Đáng nói, kể từ khi lãnh đạo thành phố Hà Nội có ý kiến chỉ đạo lãnh đạo quận Cầu Giấy kiểm tra, xử lý công trình vi phạm của các cá nhân, tổ chức mà Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh. Tuy nhiên, lãnh đạo quận này, vẫn chưa sâu sát và chưa xử lý vi phạm theo chỉ đạo.
Cho đến nay, UBND phường Yên Hòa có thêm thông báo số 33, ngày 19/3 về việc ngừng thi công xây dựng và Thông báo kiểm tra công trình xây dựng đối với số 09, nhà B. Theo đó, được biết, UBND quận Cầu Giấy cũng đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư số 09, nhà B của ông Phạm Văn Duyên với mức 15 triệu đồng; biện pháp khắc phục phải tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm theo Quyết định của UBND quận Cầu Giấy trong thời gian 10 ngày.
Tính đến nay, còn 1 ngày nữa là hết thời hạn 10 ngày công trình vi phạm số 9, nhà B phải khắc phục xong hậu quả phần vi phạm, nhưng chủ đầu tư không có bất kỳ động thái chấp hành.
Còn chính quyền địa phương cũng chỉ ra Quyết định xử phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả trên giấy. Chưa thật sự nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Đối với công trình cùng dãy cũng xây dựng không đúng giấy phép của một cán bộ quân đội cũng chưa được chính quyền địa phương xử lý nghiêm và yêu cầu khắc phục hậu quả. Thậm chí, đối với chủ đầu tư này, chính quyền địa phương còn “be bịt” thông tin của gia chủ.
Với cách xử lý hời hợt của chính quyền địa phương như trên, thì UBND quận Cầu Giấy sẽ báo cáo lên lãnh đạo thành phố như thế nào. Có thể nói, vi phạm của những công trình đã phản ánh đã quá rõ, khó dấu kín, một sự việc không quá phức tạp, thế nhưng lãnh đạo quận Cầu Giấy cũng không e ngại với cấp trên, vậy, ví như là sự việc sai phạm kín kẽ hoặc phức tạp, thì, liệu lãnh đạo thành phố có biết được?
Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài viết phản ánh việc nhiều công trình xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch tại khu biệt thự 5,2ha, cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, nội dung phản ánh, việc coi thường phát luật của một số chủ đầu tư bằng việc xây dựng sai giấy phép, phá vỡ quy hoạch chung của dự án khu biệt thự.
Sau chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP đến nay cấp cơ sở chỉ dừng lại ở việc xử lý "trên giấy" |
Đáng nói các hành vi vi phạm của các chủ đầu tư, có dấu hiệu có "tác động" để phớt lờ việc xây dựng sai quy hoạch và sai phép. Do vậy, mọi biên bản vi phạm, thông báo dừng thi công của UBND phường Yên Hòa được coi chỉ là hình thức.
Từ đó, vi phạm của chủ đầu tư, nhà số 9, nhà B và một công trình lâu đài của một cán bộ quân đội tại khu biệt thự 5,2ha đua nhau tiếp tục ngày càng lớn, khiến người dân nơi đây bức xúc, báo chí phản ánh mức độ nghiêm trọng. Thế nhưng Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Anh Tuấn vẫn coi như không biết, còn Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Đỗ Ngọc Anh cũng bất lực trong việc chỉ đạo, ngăn chặn, xử lý vi phạm.
Trong khi đó, UBND Thành phố Hà Nội đã có không ít văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, làm rõ trách nhiệm Chủ tịch UBND quận và phường.
Vậy, việc để nhiều công trình vi phạm tại khu biệt thự 5,2ha, Khu đô thị Yên Hòa như hiện nay, Chủ tịch quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh và Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Đỗ Ngọc Anh có bị Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh xem xét, xử lý nghiêm hay không. Liệu có sự công bằng trong việc xử lý những cán bộ, lãnh đạo khi để xảy ra sai phạm giống như năm 2018, một Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận Nam Từ liêm và Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 đã bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm liên quan đến việc để xảy ra công trình vi phạm, nhưng không ngăn chặn kịp thời và báo cáo thiếu trung thực.
Cán bộ UBND phường Yên Hòa nhiều lần tới đưa thông báo cho Chủ đầu tư số 9, nhà B được cho là của ông Phạm Văn Duyên và bà Vũ Thị Thu Hà |
Nhiều chuyên gia đã từng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, chủ đầu tư xây dựng công trình số 9, nhà B, khu biệt thự 5,2ha đã vi phạm xây dựng thêm tầng hầm diện tích khoảng 150m2 ngoài hồ sơ được cấp phép; thi công mái tầng 1 vượt quá 75m2 so với hồ sơ được cấp phép là những vi phạm lớn, nghiêm trọng.
Sự việc phải được lãnh đạo thành phố chỉ đạo xử lý nghiêm, không chỉ riêng đối với công trình vi phạm, mà còn yêu cầu cán bộ, UBND phường, UBND quận báo cáo để xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu hoặc người phụ trách. Có như vậy, pháp luật mới được thực thi nghiêm minh.
Bài học năm 2020 đối với lãnh đạo quận Cầu Giấy vẫn còn “nóng” nguyên, do cấp dưới để vi phạm trật tự xây dựng, nhưng lãnh đạo quận Cầu Giấy không chỉ đạo xử lý, ngăn chặn kịp thời để xảy ra một số công trình vi phạm.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.