Lễ hội Befana - Italy
Befana là một lễ hội cổ của người La Mã, bắt nguồn từ truyền thống của người Công giáo từ gần 2.000 năm trước. Theo đó, trước ngày 6/1, người ta sẽ đốt một thân cây sồi để lấy than nhằm rút ra những điều ước tốt lành cho năm mới.
Hoạt động chính tại lễ hội Befana là buổi diễu hành sáng 6/1 hàng năm tại Thủ đô Rome, thu hút hàng nghìn người tham gia. Trẻ em được gặp lại những nhân vật trong trí tưởng tượng của mình như vua chúa, hoàng hậu, hoàng tử và các nàng công chúa hay thậm chí là những chàng kỵ sĩ. Và nhân vật chính không thể thiếu của lễ hội Befana: bà phù thủy với cây chổi thần.
Mang vẻ bề ngoài là một hình ảnh bà già cau có, bẩn thỉu, nhưng Befana mang cả hai tính cách: tốt bụng và xấu tính. Bà biết rất rõ tính cách của từng em bé để chọn món quà cho chúng.
Đối với những trẻ em ngoan, đêm 5/1, bà phù thủy sẽ tặng quà hay kẹo bánh, còn những em bé chưa nghe lời cha mẹ chỉ nhận được những hòn than đen. Dù bánh kẹo hay than đi nữa thì chúng đều được bỏ vào trong một chiếc tất dài treo bên lò sưởi và được trẻ em mong đợi có phần nhiều hơn ông già Noel.
Lễ hội Carnival và vũ điệu Samba – Brazil
Được tổ chức vào khoảng tháng 2 hàng năm trên khắp đất nước Brazil, nhưng sôi nổi nhất vẫn là Carnival tại Thủ đô Rio de Janeiro, nơi tất cả các vũ công samba tài giỏi nhất đổ về tranh tài. Phóng khoáng, yêu đời là đặc trưng của người châu Mỹ, điều thể hiện rõ nhất ở Lễ hội Carnival.
Lễ hội được mở đầu bằng nghi thức trao chìa khóa vào thành phố cho Hoàng đế Momo - một nhân vật tưởng tượng, để Ngài dẫn các vũ công diễu hành và trình diễn ở vũ trường Samba. Mỗi trường phái được trình diễn trong vòng 85 phút.
Trong tiếng trống, ánh pháo hoa, đèn chiếu rực trời, khán giả kết thành từng nhóm trong những bộ trang phục đặc sắc hát hò và vui đùa cùng vua chúa, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử, hiệp sĩ… Tâm điểm của Lễ hội Carnival là cuộc diễu hành diễn ra vào đêm chủ nhật và thứ hai tại sân vận động Sambadrome của thành phố cùng rất nhiều bữa tiệc đường phố vui nhộn.
|
Hình ảnh quen thuộc trong lễ hội Mùa xuân Singapore |
Lễ hội Mùa xuân trên “Đảo quốc sư tử”
Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, Lễ hội Mùa xuân Singapore được tổ chức với các hoạt động hoành tráng và nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Tâm điểm chính là Hội hoa đăng được tổ chức ở khu Chinatown với hàng nghìn ánh đèn lung linh huyền ảo trên các đại lộ chính, mang đến cho du khách một không khí lễ hội thực sự.
Trong lễ hội “Singapore River Hongbao”, du khách sẽ được tìm hiểu văn hóa Trung Hoa thông qua các bức tượng khổng lồ trong thần thoại, chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ, tiết mục bắn pháo hoa đặc sắc, giới thiệu những món ăn truyền thống…
Tưng bừng nhất là Lễ diễu hành Chingay, thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương. Đây là dịp người dân Singapore thể hiện nền văn hóa đa sắc tộc bằng một cuộc diễu hành rầm rộ của các đoàn xe hoa được trang trí theo mô típ riêng, các điệu múa và trang phục truyền thống đặc trưng của từng dân tộc.
Lễ hội Hanami - Nhật Bản
Vào tháng 3 dương lịch hàng năm, trong tiết xuân ấm áp, người Nhật háo hức đón chờ Lễ hội Hanami. Trong tiếng Nhật, “hana” có nghĩa là hoa, “mi” là ngắm. Trong những ngày hoa anh đào nở rộ, các công sở và trường học ở Tokyo đều cho nhân viên, học sinh nghỉ buổi chiều để ngắm hoa.
Lễ hội Hanami thường được tổ chức ở các công viên có trồng nhiều hoa anh đào như Ueno, Yoyogi Koen, Kudanshita, Shibuya... Mọi người trải bạt ngồi dưới gốc cây, nhâm nhi chén rượu sakê và ngắm hoa.
Lễ hội Đèn lồng - Trung Quốc
Lễ hội Đèn lồng là sự kiện vui nhất và sôi nổi nhất trong dịp đầu năm của người Trung Quốc được tổ chức vào Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm. Tin rằng lồng đèn xua đuổi ma quỷ và mang lại bình yên, hạnh phúc nên họ thắp rất nhiều đèn lồng để chào đón năm mới. Dần dần, nghi lễ này được phát triển thành một hoạt động lớn, trưng bày các kiểu đèn lồng trang trí và ngày càng được làm công phu.
Với hàng nghìn chiếc đèn lồng lung linh, đây thực sự là một “bữa tiệc nghệ thuật” hoành tráng dành cho tất cả mọi người. Ngoài kiểu dáng truyền thống, đèn lồng còn có hình động vật và các nhân vật hoạt hình dễ thương được trẻ con rất yêu thích. Bên cạnh đó còn có những màn trình diễn rất ấn tượng như thả đèn lồng trên sông, đèn lồng trên băng…
|
Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản |
Lễ Tết ở Swaziland
Đầu năm mới, người Swaziland có lễ Newala - lễ hội quả đầu mùa - kéo dài trong một tháng. Nhân vật chủ yếu trong lễ này là Nhà Vua, biểu tượng của sự phong phú và thịnh vượng của đất nước Swaziland.
Cũng vì vậy mà Vua phải có nhiều vợ và tất nhiên là nhiều con. Do diễn ra trong suốt một tháng, lễ hội năm mới của người Swaziland bao gồm nhiều sự kiện khác nhau như vớt bọt sóng, lấy nước từ những con sông lớn mang về...
Trong ngày cuối cùng của lễ Newala, các chiến binh hát những bản nhạc thiêng liêng, nhảy múa quanh chỗ ở của Nhà Vua. Nhà Vua xuất hiện, gương mặt bôi đen bằng một thứ thuốc, đội một chiếc mũ lông chim màu đen, đeo thắt lưng bạc bằng da khỉ, dùng cỏ xanh phủ quanh người.
Trong lúc nhảy múa, Nhà Vua ăn một phần quả bí đỏ đặc biệt gọi là Luselwa rồi liệng phần còn lại cho các chiến binh. Cuối cùng, người ta đốt lửa lên, ngụ ý đốt cháy những xui xẻo năm cũ.