Tục thờ chó đá, tắm lá bưởi “trừ tà” của người Tày - Nùng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ xa xưa, những chú chó đã trở thành vật nuôi quen thuộc, trung thành trong mỗi gia đình Việt. Theo quan niệm của nhiều gia đình người dân tộc Tày – Nùng xứ Lạng, chó thường chỉ trông coi được phần dương, muốn trông giữ phần âm, xua đuổi tà ma, mang lại nhiều tài lộc, may mắn cho gia chủ, thì phải “nuôi” chó đá.
Tục thờ chó đá, tắm lá bưởi “trừ tà” của người Tày - Nùng

Tục thờ chó đá của người Tày

Từ bao đời nay, người Tày ở Lạng Sơn vẫn lưu giữ được những phong tục và bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, trong đó có tục thờ chó đá. Tiếng Tày chó đá là Ma-hin, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng sâu đậm đối với đời sống văn hóa dân tộc.Trước cửa chính các gia đình đều đặt một con chó đá với tư thế khác nhau. Đó là nét đặc trưng rất dễ nhận thấy khi đặt chân vào bất kỳ nhà nào của người Tày.

Theo phong tục cổ truyền của người Tày, mỗi khi xây nhà mới chủ gia đình sẽ đến nhà thầy cúng xem tuổi, chọn ngày tốt để đục đẽo và rước chó đá về nhà. Những việc này được làm rất cẩn thận. Họ quan niệm đặt chó đá trước cửa nhà để cai quản cõi âm, mỗi khi có tiếng chó sủa ma quỷ không dám lại gần để làm hại con người.

Đặc biệt, với những nhà có phong thủy xấu thì sự xuất hiện của chó đá lại càng cần thiết. Sau khi đã chọn được ngày tốt, chính người thầy ấy sẽ ra bờ suối tìm đá để đục đẽo chó đá. Tùy vào năm sinh, hướng nhà gia chủ, thầy sẽ chọn trọng lượng bao nhiêu kilôgam, tư thế nằm hay ngồi của con chó đá.

Chính bởi niềm tin tuyệt đối vào vai trò giữ yên cửa nhà củachó đá, người Tày rất coi trọng chó đá Ma-hin. Vào các ngày rằm và mùng 1 hàng tháng hay ngày trọng đại của gia đình, cho đá cũng được chủ quan tâm đặc biệt. Chỉ một nén hương thôi nhưng trong đó đã chứa đựng biết bao tình cảm của người dân tộc Tày với chó đá.

Vào dịp Tết Nguyên đánchó đá cũng được thực hiện những những nghi lễ rất trang trọng, ngày Tất niên các gia đình sẽ đi lấy lá bưởi để tắm cho chó đá. Với ý nghĩa, sau một năm lao động vất vả chó đá sẽ được tắm rửa thơm tho để chào đón năm mới. Lá bưởi hái về được đun sôi để nguội rồi mới tắm cho chó đá Ma-hin.

Theo quan niệm của người Tày, lá bưởi có tác dụng trừ tà,loại bỏ vận đen. Vì thế, khi dùng lá bưởi tắm cho chó đá người Tày hi vọng rằng sẽ thu hút được nhiều may mắn, tài lộc về nhà.Sau khi đã tắm rửa sạch sẽ, chó đá sẽ được gia chủ quàng cho một chiếc khăn đỏ quanh cổ.

Có lẽ quàng khăn giống như mặc một chiếc áo mới cho chó đá, thể hiện sự tôn vinh của người Tày, tỏ lòng biết ơn nó đã đem lại sự may mắn cho gia đình trong năm qua.Đối với một dân tộc quanh năm sống giữa núi rừng thì niềm tin của họ vào các chó đá là rất lớn. Người dân tộc Tày ở Lạng Sơn đã lấy niềm tin chân thành về điểm này ở chó đá để làm đòn bẩy tinh thần cho dân tộc mình.

Tín ngưỡng thờ chó đá chỉ thấy ở một số vùng miền, không quá phổ biết trong đời sống của người Việt Nam. Dạo Qua phố Nghi Tàm (Hà Nội) có thể thấy khá nhiều cho đá được bày bán trước cửa những cửa hàng bán đồ cổ. Loại chó đá này được đục đẽo tự nhiên nên mang lại cảm giác gần gũi thân thuộc của làng quê năm xưa.

Những gia đình giàu có, chôn chóđể canh giữ nhà và thể hiện sự quyền uy, phú quý của gia chủ. Nhà phong thủy, chôn chó đá để thay đổi dương cơ, âm phần tránh được những điều hòa do thời tiết xấu gây ra. Còn dân gian, chôn chó đá để xua đuổi tà ma.

