Tuyên án vụ Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn đào tạo trái phép 63.000 học viên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sáng ngày 11/4, TAND TP HCM tuyên án sơ thẩm đối với 13 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với vụ án xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn (thuộc công ty Phát triển Giáo dục và Dạy nghề 3T).
Bị cáo Hồ Đình Thái Hòa (Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn) chủ mưu cầm đầu bị tuyên phạt 13 năm 6 tháng tù. (Ảnh: Bùi Yên)
Bị cáo Hồ Đình Thái Hòa (Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn) chủ mưu cầm đầu bị tuyên phạt 13 năm 6 tháng tù. (Ảnh: Bùi Yên)

63.000 người học lái xe được tuyển sinh, đào tạo trái phép

Mức án đối của các bị cáo “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như sau: Hồ Đình Thái Hòa (SN 1975, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn và Cty 3T) bị phạt 13 năm 6 tháng tù; Đặng Thái Hân (SN 1995, Phó GĐ trung tâm) 11 năm 6 tháng tù; Trần Anh Xuân (SN 1991, Phó GĐ trung tâm) 8 năm 6 tháng tù; Bùi Thị Bích Thỏa (SN 1978, Phó GĐ trung tâm) 9 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Thu Giang (SN 1990 Phó GĐ phát triển nguồn lực trung tâm) 9 năm 6 tháng; Vũ Thị Phương Mai (SN 1989, nhân viên công ty 27K) 6 năm tù; Dương Văn Đông (SN 1975, Phó Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai) 6 năm tù; Nguyễn Thị Mỹ Nhân (SN 1978, cán bộ Sở GTVT Đồng Nai) 4 năm tù; Phạm Minh Quân (SN 1990, cán bộ Sở GTVT Đồng Nai) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Nhân Cường (SN 1975, cán bộ Sở GTVT Đồng Nai) 6 năm 6 tháng tù.

Các bị cáo thuộc Sở LĐTB&XH Đồng Nai bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là Nguyễn Thị Mộng Thu (SN 1977, Phó giám đốc Sở) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Đặng Văn Dạng (SN 1980) 3 năm tù; Nguyễn Hữu Khánh Linh (SN 1972) 3 năm 6 tháng tù.

Theo HĐXX, cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội. Tuy nhiên khi xem xét lượng hình, HĐXX áp dụng nguyên tắc nghiêm trị những người chủ mưu cầm đầu; khoan hồng với những người thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội. Mức án như trên, HĐXX đã xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho từng bị cáo.

Theo cáo trạng, mặc dù không đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật nhưng Hồ Đình Thái Hòa trực tiếp tổ chức, chỉ đạo kêu gọi cá nhân bên ngoài đưa xe tập lái, tự tuyển sinh, tự đào tạo, trích nộp phí cho trung tâm Sài Gòn để mượn tư cách pháp nhân, hợp thức hóa là học viên của trung tâm; tuyển dụng các cá nhân bên ngoài nhưng không tổ chức tập huấn dạy lái xe cho các giáo viên theo quy định nhưng vẫn hợp thức hóa hồ sơ, đề nghị Sở GTVT Đồng Nai kiểm tra, cấp giấy chứng nhận giáo viên lý thuyết, thực hành lái xe.

Trên thực tế, các giáo viên không tham gia đào tạo tại trung tâm mà được hưởng công 500.000 đồng/tháng/giáo viên lý thuyết và 1 triệu đồng/tháng/giáo viên thực hành; ký hợp đồng thuê xe của cá nhân bên ngoài để hợp thức điều kiện xe tập lái; hợp thức điều kiện về phòng học chuyên môn, chương trình, kế hoạch đào tạo.

