Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng không đáng lo cho lắm, vì con người chưa bao giờ đọc nhiều như vậy; bộ não không ngừng phân loại thông tin tốt - xấu, bỏ thông tin này, giữ thông tin kia.
Nghiện Internet và bỏ quá nhiều thời gian lướt nét để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tâm lý. Một người cho hay: “Tôi từng kết nối Internet từ 5h sáng đến nửa đêm”, từ truy cập các mạng xã hội, nhận tin mới… Thêm vào đó là áp lực công việc và những lời chỉ trích trên các mạng xã hội hay blog. Hậu quả là người này phải nghỉ việc gần hai tháng để điều trị tâm lý và các triệu chứng đau bụng, đau lưng, không còn khả năng làm việc.
Tương tự, Thierry Crouzet, một tác giả người châu ÂU, từng tin rằng “một công cụ được quản lý một cách phi tập trung, như Internet, sẽ đủ để thúc đẩy một xã hội phi tập trung và cởi mở hơn, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Ngày nay, con người bắt đầu nghi ngờ Internet hơn và họ có lý”. Khi Thierry Crouzet cai Internet vào năm 2011, ông ngủ ngon hơn, khỏe hơn mà không cảm thấy thiếu Internet.
Theo một thống kê gần đây, khoảng 26% người trưởng thành ở Mỹ “gần như liên tục” truy cập Internet, cao hơn con số 21% cách nay ba năm. Chính các tập đoàn lớn GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft) bắt đầu tự điều chỉnh bằng cách triển khai các ý tưởng làm chủ thời gian truy cập nội dung và các ứng dụng kỹ thuật số.
Ví dụ, vào tháng 06/2018, iPhone có phiên bản iOS12 mới, gồm nhiều lựa chọn cho phép người sử dụng “hạn chế giải trí, tập trung tốt hơn và hiểu cách bỏ thời gian sử dụng điện thoại như thế nào”. Đến tháng 09/2018, khách hàng của Apple sẽ có thể tự hạn chế thời gian sử dụng mỗi ứng dụng, quá thời hạn đó, họ không thể truy cập được nữa. Họ cũng có thể nhận được tổng kết hàng tuần về thời gian sử dụng mỗi ứng dụng, số lượng tin mới nhận, và số lần cầm điện thoại.
Tương tự, khách hàng của Google cũng được trang bị thống kê về thời gian sử dụng mỗi ứng dụng, số lần khóa điện thoại hàng ngày và số tin mới nhận. Facebook cũng muốn hướng đến “thời gian tích cực” của người sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này, thay vì “bỏ bao nhiêu thời gian” lướt Facebook.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giảng viên đại học Nikos Smyrnaios, giống như cuộc chiến chống thuốc lá, “lời đáp trả là những loại thuốc lá nhẹ, mà không hề thay đổi về bản chất. Các tập đoàn công nghệ lớn cũng làm tương tự để tránh bị áp đặt bởi một khuôn pháp lý ràng buộc hơn”.
Khi lên cơn nghiện internet, người sử dụng khó lòng thoát khỏi cơn thèm và tự cai được. Nhiều người khá giả sẵn sàng chi tiền để được cai Internet, nhờ đó mà nhiều ngành kinh doanh phất lên.
Từ năm 2014, ngày càng có nhiều khách sạn hay phòng du lịch trong nhà dân ở Pháp đưa ra chương trình “giải độc kỹ thuật số”, không màn hình, không Internet để thu hút lượng khách hàng thường là doanh nhân và ít chú ý đến giá thuê. Ví dụ, với giá từ 210 đến 448 euro/đêm, nhiều khách sạn giữ điện thoại thông minh của khách hàng, thay vào đó là điện thoại không kết nối Internet như Nokia 3310, Sony Ericsson.
Chương trình tivi được thay bằng một kênh nhạc thiền duy nhất để giúp khách hàng tĩnh dưỡng; thay vì bỏ thời gian lướt internet, họ được mát xa bằng mật ong và đọc tạp chí giấy thay vì tạp chí điện tử…
Và như vậy, ngành kinh doanh cắt đứt Internet vẫn còn tương lai xán lạn trước mắt.