Có thể thấy rằng, tín ngưỡng thờ chó đá đã có từ rất lâu và cho đến nay vẫn còn được gìn giữ trong văn hóa của người Việt nói chung và người Tày nói riêng. Rất khó để chứng minh sự mầu nhiệm của tín ngưỡng ngày, nhưng chắc chắn rằng khi có niềm tin, con người sẽ cảm thấy yên tâm và cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây chính là giá trị đích thực của tục thờ chó đá trong tâm thức của dân tộc Tày.

Công phu làng nghề

Ở Lạng Sơn, đồng bào dân tộc Tày, Nùng cư trú lâu đời tại các huyện như Đồng Mỏ, Chi Lăng, Thất Khê, Tràng Định, Văn Quan, Lộc Bình, Cao Lộc và TP Lạng Sơn… đều có tục thờ chó đá và gọi bằng những danh xưng đầy kính cẩn như: Cụ Thạch, Quan lớn Hoàng Thạch, Thần Cẩu.

Khi nhà cửa được dựng xong, người Tày, Nùng dù gia cảnh nghèo, hay giàu thì cũng phải rước bằng được tượng chó đá về thờ trước cửa chính của nhà mình để trừ ma quỷ, đón tài lộc cho gia đình.Những gia đình có điều kiện thường tìm mua những con chó đá được chế tác bởi những người thợ chuyên nghiệp có tay nghề cao.

Ví dụ như con chó đá được tráng men bóng loáng, nặng khoảng 30kg, giá tầm 2 triệu đồng/con; ngoài là linh vật trừ tà ma, đón tài lộc theo phong thủy, thì những con chó đá bạc triệu này còn là vật trang trí cho ngôi nhà thêm đẹp.

Nổi danh về trình độ điêu khắc tạc tượng chó đá lâu đời nhất ở xứ Lạng là làng Yên Trạch (Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) với rất nhiều nghệ nhân chuyên nghiệp, trong đó nổi tiếng nhất là ông Lương Hải Cường đã có thâm niên hơn 20 năm tạc tượng Thần Cẩu.

Theo nghệ nhân Lương Hải Cường, tượng chó đá ở làng Yên Trạch được chế tác từ loại đá xanh nguyên khối và chỉ có loại đá này mới tạc được, các loại đá khác vốn chứa nhiều tạp chất nên khi chạm tạc sẽ bị nứt, bể. “Thiên nhiên đã phú cho bản làng Yên Trạch trữ lượng đá xanh rất quý và tập trung nhiều nhất là ở khu vực khe Phai Nghiều, thuộc bản Nà Khuất, với nhiều màu sắc tự nhiên như màu ngả đỏ, màu chuyển vàng nâu, màu đen.

Tuy nhiên, đá xanh lại thường có ở hang sâu, dưới những tầng đất được phủ kín, muốn khai thác đá phải tốn nhiều công sức để đào và tìm kiếm. Từng tảng đá lớn được đưa từ dưới hang sâu lên mặt đất. Sau đó, người thợ sẽ tạc phác qua thành hình dạng con chó đá thô sơ, rồi mới vận chuyển về nhà chạm khắc”, ông Cường cho biết.

Nói chung để biến những tảng đá nặng hàng chục kí thành con chó đá sinh động, có hồn vía, thần thái thật uy nghi thì những người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn thật công phu, kéo dài liên tục trong nhiều ngày.

Những nghệ nhân có tay nghề chuyên nghiệp cao như ông Lương Hải Cường có thể chế tác được tượng chó đá với từ 4-5 kiểu dáng, thế khác nhau như chó đá giơ tay chào ngang tai, chó đá phủ phục, chó đá ưỡn mình…

Ông Cường chia sẻ, nghề chế tác chó đá tuy rất vất vả nhưng một khi đã bắt tay vào thực hiện thì say mê đến mức không dừng được, tập trung hết mọi cung bậc cảm xúc vào từng nét chạm, từng thớ đá. Một nghệ nhân giỏi tay nghề, bền bỉ với công việc thì phải mất 5-6 ngày mới tạc hoàn chỉnh một con chó đá.

Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ tháng 8 âm lịch đã có rất đông khách hàng từ nhiều địa phương trong tỉnh, thậm chí cả dưới miền xuôi tìm đến nhà ông Cường đặt tạc tượng chó đá, gia đình ông Cường phải tập trung làm suốt ngày mới đáp ứng đủ nhu cầu. Mỗi năm, gia đình ông Cường (có người con trai đang nối nghiệp), cũng chỉ chế tác được trên 100 con chó đá và ngoài cung ứng cho người tới tận nhà đặt, gia đình ông cũng đem chó đá ra tận chợ Kỳ Lừa, Giếng Vuông (TP Lạng Sơn) bày bán.

Sự tận tâm, tận lực với nghề không chỉ mang lại thêm thu nhập cho gia đình mà điều quan trọng hơn là góp phần lưu giữ nét đẹp trong văn hóa của người dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Việc tạc ra được những tượng chó đá đẹp còn giúp đồng bào người Tày, Nùng tại Xứ Lạng không quên phong tục thờ chó đá mà các cụ xưa để lại.

Đọc thêm