Theo Reuters, dự luật Chống tin giả năm 2018 do Chính phủ của Thủ tướng Najib Razak đệ trình đã dễ dàng nhận được đa số phiếu ủng hộ tại Quốc hội để trở thành luật.
Luật này đưa ra khung hình phạt tới 500.000 ringgit (tương đương 123.000 USD) và phạt tù tối đa 6 năm đối với người vi phạm. Dù vậy nhưng mức phạt tù này thấp hơn so với mức 10 năm tù được đưa ra trong bản dự thảo đầu tiên của luật.
Chính phủ Malaysia khẳng định luật Chống tin giả vừa được thông qua không cản trở tự do ngôn luận và các vụ việc vi phạm sẽ được giải quyết thông qua tiến trình xét xử độc lập tại tòa án.
“Luật này nhằm bảo vệ công chúng khỏi sự phát tán của tin giả, đồng thời vẫn đảm bảo tự do ngôn luận theo hiến pháp”, Bộ trưởng tư pháp Malaysia Azalina Othman Said khẳng định.
Theo luật vừa được Quốc hội Malaysia thông qua, tin giải được định nghĩa là những bản tin, thông tin, số liệu và báo cáo sai hoàn toàn hoặc sai một phần và bao gồm cả phim, tranh ảnh, đoạn ghi âm...
Luật này điều chỉnh cả các ấn bản số và truyền thông xã hội và sẽ áp dụng với những kẻ cố tình phát tán tin giả ở cả trong và ngoài lãnh thổ Malaysia, bao gồm cả người nước ngoài nếu Malaysia hoặc công dân của nước này bị ảnh hưởng.
Malaysia là một trong những nước đầu tiên trên thế giới có luật chống tin giả. Trước đó, Đức hồi năm ngoái cũng đã thông qua kế hoạch phạt các mạng truyền thông xã hội nếu họ không dỡ bỏ những đăng tải có nội dung thù hận.
Ngoài ra, một số nước khác ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Singapore và Philippines cũng đang tìm cách chống lại nạn tin giả./.