Theo nội dung vụ án, lợi dụng sự phát triển của mạng Internet, thông qua các trang mạng xã hội và các ứng dụng trên không gian mạng, tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do đối tượng Đào Minh Quân (sinh năm 1952, quốc tịch Mỹ, cựu quân nhân chế độ Việt Nam Cộng hòa) cầm đầu đã thực hiện nhiều thủ đoạn, kế hoạch tuyên truyền xuyên tạc chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, lôi kéo những đối tượng bất mãn chế độ và Nhà nước Việt Nam, đưa người từ nước ngoài về lôi kéo người trong nước thực hiện các hoạt động chống phá, bạo động vũ trang với mục đích phá hoại, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Trong vụ án này, các bị cáo Nguyen James Han (sinh năm 1967, Việt kiều Mỹ), Phan Angle (sinh năm 1956, quốc tịch Mỹ) đã truyền đạt chỉ thị của Đào Minh Quân, chủ động bàn bạc, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác thực hiện như: rải truyền đơn, đột nhập đài phát thanh chèn sóng để phát các nội dung tuyên truyền cho tổ chức, xịt sơn bôi bẩn tượng đài Bác Hồ ở nơi công cộng, tụ tập biểu tình phản đối Formosa...
Tuy nhiên, phần lớn hoạt động của các đối tượng này đã bị lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn.
Hành vi của Nguyễn James Han, Phan Angle thể hiện vai trò chính trong vụ án, vì thế cần mức án tương xứng. Các bị cáo còn lại dù biết rõ tôn chỉ, mục đích phản động của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” nhưng vẫn viết đơn để tham gia, thể hiện sự hưởng ứng tích cực thông qua việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức như: nhận tiền tài trợ của tổ chức, tham gia biểu tình lôi kéo người khác tham gia (thậm chí lôi kéo các học sinh trung học), viết phiếu trưng cầu dân ý bầu cho Đào Minh Quân làm “Tổng thống nền đệ tam Việt Nam cộng hòa.”
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm vào an ninh quốc gia, phá hoại sự ổn định, phát triển của đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đi ngược lại lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;” tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đa số các bị cáo là những người trẻ nhưng có cái nhìn phiến diện, có học vấn hạn chế, thiếu kiến thức pháp luật, mù quáng tin tưởng vào việc phong tước, hứa hẹn đãi ngộ của các tổ chức phản động nên khi tiếp xúc với những thông tin xấu, xuyên tạc từ không gian mạng đã bị các đối tượng xấu của các tổ chức phản động lừa dối, lôi kéo, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Trong quá trình điều tra, xét xử tại phiên tòa, các bị cáo (trừ bị cáo Phan Angle) đã thể hiện sự ăn năn, hối cải, nhận ra sai lầm và mong Hội đồng xét xử xem xét tuyên mức án nhẹ để sớm được trở về với gia đình.
Trên cơ sở những chứng cứ, xét hỏi công khai tại phiên tòa, xét những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của các bị cáo, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyen James Han, Phan Angle mức án 14 năm tù, trục xuất 2 bị cáo ngay sau khi chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam.
Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án 11 năm tù đối với Trương Nguyễn Minh Trí; mức án 10 năm tù đối với Đỗ Tài Nhân, Nguyễn Hùng Anh, Trần Tuấn Tài. Các bị cáo Võ Hoàng Ngọc, Đỗ Quốc Bảo lĩnh 9 năm tù; Trần Văn Vinh 8 năm tù, Trần Quang Vinh 7 năm tù; Nguyễn Văn Chánh, Đỗ Thị Thùy Dung lĩnh 5 năm tù. Các bị cáo còn bị phạt quản chế từ 2 đến 4 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Theo Bộ Công an, tổ chức phản động lưu vong “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” là tổ chức khủng bố, đã thực hiện nhiều hoạt động chống phá, bạo động vũ trang nguy hiểm tại Việt Nam nhằm gây tiếng vang, mục đích xóa bỏ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.