hiện nghiêm túc hơn hoạt động giáo dục, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông…”.
Rõ ràng, để ngăn chặn những vụ việc thương tâm xảy ra, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông trên đường cao tốc; tăng cường tập huấn, diễn tập cứu hộ tai nạn giao thông, nhất là công tác chỉ huy, phối hợp và thực hành của các lực lượng liên quan trong quá trình cứu hộ, cứu nạn, giúp nâng cao năng lực và bảo đảm tuyệt đối an toàn. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền phù hợp, nâng cao ý thức tuân thủ các quy tắc giao thông của người dân, không lái xe trên làn khẩn cấp, luôn giữ khoảng cách an toàn, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy tắc và biển báo theo thông lệ quốc tế.