Sáng 11/4, HĐXX tuyên án sơ thẩm đối với 13 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn. (Ảnh: Bùi Yên)

Sáng 11/4, HĐXX tuyên án sơ thẩm đối với 13 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn. (Ảnh: Bùi Yên)

Cụ thể, bị cáo Hòa chỉ đạo các bị cáo khác thông qua Công ty cổ phần thiết kế tư vấn K27 (do Hòa làm chủ tịch, Hân làm giám đốc) và 261 cá nhân bên ngoài hợp thức hóa điều kiện chuyên môn kỹ thuật để các bị cáo thuộc Sở GTVT Đồng Nai cấp 976 xe tập lái (trong đó có 791 xe do cá nhân bên ngoài hợp thức, không đủ điều kiện là xe tập lái); 39 phòng học chuyên môn; 1.406 giáo viên (trong đó 1.375 giáo viên không tập huấn theo quy định, không tham gia đào tạo tại trung tâm); 03 sân tập lái, lưu lượng đào tạo trên 1.000 học viên và Sở LĐTB&XH cấp bổ sung quy mô đào tạo tập lái 12.000 học viên/năm.

Sau đó, bị cáo Hòa tiếp tục chỉ đạo cấp dưới đưa các điều kiện chuyên môn kỹ thuật vào hợp thức, ký 935 Báo cáo 1 với 63.458 học viên, tổng số tiền hơn 618 tỷ để đăng ký kế hoạch đào tạo lái xe với Sở GTVT. Trong đó, Cty K27 và 261 cá nhân bên ngoài được trung tâm hợp thức hóa đào tạo hơn 59.000 học viên với số tiền 578 tỷ; số tiền này nộp cho Trung tâm chi phí hợp thức hóa hồ sơ là 119 tỷ, còn lại 459 tỷ giữ lại cho chi phí tự đào tạo và hưởng lợi.

Chấp nhận nâng quy mô tuyển sinh lên 12.000 người sai luật.

Đối với các bị cáo thuộc Sở GTVT Đồng Nai, cáo trạng xác định ông Đông, từ năm 2020 đến tháng 3/2023 là Phó Giám đốc Sở nhưng không kiểm tra điều kiện chuyên môn kỹ thuật, biết trung tâm Sài Gòn không đủ điều kiện đào tạo nhưng ký 44 Báo cáo 1 chấp thuận kế hoạch đào tạo, tạo điều kiện cho Hòa tuyển sinh, đào tạo và hưởng lợi số tiền đặc biệt lớn. Ông Đông còn không chỉ đạo kiểm tra, thanh tra công tác đào tạo, sát hạch đối với trung tâm này.

Bị cáo Nhân ký cấp 1.375 giấy chứng nhận giáo viên tập lái trái pháp luật, ký 420 Báo cáo 1 để cấp chứng chỉ sơ cấp nghề trái luật. Bị cáo Quân biết rõ trung tâm không đào tạo nhưng vẫn tham mưu cho Đông ký chấp thuận 17 phòng học và ký 438 Báo cáo 1 trái quy định.

Còn các bị cáo thuộc Sở LĐTB&XH Đồng Nai đã không kiểm tra thực tế các điều kiện chuyên môn, kỹ thuật của trung tâm mà chấp nhận bổ sung quy mô tuyển sinh 12.000 người/năm theo hồ sơ, tài liệu do Sở GTVT Đồng Nai và đề nghị của trung tâm, vượt quá quy mô tuyển sinh trái pháp luật.

Toàn bộ số học viên nêu trên không được đào tạo tập trung tại trung tâm theo kế hoạch đào tạo đã đăng ký với Sở GTVT tại các Báo cáo 1; không đào tạo đúng nội dung, chương trình đào tạo nghề của Bộ LĐTB&XH. Sở GTVT và Sở LĐTB&XH Đồng Nai không tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo nghề của trung tâm.

Hậu quả, Hòa và đồng phạm tuyển sinh, đào tạo trái pháp luật 63.458 học viên với số tiền 618 tỷ. Hành vi của các bị cáo xâm phạm nghiêm trọng trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nghề lái xe, gây thiệt hại cho số học viên nêu trên.

Đọc thêm