Uber, Grab là vận tải taxi hay vận tải hợp đồng?

(PLO) - Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam, cụ thể là hãng taxi Vinasun đã gửi công văn tới  Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị xem xét huỷ bỏ Quyết định 24 và yêu cầu thực hiện quản lý hoạt động Grab, Uber như hoạt động vận tải taxi do nhận thấy đề án có nhiều sai phạm, đặc biệt là hình thức vận tải hợp đồng nhưng không hề có hợp đồng nào được ký kết.
Uber, Grab là vận tải taxi hay vận tải hợp đồng?

Hợp đồng điện tử là khái niệm vận tải taxi bị đánh tráo?

Công văn nêu rõ, Quyết định số 24 của Bộ GTVT không thực hiện đúng Văn bản số 1850 của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Trong đó có việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải. Uber và Grab đã có mặt và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014. Kế hoạch ban hành theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ GTVT chủ yếu là kế hoạch triển khai hoạt động của Công ty TNHH Grab taxi.

Vinasun cũng chỉ ra điểm sai phạm mấu chốt trong hình thức thí điểm vận tải hợp đồng mà ai cũng có thể nhận ra đó là: Mặc dù không có hợp đồng nào được ký kết nhưng Uber, Grab vẫn được xếp vào loại hình vận tải hợp đồng.  Hợp đồng điện tử là khái niệm vận tải taxi bị đánh tráo, Bản chất Grab và Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, Cần định danh dịch vụ vận tải Grab, Uber là dịch vụ vận tải taxi. 

Sử dụng dịch vụ Grab, Uber nhưng người tiêu dùng không thể tìm ra được nội dung hợp đồng vận tải nào được ký kết cho mỗi chuyến đi. Câu hỏi Ai ký với ai? Nội dung hợp đồng như thế nào? Hợp đồng lưu ở đâu cũng không thể tìm ra? Không chỉ người dùng, cả hai hãng Uber, Grab tại hội nghị và sau hội nghị đều không đưa ra được hợp đồng vận tải nào được ký kết cho mọi người xem.

Khi đề án trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Công an cũng đã chỉ ra cho Bộ Giao thông Vận tải thấy sai phạm quy định của giao kết hợp đồng vận tải. Tuy nhiên, bộ phận thẩm định đề án đã cố tình không lưu tâm mà còn lý giải đây là kỹ thuật chuyên sâu, không cần đưa vào phụ lục. 

Qua đây chúng ta thấy, Hợp đồng điện tử thực chất chỉ là phương thức giao kết chứ không phải là mô hình kinh doanh và không đúng quy định về xe hợp đồng. Căn cứ vào Điều 7 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và Điều 44, Điều 45 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT thì hình thức vận tải kết nối qua phần mềm của Grab, Uber không có đủ cấu thành của một hợp đồng vận tải, nên không thể xếp vào hình thức vận tải hợp đồng.

Văn bản kiến nghị của Công ty Ánh Dương gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Văn bản kiến nghị của Công ty Ánh Dương gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

Quản lý lỏng lẻo và lỗ hổng cho ngành Thuế

Sự quản lý lỏng lẻo trong đề án dịch vụ vận tải kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Sự mâu thuẫn nằm ở chỗ, dù các địa phương khuyến cáo nhiều lần về việc này nhưng đề án lại cho phép không khống chế số lượng xe. Kết quả là trong một thời gian ngắn, số lượng xe ô tô cá nhân tăng chóng mặt, phủ kín đường, trong khi nhiều hơn số lượng taxi chính thống trước nay vẫn bị giới hạn theo quy hoạch. 

Công văn kiến nghị của vinasun cũng nêu rõ quan điểm, và chỉ ra lỗ hổng trong việc thi hành luật thuế của Grab, Uber. Trong quyết định thanh tra thuế của Cục thuế TP HCM, Uber bị yêu cầu truy thu 66,68 tỷ tiền thuế. Đến nay, Uber vẫn chưa chịu nộp số tiền trên. Như vậy, cả hai doanh nghiệp Grab, Uber và các đối tác đều vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thuế. Căn cứ theo luật thì trường hợp Công ty TNHH GrabTaxi đã vi phạm luật thuế và buộc phải đình chỉ thí điểm.

Chiếm lĩnh thị trường, xong cũng là lúc hai hãng Uber, Grab siết chặt thưởng tài xế, tăng phí sử dụng phần mềm từ 20% lên 25%. Các tài xế đã đầu tư xe không thể dừng, vẫn phải chạy xe để kiếm sống, trả nợ ngân hàng. Còn phía các công ty taxi chính thống cũng bị giảm số lượng khách, giảm đầu xe, nhiều doanh nghiệp không đủ tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Kết cục dành cho cả doanh nghiệp, tài xế taxi chính thống và lái xe Grab, Uber đều rất bi đát, ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của cả trăm ngàn người lao động trên cả nước.

Mới đây, ngày 20/12/2017 tòa án cấp cao châu Âu đã phán quyết Uber là một công ty vận tải taxi. Đối chiếu với thực tiễn tại Việt Nam thì hai công ty Grab, Uber chính là một công ty vận tải taxi không sở hữu phương tiện.

Trên đây chỉ là những vấn đề điển hình của vận tải hành khách xe hợp đồng điện tử trong thời gian qua. Còn nhiều vấn đề như tình trạng phù hiệu giả, mua bán đăng ký tài khoản Uber, Grab, bảo mật thông tin khách hàng... cần được làm rõ và xử lý. Việc đưa Uber, Grab về đúng bản chất loại hình dịch vụ sẽ giải quyết không cần bổ sung khung pháp lý, đem lại bình đẳng trong kinh doanh, bảo vệ tốt quyền lợi khách hàng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ thuế cho Nhà nước. 

Đọc thêm