Trong khi đó, tại Bản cam kết bàn giao mặt bằng về việc bàn giao diện tích đất đã bị thu hồi có chữ ký của chủ đất và ghi rõ ông Hệ đã nhận đủ tiền đền bù mặc dù thời gian này chủ đất không có mặt ở địa phương.
Dấu hiệu bất minh biên bản bàn giao mặt bằng
Theo Quyết định số 4671/QĐ-UBND ngày 27/9/2016 của UBND huyện Chiêm Hoá về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng công trình Nhà máy Chế biến lâm sản tại Cụm công nghiệp An Thịnh (nằm trên địa phận xã Phúc Thịnh giai đoạn 1), do Công ty TNHH Sơn Hải làm chủ đầu tư thì gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Hệ có tổng diện tích đất phải thu hồi, giải tỏa là trên 5.000m2. Trong đó, bao gồm cả đất rừng sản xuất và đất cây lâm nghiệp với tổng kinh phí bồi thường gần 900 triệu. Tuy nhiên đến nay, gia đình ông Hệ mới nhận được số tiền bồi thường hơn 196 triệu, còn lại gần 700 triệu gia đình ông vẫn chưa được Công ty TNHH Sơn Hải thanh toán theo quy định.
Điều đáng nói, Bản cam kết bàn giao mặt bằng về việc bàn giao diện tích đất đã bị thu hồi trong mặt bằng công trình được lập vào hồi 11h30’ ngày 12/12/2016 tại UBND xã Phúc Thịnh, gồm đầy đủ chữ ký của đại diện UBND xã Phúc Thịnh, Chi nhánh phát triển quỹ đất huyện Chiêm Hóa, Công ty TNHH Sơn Hải và chủ hộ là ông Nguyễn Văn Hệ ghi rõ việc chủ đầu tư là Công ty TNHH Sơn Hải thanh toán xong tiền bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông Hệ về đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu và chính sách hỗ trợ với tổng số tiền 895.988.000đ.
Tuy nhiên theo ông Hệ, thời điểm này ông đang đi công tác cùng Đoàn Cựu chiến binh Văn phòng Quốc hội và Đoàn ngoại giao Quân đội Nhân dân Việt Nam tại đất bạn Lào, Thái Lan và thăm một số di tích lịch sử nên nghi vấn chữ ký trong văn bản trên là giả: “Đất của gia đình tôi bị thu hồi là do cha ông từ thế kỷ trước đi vùng kinh tế mới khai hoang và để lại cho tôi. Đến nay đã 2 năm bị thu hồi nhưng Công ty TNHH Sơn Hải không chi trả tiền đền bù cho gia đình tôi để có vốn làm ăn, phát triển kinh tế nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình tôi chỉ mong muốn nhận đủ số tiền được đền bù theo đúng quy định để phát triển sản xuất và nếu Công ty TNHH Sơn Hải không trả tiền thì đề nghị trả lại đất cho gia đình tôi. Tôi cũng đề nghị làm rõ Bản cam kết bàn giao mặt bằng được lập trong thời gian tôi không có mặt tại địa phương mà tại sao lại có chữ ký của tôi?”, ông Hệ bức xúc.
Ông Triệu Quang Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết đã nắm được sự việc của ông Hệ. Ông Hải khẳng định chữ ký của mình trong bản cam kết bàn giao mặt bằng là chữ ký thật. Theo ông Hải, biên bản bàn giao mặt bằng được lập sau các buổi làm việc và các thành phần ký trong biên bản là xác nhận lại các nội dung đã làm việc. Còn về vấn đề biên bản này có đúng được lập vào ngày 12/12/2016 hay không thì ông Hải cho biết sẽ cho kiểm tra lại. UBND xã sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng để xác minh lại Bản cam kết bàn giao mặt bằng này được lập có đúng hay không.
Chờ đợi tới bao giờ?
Về phía chủ đầu tư là Công ty TNHH Sơn Hải, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hải thẳng thắn thừa nhận hiện Công ty còn nợ gia đình ông Nguyễn Văn Hệ gần 700 triệu đồng tiền hỗ trợ, bồi thường là đúng sự thật. Còn về nội dung Bản cam kết bàn giao mặt bằng thì ông Hải cho rằng, kế toán của Công ty đã ghi sai ngày lập biên bản cam kết…
Ông Trần Đức Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa khẳng định đến thời điểm này UBND huyện chưa xử lý đơn kiến nghị của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Hệ với lý do cá nhân ông đến ngày 7/11 mới được giao giải quyết đơn kiến nghị của ông Hệ. Mặt khác, do lịch công tác của ông trong thời gian qua quá dày đặc nên UBND huyện chưa sắp xếp được buổi làm việc với các đơn vị và cá nhân liên quan tới đơn kiến nghị của ông Hệ.
Trả lời về Bản cam kết bàn giao mặt bằng về việc bàn giao diện tích đất đã bị thu hồi trong mặt bằng công trình bị cho có dấu hiệu làm giả, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa và bà Ma Thị Nhung, Phó Chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, nội dung này Văn phòng HĐND – UBND huyện đã gửi Công văn số 57 ngày 9/10/2018 về việc giao Công an huyện giải quyết đơn công dân.
Theo tìm hiểu, sau khi xem xét nội dung đơn, Công an huyện có Phiếu chuyển đơn số 1011 ngày 18/10/2018 gửi Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa với nội dung: Đơn của ông Nguyễn Văn Hệ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Chiêm Hóa.
Nhà máy chế biến lâm sản của Công ty TNHH Sơn Hải đã đi vào hoạt động sản xuất được 2 năm: “Đây cũng là thời gian gia đình tôi mòn mỏi chờ đợi số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và chịu không ít thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống. Tôi đề nghị các cấp chính quyền sớm làm rõ, đưa ra kết luận cuối cùng”, ông Hệ nói.